'Nuôi' một lực lượng không quân lớn tốn kém đến mức nào?

Chi phí dùng để duy trì sức chiến đấu cho số lượng lớn máy bay tiêm kích là điều không phải quốc gia nào cũng làm được.

Theo trang Sina của Trung Quốc, việc sở hữu một lực lượng không quân sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi nhà nước phải trả chi phí rất lớn, điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.

Theo trang Sina của Trung Quốc, việc sở hữu một lực lượng không quân sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi nhà nước phải trả chi phí rất lớn, điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.

"Bất kỳ quốc gia nào có ý định xây dựng lực lượng không quân của riêng mình phải có nền tảng kinh tế vững chắc, nếu không họ sẽ chẳng thể duy trì tình trạng sẵn sàng cho phi đội máy bay chiến đấu", Sina nói rõ.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc lưu ý rằng chiến đấu cơ thuộc dòng Flanker là nền tảng chính của không quân nước này, họ đã cố gắng liệt kê các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí chuyến bay.

Chỉ số đầu tiên cần phải tính đến chính là mức tiêu thụ nhiên liệu, yếu tố này chịu ảnh hưởng của khối lượng thân máy bay và trọng lượng vũ khí.

Bên cạnh đó còn là chế độ bay (ở tốc độ thường tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn trái ngược với cơ động chiến thuật); mô hình động cơ (mức tăng tiêu thụ tỷ lệ thuận với công suất của động cơ); kỹ năng phi công.

Tiêm kích Su-27 Flanker được lấy làm ví dụ. Tổng khối lượng nhiên liệu mà máy bay mang theo là 9,7 tấn. Đồng thời trọng lượng riêng của nhiên liệu hàng không là 0,85 sẽ tạo ra thể tích nhiên liệu là 11.200 lít.

"Trong một chuyến bay bình thường, Su-27 ở chế độ hành trình, không bao gồm cơ động, mức tiêu hao nhiên liệu mỗi giờ là 3.750 lít, thời gian bay của nó là 3 giờ".

Tờ Sina cho biết, nếu tính toán rằng với giá nhiên liệu máy bay hiện là 6.500 Nhân dân tệ mỗi tấn (990 USD), một giờ bay của Su-27 sẽ có giá 63.000 Nhân dân tệ (9.590 USD), "và đây chỉ là trạng thái kinh tế nhất".

Nếu chúng ta tính đến thời gian cất cánh và các hành động chiến thuật của phi công, thì mức tiêu thụ nhiên liệu tăng ít nhất 3 lần, tương đương khoảng 200.000 Nhân dân tệ mỗi giờ (30.400 USD), trang Sina khẳng định.

Trước thực tế trên, tờ báo Trung Quốc cho rằng các quốc gia trung bình đơn giản là không thể có được lực lượng Không quân quy mô lớn, nếu tính đến những yếu tố đã nêu.

Ngoài số tiền tiêu hao nhiên liệu, việc mua sắm máy bay chiến đấu chế tạo sẵn ở nước ngoài đòi hỏi phải trả hàng chục triệu USD cho mỗi phi cơ, thậm chí có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Sau khi giải quyết xong vấn đề mua phương tiện tác chiến (gồm cả vũ khí đi kèm), cần đầu tư tiếp vào công đoạn bảo trì, bảo dưỡng, xây dựng cơ sở hạ tầng mặt đất và đào tạo phi công.

"Khoản tiền để duy trì số lượng lớn tiêm kích là vô cùng tốn kém. Tuy nhiên nếu không có lực lượng không quân của riêng mình, bất kỳ quốc gia nào trong thế giới hiện đại đều có thể bị đối thủ cướp bóc", Sina khẳng định.

Tuy vậy tờ báo Trung Quốc cũng lưu ý đó là chuyến bay trên Su-27 không phải là đỉnh cao của chi phí, khi một giờ bay của tiêm kích tàng hình F-35 ước tính lên tới 36.000 USD, cho dù nó chỉ có một động cơ duy nhất.

Số tiền nói trên chủ yếu tính vào chi phí khấu hao máy móc hoặc hao mòn lớp sơn tàng hình, khí tài đảm bảo, cho thấy việc sở hữu tiêm kích thế hệ năm vẫn còn là giấc mơ của nhiều quốc gia.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-nuoi-mot-luc-luong-khong-quan-lon-ton-kem-den-muc-nao-post462175.antd