Nuôi hổ để tạo dáng chụp ảnh, xạ thủ giải khuây ở Thái Lan

Các nhóm vận động bảo vệ động vật hoang dã cho rằng nhiều vườn thú Thái Lan hoạt động giống như một trang trại nuôi hổ để phục vụ lợi nhuận hơn là cơ sở bảo tồn loài động vật này.

Cách đây ba năm, khi các nhân viên kiểm lâm Thái Lan đột kích Đền Hổ, địa điểm nổi tiếng nơi khách du lịch có thể cho hổ ăn và vuốt ve hổ, những phát hiện của họ đã khiến cả thế giới kinh ngạc.

1.600 bộ phận cơ thể hổ, trong đó có da hổ tấm, bùa hộ mệnh làm từ da hổ, nanh hổ và 40 xác hổ con trong tủ lạnh là những gì được tìm thấy. 20 xác hổ con khác cũng được ngâm trong bình.

Đằng sau những bức tường của Đền Hổ - một sở thú tư nhân được điều hành bởi các nhà sư, là một đường dây buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ bất hợp pháp. Ba nhà sư đã bị bắt giữ khi cố gắng trốn thoát, và 147 cá thể hổ đã được "giải cứu" để đưa tới một cơ sở bảo tồn do chính phủ quản lý.

Một con hổ tại Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Khao Prathap Chang ở tỉnh Ratchaburi, đây là nơi 147 con hổ được đưa về sau cuộc đột kích vào Đền Hổ năm 2016. 86 trong số này đã chết. Ảnh: New York Times.

Một con hổ tại Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Khao Prathap Chang ở tỉnh Ratchaburi, đây là nơi 147 con hổ được đưa về sau cuộc đột kích vào Đền Hổ năm 2016. 86 trong số này đã chết. Ảnh: New York Times.

Tình hình ngày càng tệ hơn

Cuộc đột kích là dấu ấn lớn của cảnh sát Thái Lan trong nỗ lực trấn áp tình trạng bạo hành động vật và buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ. Tuy nhiên kể từ đó, tình cảnh của những con hổ bị giam cầm ở Thái Lan chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Các quan chức Thái Lan thừa nhận vào tuần trước rằng 86 trong số những con hổ được giải cứu từ Đền Hổ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc chúng bị stress trong môi trường nuôi nhốt. Không có cá nhân nào phải đi tù sau vụ việc chấn động năm 2016.

Trong những năm gần đây, số lượng hổ nuôi nhốt ở Thái Lan, bao gồm những con sống trong các khu bảo tồn do chính phủ mở ra, đã tăng lên gấp ba lần, ở con số 2000 cá thể. Số các cơ sở nuôi nhốt hổ cũng tăng lên, với 67 địa điểm trên khắp đất nước. Hai cơ sở khác đang trong quá trình xây dựng, theo ông Edwin Wiek, nhà sáng lập Quỹ Những người bạn của Động vật hoang dã Thái Lan.

Kể từ vụ đột kích năm 2016, Bộ Công viên Quốc gia Thái Lan chưa có động thái nào để hạn chế các cơ sở nuôi nhốt được dựng lên theo mô hình của Đền Hổ. Hiện tại có ít nhất 20 cơ sở cho phép khách tham quan có cơ hội cho hổ con ăn hoặc chụp ảnh với hổ.

Các nhà hoạt động bảo vệ động vật từ lâu đã kêu gọi chính phủ đóng cửa những vườn thú dành riêng cho hổ, vì trên thực tế chúng hoạt động như những trang trại nuôi hổ phục vụ nhu cầu của thị trường chợ đen.

"Toàn bộ hệ thống bảo vệ động vật của Thái Lan cần phải được cập nhật. Họ cần phải có các tiêu chuẩn phù hợp. Mọi người cần phải thay đổi, kể cả Bộ Công viên quốc gia", bà Tanya Erzinclioglu, người từng chăm sóc các con hổ ở Đền Hổ trước khi trở thành nhà hoạt động bảo vệ động vật, nhận định.

Tại vườn hổ Sriracha, một trong những vườn thú dành riêng cho hổ lâu đời nhất và lớn nhất Thái Lan, 300 cá thể đang được nuôi nhốt. Ở nơi đây, hổ con và lợn con được nuôi trong cùng một chuồng. Những con hổ nhỏ nhất và những con lợn con cùng bú sữa từ một mẹ, đôi khi là một con lợn nái và đôi khi là một con hổ cái. Đây chính là phương pháp marketing "các loài chung sống hòa bình" bắt nguồn từ Đền Hổ.

Hổ con và lợn con được nuôi trong cùng một chuồng tại Vườn thú Sriracha, cách thức trưng bày nổi tiếng bắt nguồn từ Đền Hổ. Ảnh: New York Times.

Cạnh đó, tại một chuồng hổ lớn, du khách sẽ được thử sức với trò chơi Shoot 'n Feed (Bắn và cho ăn). Họ ngắm bắn vào các tấm bia treo trên cao, nếu bắn trúng, một miếng thịt sẽ rơi ra từ tấm bia, xuống dưới đất để lũ hổ tranh nhau ăn.

Cũng có một sân khấu xiếc nho nhỏ, nơi các con hổ trình diễn nhảy qua vòng lửa.

Và cuối cùng là một hàng dài các du khách đang xếp hàng để được chụp ảnh khi đang cho hổ con bú sữa từ bình.

Hổ nuôi nhốt góp phần giết chết hổ tự nhiên

Sau vụ đột kích Đền Hổ năm 2016, bà Erzinclioglu sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên Vì Những con Hổ, giúp gây quỹ để bảo vệ loài này và thực hiện bản đánh giá hàng năm về các cơ sở nuôi nhốt như Sriracha.

Báo cáo hồi tháng 7 của tổ chức này cho thấy tại 74% trong số hàng chục cơ sở bị kiểm tra, những con hổ bị nuôi nhốt trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn.

Hơn một nửa các cơ sở không có nước sạch cho hổ uống, và chỉ một phần năm có diện tích đủ rộng để hổ có thể di chuyển mà không bị stress.

Tại một số địa điểm, hổ được huấn luyện để sợ bị đánh bằng gậy, nhiều con bị rút móng.

"Bây giờ còn có nhiều cơ sở nuôi hổ hơn so với thời điểm Đền Hổ bị đóng cửa. Một số cơ sở có tiêu chuẩn tốt, nhưng nhìn chung là điều kiện nuôi nhốt rất tồi", bà Erzinclioglu nhận định.

Những vườn hổ ở Thái Lan chủ yếu phục vụ khách du lịch châu Á, họ đến đây để chụp ảnh và nhìn ngắm những chú hổ con. Những con hổ già không được mấy ai quan tâm, chúng bị nhốt trong các chuồng nhỏ với nền bằng bê tông, và rất dễ trở thành nạn nhân của đường dây buôn bán sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.

Không khó để cho hổ sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, loài động vật này có nhu cầu khá cao và tại nhiều cơ sở, số hổ được sinh ra nhanh chóng vượt quá con số mà các ông chủ cần để phục vụ khách du lịch.

Khách du lịch chụp ảnh khi cho hổ con uống sữa tại vườn thú Sriracha. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, theo luật pháp Thái Lan, việc vận hành một trang trại nuôi hổ là bất hợp pháp. Ông Wiek, người đã nhiều năm theo dõi ngành buôn bán trái phép hổ và các sản phẩm từ hổ, cho rằng có khoảng 20 cơ sở nuôi hổ ở Thái Lan nên được coi là trang trại, các cơ sở này chủ động nhân giống hổ.

Và theo ông Wiek, chính việc nhân giống hổ trong môi trường nuôi nhốt lại có tác động tiêu cực đến loài hổ ngoài tự nhiên.

Nghe có vẻ vô lý, nhưng thật ra thì mọi thứ rất hợp lý. Đầu tiên, nuôi một con hổ trong chuồng cho đến khi chúng trưởng thành tốn kém hơn nhiều so với việc vào rừng săn một con hổ tự nhiên. Hổ có thể ăn tới 30 kg thịt trong một ngày và thông thường các vườn thú sẽ cho chúng ăn khoảng 5kg thịt bò mỗi ngày.

Thêm vào đó, sự tồn tại của các trang trại nuôi nhốt hổ đã tạo ra một thị trường cho các sản phẩm từ hổ, và để phục vụ nhu cầu này mà không phải bỏ tiền đầu tư, những kẻ săn trộm sẽ đi vào rừng và tìm một con hổ tự nhiên.

Da hổ, cốt hổ, dương vật và các bộ phận khác của loài này cực kỳ hút khách ở Trung Quốc, nơi chúng được tin là có tác dụng chữa bệnh yếu sinh lý nam giới.

Các mức xử phạt vi phạm pháp luật về buôn bán động vật hoang dã Hình phạt tối đa cho tội danh buôn bán sản phẩm động vật hoang dã ở Việt Nam có thể lên đến 15 năm tù, theo Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Quốc Thăng
(theo New York Times)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nuoi-ho-de-tao-dang-chup-anh-xa-thu-giai-khuay-o-thai-lan-post993348.html