Nuôi loài cá nào dễ bán?

Hãy phóng tầm nhìn ra toàn thế giới để định vị lại ngành nuôi cá ở Việt Nam, trên cả ba lĩnh vực: nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Bài này sẽ chỉ tập trung vào góc nhìn kinh tế, thương mại và thị trường đối với con cá nuôi nước ngọt chứ chưa bàn đến cá đánh bắt, tôm, cua, các loại nhuyễn thể, giáp xác, da gai và nuôi trồng các loại tảo (seeweed) do khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo.

Cá Pangasius sắp hết hơi?

Xét về tổng quan, mỗi năm Việt Nam đang xuất khoảng 1,1-1,2 triệu tấn cá Pangasius (với hai dòng cá tra và ba sa), chủ yếu dưới dạng phi lê đông lạnh, chiếm 92-94% tổng lượng nhập khẩu cá da trơn ở EU và Mỹ.

Nhưng điều đáng nói ở đây, cá da trơn không phải là loại cá được người ta yêu thích. Cá rô phi (Tilapia) và cá chép (với nhiều dòng cá đa dạng) là những loại cá đang được ưa chuộng, hiện chiếm 80% tổng lượng cá nuôi được tiêu thụ trên toàn cầu, lại chưa được các doanh nghiệp Việt Nam chú ý khai thác mạnh.

Quy mô của thị trường cá hiện nay ở mức 131 tỉ đô la Mỹ/năm, trong khi doanh thu của cá da trơn chỉ vào khoảng 1,7-1,8 tỉ đô la Mỹ/năm, chiếm một tỷ trọng quá khiêm tốn.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cá da trơn nhưng lại chưa thành công trong việc xây dựng thương hiệu ở trong và ngoài nước. Chưa kể các doanh nghiệp luôn gặp phải kiện chống phá giá (anti-dumping) ở Mỹ, bị khống chế bởi các điều tiết của đợt rà soát hành chính (POR11) và thuế chống phá giá (CBPG).

Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy Pangasius của chúng ta ít có khả năng cạnh tranh với các loại cá khác, đặc biệt là với cá tuyết về giá, với cá ngừ và cá bơn về sự phổ biến trong thực đơn ở các nhà hàng châu Âu. Sản phẩm cá da trơn của chúng ta rơi vào thế gọng kìm, giá thành sản xuất và giá thức ăn cho cá ngày càng tăng trong khi việc tăng giá là rất khó do nằm ở phân khúc dành cho giới bình dân và chưa có kênh phân phối rộng lớn.

Thử làm một phép tính loại suy sẽ thấy Việt Nam khó nuôi thành công, nghĩa là đạt lợi nhuận tốt, với các loại cá xứ lạnh hay cá biển khơi thích giang hồ, hải hồ như cá hồi, cá tuyết, cá ngừ, cá chày/Monkfish. Vì thế chúng ta chỉ còn một vài loại cá thương phẩm nên nuôi để đa dạng hóa thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường cá Pangasius bị bảo hòa, dễ đẩy giá đi xuống. Nguy cơ Pangasius có thể bị thay thế trên thị trường bằng loại cá khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Đơn cử như cá tuyết Alaska với mức giá 1,06 euro/ki lô gam (Vladivostok) như hiện nay cũng chỉ bằng khoảng 60% giá Pangasius của chúng ta.

Biểu đồ trên của VASEP không đề cập đến hai loại cá nuôi rất được ưa chuộng, giá tốt, dư địa thị trường khá lớn là cá rô phi và cá chép (carp)(1) với 600 loại được nuôi trên toàn thế giới.

Cá rô phi, cá chép sẽ lên ngôi?

Cách đây khoảng 30 năm đã rộ lên phong trào nuôi cá rô phi ở Việt Nam, nhưng rồi vì nhiều lý do mà con cá này không phát triển được.

Tựu trung, cũng như ở những nước như Myanmar, Bangladesh, cách nuôi nhỏ lẻ như ở ta là không kinh tế, cá sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên Đài Loan và Trung Quốc lại rất thành công với con cá này. Cá giống (brood stock) có tính trạng di truyền cao và khỏe, chất lượng nước, thức ăn cho cá, quy trình tăng giá trị, cách xử lý và vận chuyển, cách thu mua và bảo quản tốt sẽ là những nhân tố quyết định chất lượng và sẽ dễ dàng thành công nếu có cơ cấu giá phù hợp.

Ở Ai Cập, với điều kiện thổ nhưỡng gần giống với nước ta, 75% sản lượng cá nuôi của họ là cá rô phi. Hiện nay, dòng cá rô phi sông Nile có giá 3,81 đô la Mỹ/600 gam, cao hơn dòng cá rô phi Mozambique (2,86 đô la Mỹ/600 gam) và gấp ba lần giá Pangasius.

Các doanh nghiệp nước ta hiện chỉ cung ứng khoảng 150.000 tấn cá rô phi/năm, một con số quá nhỏ trong tầm vóc thị trường 5 triệu tấn cá loại này vào năm 2015. Chuyển hóa một phần ao hồ nuôi cá tra, ba sa sang cá rô phi, tận dụng hàng trăm công ty chế biến đã có EU Code đạt chuẩn quốc tế (2) cũng có thể là lối ra khá bền vững cho các doanh nghiệp trong ngành thủy sản. Những hình thái nuôi tại ruộng, nuôi giữa hai bờ ruộng (kiểu Gher phát xuất từ Philippines), khuyến khích nuôi cá rô phi chất lượng cao như ở Honduras là điều nên làm ở Việt Nam.

Nói thêm đến cá chép. Họ cá chép rất đông đúc, nhưng quen thuộc thì có cá trắm cỏ (grass carp), cá diếc (carassius), cá chép (cyprinus), cá mè...(3). Cá chép dễ nuôi, việc xử lý nước và môi trường cũng dễ hơn các loài cá khác vì chúng ăn các vi sinh vật và thủy sinh tầng đáy. Với một thị trường nhân lực dồi dào, Việt Nam có thể phát huy lợi thế cạnh tranh về mức lương lao động và kỹ thuật chế biến. Nuôi cá chép một cách chuyên nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xem trọng “an ninh dinh dưỡng” (nutrition security) hơn là “an ninh lương thực”, xem trọng khâu xử lý môi trường, xem trọng “an toàn vệ sinh thực phẩm” cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ là hướng phát triển bền vững cho những doanh nghiệp trong ngành hiện đang muốn tìm lối ra.

Các thống kê của FAO cho thấy lượng cá nuôi toàn cầu đang xấp xỉ lượng cá đánh bắt, với tổng sản lượng từ hai lĩnh vực này là 168,6 triệu tấn (2015), trong đó sản lượng cá nuôi đã đạt 78 triệu tấn.

Cá nuôi là niềm hy vọng protein rất lớn của nhân loại, vì xét mặt tăng trưởng sản lượng protein trong gần 50 năm qua thì ngành nuôi cá đang có mức tăng trưởng lớn nhất trong từng năm (8,4%) so với gia cầm (5%) và các loại ngũ cốc (0,9-2,1% dù đã nỗ lực rất lớn).

Chỉ khoảng 34 năm nữa thôi, trái đất sẽ có thêm 2 tỉ người và giả định mức tiêu thụ cá bình quân hàng năm cho mỗi đầu người trên toàn thế giới vẫn giữ ở khối lượng 20,1 ki lô gam như hiện nay (người Việt Nam tiêu thụ khoảng 33,8 ki lô gam), thì nhân loại sẽ cần đến một lượng cá khổng lồ. Đại dương với nguy cơ ô nhiễm ngày càng lớn ở khắp nơi sẽ không thể nào kham nỗi việc cung ứng nguồn cá cho 9 tỉ người mỗi năm.

Tham khảo SOFIA 2014 của Tổ chức FAO thuộc Liên hiệp quốc, các con số đã nói lên triển vọng rất lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản (Aquaculture). Các nhà kinh tế đã tính ra rằng, chỉ còn 14 năm nữa thôi, thế giới sẽ cần một lượng cá nuôi gấp ba lần sản lượng cá nuôi hiện nay, 232 triệu tấn.

Vì thế chọn cho được các con cá chiến lược, con cá nào được người tiêu dùng ưa chuộng sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp ngành thủy sản trong tương lai.

(1)https://en.wikipedia.org/wiki/Carp
(2)http://www.seafood1.net/vi/docs/04/2012/CODE-EU.pdf
(3)https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8D_C%C3%A1_ch%C3%A9p

Nguyễn Thanh Lâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/146553/nuoi-loai-ca-nao-de-ban.html