Nuôi le le cho thu nhập ổn định

Từ mô hình nuôi le le hiệu quả của ông Lâm Văn Lợi (ngụ ấp Danh Coi, xã Đông Hưng B, H.An Minh, Kiên Giang), ngành nông nghiệp đang khuyến khích người dân địa phương nhân rộng mô hình, hướng tới thành lập tổ hợp tác.

Ông Lợi thành công với mô hình nuôi le le trong vườn nhà - Ảnh: Anh Phương

Dễ nuôi, ít bệnh

Năm 2013, ông Lợi lên vuông nuôi tôm sú nhưng không đạt hiệu quả. Tình cờ một lần đi ruộng, ông bắt được 4 con le le mang về thả nuôi trong vườn nhà. Khi le le dần trưởng thành, ông cắt bớt lông cánh để chúng không bay xa được. Thấy le le lớn nhanh, dễ chăm sóc lại bán được giá, ông bắt đầu gắn bó với le le từ đó.

Hằng năm, le le đẻ vào tháng 7 - 8, mỗi con từ 10 - 15 trứng. Ông Lợi thường lấy trứng le le cho gà ấp. Sống trong môi trường bán hoang dã nên le le rất khỏe mạnh, hầu như không bị bệnh. Sau 6 tháng, le le trưởng thành, có thể bán với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/con. Nếu so với các loài ông đã từng nuôi thì le le cho lợi nhuận nhiều hơn. “Trước đây tôi nuôi tôm bị lỗ, nuôi heo rừng cũng có lãi nhưng không nhiều... Còn nuôi le le ngoài giá bán cao, thức ăn của chúng chỉ là lúa nên nuôi rất dễ, giống như gà, vịt vậy”, ông Lợi nói.

Ông Lợi cho biết trước đây nhà ông rất nghèo lại “ôm” thêm món nợ nuôi tôm hơn 100 triệu đồng. Từ khi chuyển sang nuôi le le, ông đã trả hết nợ và có điều kiện mở rộng diện tích nuôi. Nếu như lúc đầu, ông chỉ nuôi trong các ao rộng khoảng vài trăm mét thì đến nay, ông đã dành trên 3.000 m2 để nuôi le le. Sắp tới nếu điều kiện thuận lợi hơn, ông sẽ tiếp tục mở rộng ra hơn 5.000 m2.

Thời gian qua, trong khi nhiều hộ trồng lúa, nuôi tôm trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai thì đàn le le của ông vẫn khỏe mạnh, cho thu nhập cao. Ông nói nếu so với làm ruộng, nuôi tôm thì nuôi le le lãi gấp 3 - 4 lần. Sau thời gian gây đàn, bán thịt và con giống, hiện ông đang có gần 400 con le le. Số lượng này chỉ đủ cung cấp con giống cho những khách hàng quen chứ không bán thịt.

Ông Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B, cho biết le le là loài chim nước có ở vùng này từ lâu đời. Chúng thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều đầm lầy hay rừng tràm yên tĩnh ít người lui tới. Do đó, nuôi le le có ưu điểm là đã thích nghi với môi trường nên không tốn nhiều công chăm sóc.

Nhân rộng mô hình nuôi le le

Hiện H.An Minh đang đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Trước mắt huyện tập trung xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng khu vực và có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Ngoài các mô hình đã khẳng định được vị thế như tôm, lúa, cua, sò huyết... người dân trên địa bàn còn thành công với một số loại gia cầm khác. Trong đó, hướng đi theo mô hình nuôi le le của ông Lợi là phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Địa phương cũng đang khuyến khích gia đình ông Lợi tiếp tục nuôi và nhân rộng cho nhiều hộ khác cùng tham gia, hướng tới hình thành tổ hợp tác để được các ngành chuyên môn hướng dẫn cách thả nuôi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, địa phương sẽ hỗ trợ những hộ cùng tham gia vừa nuôi phát triển kinh tế gia đình; đồng thời góp phần bảo tồn loài le le đang dần mai một trong tự nhiên.

Những năm qua, cả cây lúa và con tôm đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do thời tiết bất lợi, thị trường không ổn định nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp là tất yếu. Vì vậy, sự thành công của mô hình nuôi le le của ông Lợi cho thấy ngành nông nghiệp H.An Minh đang tìm ra hướng đi mới ổn định hơn. Từ mô hình của ông Lợi, hiện trên địa bàn xã Đông Hưng B và TT.Thứ Mười Một đã có 6 hộ thả nuôi le le, với số lượng gần 100 con/hộ. Ngoài ra, một số địa phương lân cận cũng tìm đến mua con giống để tiếp tục nhân rộng mô hình.

Anh Phương - Anh Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nuoi-le-le-cho-thu-nhap-on-dinh-896237.html