Nuôi loài 'hô răng' lông trắng, mỗi năm kiếm vài trăm triệu đồng

Chị Đàm Thị Hoa trú tại xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được xem là người đầu tiên đưa giống thỏ New Zealand về địa phương nuôi và nhân giống thành công. Từ sự siêng năng học hỏi, kiên trì theo nghề nuôi 'con tai dài giống Tây' này, mỗi năm chị kiếm được hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi loài 'hô răng' lông trắng này.

Nuôi thỏ giống New Zealand, mỗi năm đem về cho gia đình chị Hoa hàng trăm triệu đồng.

Sinh ra tại vùng quê nghèo Minh Tiến, ngay từ khi mới lập gia đình, vợ chồng chị Đàm Thị Hoa đã tiến hành mở trang trại nuôi gia súc, gia cầm nhằm phát triển kinh tế gia đình.

“Sinh ra ở quê, đồng ruộng chỉ đủ cung cấp lương thực cho gia đình. Để cải thiện thu nhập, cũng như bao gia đình khác ở địa phương, vợ chồng tôi cũng làm trang trại nuôi thêm ít lợn, gà, trâu, bò. Với những giống con này, nói thực giá cả rất bấp bênh, thu nhập chẳng đáng là bao nên tôi luôn mong muốn tìm được một mô hình nào đó hiệu quả hơn”, chị Đàm Thị Hoa chia sẻ.

Cũng theo chị Hoa, cái duyên đến với nghề nuôi thỏ nhen nhóm từ năm 2014, khi vợ chồng anh chị có dịp sang thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) chơi.

Chị Hoa nuôi thỏ bắt đầu từ năm 2015.

“Khi sang Sơn Tây chơi, vợ chồng tôi thấy nhiều hộ gia đình nuôi thỏ đem lại thu nhập cao. Ngay khi thấy mô hình nuôi thỏ vừa lạ lẫm, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vợ chồng tôi đã ngay lập tức nảy ra ý định làm theo. Sau thời gian tham quan các mô hình, khảo sát thị trường, học hỏi kinh nghiệm, đọc tài liệu liên quan đến việc nuôi thỏ. Thấy thị trường ổn định, vốn đầu tư ít nên năm 2015, tôi quyết định đầu tư nuôi thỏ”, chị Hoa cho biết thêm.

Đầu tiên, chị Hoa xây một chuồng trại khép kín khoảng 200m2, sau đó mua 100 con thỏ giống ở Trung tâm thỏ giống Sơn Tây về nuôi. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, chị đã bắt nhịp được với cách chăm sóc, nhân giống thỏ.

Sau những bỡ ngỡ ban đầu, chị Hoa đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc thỏ.

“Mọi chuyện không đơn giản như mình nghĩ, khi đi vào nuôi thực tế, tôi cũng gặp không ít khó khăn về cách thức chăm sóc, cách phòng bệnh, cách phát hiện bệnh và cách chữa bệnh cho thỏ. Chính vì vậy, đầu tiên thỏ sinh trưởng chậm, hay mắc bệnh và có chết một số con. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, tôi thức đêm dậy sớm để đọc tài liệu, ghi chép cẩn thận đặc tính sinh trưởng, biểu hiện bệnh ở thỏ nên dần dần cũng tích lũy được kinh nghiệm cho riêng mình”, chị Hoa vui vẻ tâm sự.

Theo chị Hoa chia sẻ, khi xây chuồng trại, chị đã tính kỹ hướng của chuồng để làm sao vào mùa đông thì ấm, mùa hè thị mát. Thỏ là loại ưa sạch sẽ, thoáng mát nên tuyệt đối không để mất vệ sinh, cũng như không được để ẩm ướt. Thỏ dễ nuôi và ít bị bệnh, nhưng một khi bị bệnh thì lại chết rất nhanh do đó khi nuôi, mọi người nên chú ý quan sát quá trình phát triển để phòng tránh bệnh nấm, trùng, tiêu chảy. Tốt nhất nên tiêm vacxin phòng bệnh từ khi thỏ còn nhỏ, trong quá trình nuôi thì chú ý đến màu lông, phân của thỏ để phát hiện bệnh sớm.

Theo chị Hoa, thỏ là giống ưa sạch sẽ nên chuồng trại luôn phải thoáng mát, cao ráo.

Kinh nghiệm nuôi thỏ của chị Hoa, khi thỏ non vừa được sinh ra, mọi người nên tách khỏi thỏ mẹ 1 – 2 rồi chủ động cho thỏ con bú. Việc làm này sẽ giúp thỏ mẹ nhanh hồi lại sức khỏe, sau đó, mọi người mới cho thỏ con xuống cùng với mẹ.

“Sau khi thỏ con được khoảng 30 ngày tuổi, mọi người tách thỏ con ra khu khác và tiến hành cho thỏ non bú mẹ theo giờ nhất định, kết hợp với cho ăn bổ sung. Đây cũng là thời điểm thỏ non dễ mắc bệnh đường ruột nên mọi người phải chú ý đảm bảo thức ăn luôn sạch sẽ, liều lượng thức ăn cũng vừa đủ. Sau 40 ngày từ lúc tách mẹ thỏ con đủ tiêu chuẩn để bán giống. lúc này thỏ mẹ có thể cho phối giống trở lại”, chị Hoa chia sẻ thêm.

Về chế độ cho ăn, theo chị Hoa, mỗi ngày cho thỏ ăn 1 bữa cỏ, 1 bữa cám. Ngày mát thì tăng lên 1 bữa cỏ và 2 bữa cám. Với mùa đông thì phải giữ ấm, mùa nắng nóng thì dùng quạt làm mát, tưới nước phun sương lên mái chuồng trại.

Hiện tại, với 80 con thỏ nái, mỗi năm 1 con thỏ mẹ có thể đẻ từ 4 – 6 lứa, mỗi lứa 6 – 9 con, nhân giống khoảng 2.400 con nuôi bán thịt, còn lại xuất bán giống. Riếng thỏ thịt, mỗi tháng chị Hoa xuất bán được từ 3 – 4 tạ, trừ mọi chi phí, mỗi năm từ thỏ thịt, chị cũng thu được khoảng 200 triệu đồng. Đó còn là chưa kể đến việc xuất thỏ giống và việc chị thu mua thỏ thịt của các hộ chăn nuôi khác để bán kiếm lời. Từ khi vợ chồng chị Hoa nuôi thỏ, nhiều người trong làng, ngoài xã nói vui rằng, vợ chồng chị nuôi loài "hô răng", lông trắng mà có của ăn của để.

Ông Hoàng Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tiến đánh giá cao mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Hoa vì đã góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Để có thị trường ổn định, chị Hoa thường liên hệ với các nhà hàng, khách sạn lớn ở khắp các tỉnh thành để bỏ mối. Nhờ làm ăn uy tín, nên lượng tiêu thụ thỏ là rất lớn, nhiều khi cung không đủ cầu. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, bất kỳ ai đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ, kỹ thuật nuôi thỏ, chị Hoa cũng đều nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ hết kinh nghiệm mà mình có được.

“Mô hình nuôi thỏ giống New Zealand của chị Hoa là mô hình đầu tiên được thực hiện trên địa bàn xã. Mô hình này đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với mô hình nuôi gia súc, gia cầm khác ở địa phương. Từ mô hình của Hoa, hiện nay ở xã Minh Tiến đã có nhiều mô hình khác đem lại thu nhập kinh tế cao, góp phần làm giau cho quê hương”, ông Hoàng Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết.

Ngô Hùng - Thanh Bình

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/muon-cach-lam-giau/nuoi-loai-ho-rang-long-trang-moi-nam-kiem-vai-tram-trieu-dong-893705.html