Nuôi dưỡng niềm đam mê với khoa học

Phần nào mỏi mệt và áp lực của công việc, của cuộc sống sẽ được vợi bớt nếu ai đó có dịp biết và đọc về những tấm gương nghị lực, vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng, chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học và tri thức. Một trong những tấm gương sáng đó là GS.TS Trần Thị Luyến, cá nhân vinh dự được nhận Giải thưởng cho những phụ nữ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2003.

Có thể nói, GS.TS Trần Thị Luyến là người để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lịch sử hơn 30 năm của Giải thưởng Kovalevskaia. Ngoài những đóng góp to lớn của bà trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì điều khiến nhiều người nể phục ở bà, đó là việc bà đã vượt lên tất thảy những khó khăn trong cuộc sống, cống hiến hết mình trong nghiên cứu và để lại cho đời nhiều thành quả khoa học đáng ngưỡng mộ.

Tốt nghiệp khoa Chế biến trường ĐH Thủy sản năm 1974, năm 1976 bà trở thành cán bộ giảng dạy của trường; sau này giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và sau ĐH của trường. Ở cương vị, vai trò nào, bà cũng luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong quá trình công tác, GS.TS Trần Thị Luyến đã hoàn thành 12 đề tài NCKH, trong đó có 6 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ, 5 đề tài cấp trường. Hầu hết các công trình nghiên cứu của bà đều đạt giá trị cao cả về thực tiễn lẫn lý thuyết, giải quyết được những vấn đề cấp bách của chế biến thủy sản hiện nay, góp phần mang lại hiệu quả cao cho lĩnh vực kinh tế biển.

Ngành chế biến thủy sản ở Việt Nam ghi đậm dấu ấn về những thành quả nghiên cứu của GS.TS Trần Thị Luyến. Ảnh: M.C

Ngành chế biến thủy sản ở Việt Nam ghi đậm dấu ấn về những thành quả nghiên cứu của GS.TS Trần Thị Luyến. Ảnh: M.C

Trong số các đề tài khoa học của bà, có nhiều đề tài gắn liền với 3 chữ “lần đầu tiên”; trong đó, “Nghiên cứu sản xuất Chitozan” là một trong những đề tài được bà tâm đắc nhất. Tại hội chợ triển lãm “Tuần lễ xanh quốc tế - Việt Nam 2004” tổ chức tại Hải Phòng, sản phẩm Chitozan của bà đã được tặng Huy chương Vàng. Với đề tài về Chitozan, lần đầu tiên bà xác lập thành công quy trình công nghệ sản xuất Chitozan từ vỏ ghẹ và quy trình công nghệ sản xuất Chitozan bằng phương pháp papain. Bà cũng là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về sản xuất Chitoolygosaccharid từ chitin vỏ tôm, vỏ ghẹ để ứng dụng vào dược học. Công trình này đã mang lại những giá trị lớn trong việc giảm thiểu số lượng vỏ tôm, ghẹ - những phế liệu của ngành chế biến thủy sản và biến chúng thành những sản phẩm có giá trị cao phục vụ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dược học. Giá trị thực tiễn của công trình còn được nhân lên nhiều lần bởi các quy trình công nghệ đã được chuyển giao vào thực tế sản xuất, mở ra một ngành công nghiệp mới, ứng dụng Chitozan, tiến tới xuất khẩu Chitozan cùng các sản phẩm giá trị gia tăng từ sản phẩm này.

Một công trình tâm huyết nữa của GS.TS Trần Thị Luyến, đó là “Nghiên cứu chế biến Surumi và các sản phẩm mô phỏng”. Với công trình này, lần đầu tiên ở Việt Nam đã xác lập được một số quy trình công nghệ sản xuất Surumi và các sản phẩm mô phỏng (thịt cá tạp được phối trộn làm ra các sản phẩm có hương vị tôm, cua, không cholesterol), quy trình chiết rút hương vị tôm, ghẹ từ phế liệu vỏ tôm, ghẹ. Các quy trình này đã được áp dụng vào thực tế để sản xuất ra sản phẩm Surumi và đã được chào bán thành công tại Hàn Quốc…

Thêm một công trình mang dấu ấn “lần đầu tiên” nữa của bà là “Nghiên cứu quy luật biến đổi của acidamin, đạm và nâng cao hiệu suất thu đạm trong sản xuất nước mắm”. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam đưa ra các quy luật toán học về biến đổi của acidamin và đạm trong sản xuất nước mắm, áp dụng công thức vào thực tế để tính lượng đạm của nước mắm ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sản xuất mà không phải qua phương pháp xác định hóa học như trước.

Trong quá trình thực hiện các đề tài khoa học và giảng dạy, GS.TS Trần Thị Luyến đã góp phần đào tạo rất nhiều kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ cho ngành chế biến thủy sản. Các kết quả nghiên cứu của bà cũng đã được cập nhật vào các giáo trình dùng cho đào tạo ĐH và sau ĐH của ngành Chế biến Thủy sản ở Việt Nam. Bà là tác giả của 10 cuốn sách, giáo trình (3 sách chuyên khảo, 7 giáo trình đào tạo chuyên ngành). Với thành tích 20 năm là giảng viên dạy giỏi, 8 năm là chiến sĩ thi đua các cấp, 5 năm đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, GS.TS Trần Thị Luyến được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thủy sản, UBND tỉnh và các ban ngành, đoàn thể khác…

Nhớ lại hoàn cảnh gia đình khi nhận giải thưởng Kovalevskaia-2003, GS.TS Trần Thị Luyến xúc động cho biết: “Tôi nhận giải thưởng khi chồng tôi đang nằm trên giường bệnh, các con đi học và công tác xa nhà. Những ngày tháng ấy, tôi vừa nuôi dạy con, chăm sóc mẹ già, nuôi chồng nằm liệt trên giường bệnh, vừa làm công tác quản lý, vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, tôi đã hy sinh, vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ với nhiều công trình có giá trị được áp dụng vào thực tế. Sau khi nhận giải thưởng, tôi càng nỗ lực nhiều hơn. Và đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn tâm đắc và tự hào về những kết quả lao động khoa học của mình đã đóng góp vào 3 lĩnh vực chế biến thủy sản ở Việt Nam. Tôi mong sao sẽ được cống hiến nhiều hơn nữa cho khoa học và đào tạo thế hệ trẻ…”.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nuoi-duong-niem-dam-me-voi-khoa-hoc-193908.html