Nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây mang lại thu nhập ổn định

Tận dụng vùng Đầm Nại rộng lớn (khoảng 1.200ha), ngư dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, đang phát triển mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương trong lồng bè để tăng thu nhập.

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trên bè nổi khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trên bè nổi khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Chỉ cần thả giống, không phải cung cấp thức ăn, khoảng 4 tháng có thể thu hoạch là mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trong lồng bè đang được người dân ở huyện ven biển Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận thực hiện, mang lại thu nhập ổn định.

Tận dụng vùng Đầm Nại rộng lớn (khoảng 1.200ha), ngư dân huyện Ninh Hải đang phát triển mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương trong lồng bè để tăng thu nhập.

Anh Trần Hữu Anh, ở xã Tri Hải, có thâm niên nuôi hàu gần chục năm cho biết nghề nuôi hàu ở Đầm Nại đã có từ lâu song chủ yếu nuôi tự phát, con giống phụ thuộc vào khai thác trong tự nhiên nên hiệu quả không cao.

Khoảng ba năm lại đây, địa phương được Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao giống hàu Thái Bình Dương cho bà con nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện tại, gia đình anh Trần Hữu Anh đang nuôi 6 bè hàu, vừa qua anh Anh thu hoạch 2 bè với sản lượng trên 8 tấn, thương lái mua xô (chưa phân loại) tại bè với giá 11.000 đồng/kg, cho doanh thu gần 90 triệu đồng; 4 bè còn lại đang cho thu hoạch, thu hàu tới đâu, bán hết tới đó nên gia đình yên tâm sản xuất.

Anh Trần Hữu Anh chia sẻ chi phí đầu tư ban đầu cho một bè nuôi hàu 100m2 (tùy thuộc vật tư làm bè, giống) khoảng từ 30-40 triệu đồng. Người nuôi thả khoảng 2.500-3.000 dây giá thể cấy hàu giống (tùy chọn mật độ thả).

Nuôi hàu không cần cho ăn, thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước, người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển.

Khi hàu lớn, người nuôi có thể tách ra thả vào lồng nuôi để tránh bị thất thoát do rơi xuống đáy bùn.

Môi trường biển khu vực Đầm Nại có điều kiện thuận lợi về độ mặn nước biển, ít sóng gió, tàu bè qua lại nên rất thích hợp cho hàu Thái Bình Dương sinh trưởng và phát triển.

Sau thời gian nuôi từ 4-5 tháng, hàu có thể xuất bán. Hàu được phân thành từng loại, loại 1 con to kích cỡ từ 10-13 con/kg, có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, hàu nhân (đã tách vỏ) có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg.

Theo các hộ nuôi hàu ở địa phương, những năm gần đây, nghề nuôi tôm ở Đầm Nại gặp nhiều khó khăn, như dịch bệnh, giá thành sản xuất cao, đầu ra bấp bênh nên bà con chuyển sang nuôi hàu giống Thái Bình Dương, ốc hương, cá mú, cua...

So với các đối tượng nuôi biển khác, nuôi hàu bỏ chi phí không lớn, kỹ thuật nuôi đơn giản, chủ yếu bỏ công lao động chăm sóc, đầu ra và giá cả lại khá ổn định.

Sau khi cạy tách ruột, người nuôi còn có thể tận dụng vỏ hàu bán cho các cơ sở làm giá thể cấy hàu giống, nuôi hàu bằng giá thể vỏ hàu an toàn, thân thiện với môi trường nước và không gây ô nhiễm môi trường.

Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi hàu lồng bè khu vực Đầm Nại đang được các hộ nuôi nhân rộng. Hiện tại khu vực Đầm Nại có trên 90 hộ tham gia nuôi hàu với 347 lồng bè 18 hộ nuôi hàu theo phương thức cắm cọc.

Phân loại hàu sau khi thu hoạch. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Nuôi hàu Thái Bình Dương là hướng đi mới giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải cho biết hàu Thái Bình Dương lớn nhanh, tỷ lệ thịt nhiều, giàu dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon nên rất được thị trường ưa chuộng.

Trong tình hình điều kiện nguồn lợi đánh bắt hải sản ngày một cạn kiệt, việc phát triển nuôi hàu đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Đặc biệt, hàu là đối tượng ăn lọc, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên nên nuôi hàu góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực nuôi.

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương còn nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Hải lập quy hoạch vùng nuôi với diện tích 35 ha tại khu vực Đầm Nại để bà con ngư dân tham gia nuôi trong vùng quy hoạch để bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực. Đơn vị phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền bà con giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sơ chế hàu.

Để nghề nuôi hàu phát triển bền vững, đơn vị chuyên môn thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông báo cho các hộ nuôi chủ động phòng tránh.

Địa phương tiến hành xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hàu thông qua thành lập hợp tác xã thủy hải sản và thương mại dịch vụ Đầm Nại để cung cấp các giống hàu, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

Thời gian tới, cùng với phát triển mô hình nuôi hàu, huyện Ninh Hải tiếp tục phối hợp với các đơn vị sản xuất giống đưa vào nuôi thử nghiệm các đối tượng nuôi biển mới như cá bè vẩu, cá chim vây vàng, cá mú Trân Châu... để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân ven Đầm Nại và các xã biển./.

Nguyễn Thành (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nuoi-hau-thai-binh-duong-treo-day-mang-lai-thu-nhap-on-dinh/654332.vnp