Nuôi dưỡng khát vọng

Với việc FIFA nâng số đội tham dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2026 lên 48 đội, châu Á sẽ có 8 suất vào thẳng VCK và 1 suất dự trận play-off liên châu lục.

Điều này giúp đội tuyển Việt Nam tăng cơ hội trong việc góp mặt ở VCK World Cup 2026. Tuy nhiên, đó là lý thuyết, còn thực tế sân cỏ chỉ ra rất nhiều điểm khó khăn.

Ít cơ hội

Ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam được 4 điểm. Để thực hiện ước mơ dự VCK World Cup, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo từng mong mỏi: “Việt Nam cần nhiều hơn nữa những lần dự vòng loại World Cup cuối cùng khu vực”.

 Đội tuyển Việt Nam muốn nâng tầm cần phải nhiều lần giành quyền vào vòng loại cuối cùng World Cup châu lục.Ảnh: LÂM THỎA

Đội tuyển Việt Nam muốn nâng tầm cần phải nhiều lần giành quyền vào vòng loại cuối cùng World Cup châu lục.Ảnh: LÂM THỎA

Tiếng là châu Á có 8,5 suất dự VCK World Cup 2026 nhưng cơ hội để bóng đá Việt Nam đạt được ước mơ là rất nhỏ. Saudi Arabia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) coi như giành 6 vé đến VCK World Cup 2026. Nhóm tiếp theo gồm: Oman, Syria, Qatar, Iraq, Trung Quốc, Jordan, Uzbekistan có thực lực và tham vọng. Thành ra, cơ hội đến với VCK World Cup 2026 mở ra với Việt Nam, Thái Lan thì ít, còn thực tế mở ra với nhóm trên nhiều hơn.

Ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, tuổi trung bình của các tuyển thủ Việt Nam xấp xỉ 26. Với 4 điểm giành được sau 10 trận đấu, có thể thấy Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh cùng đồng đội đã chạm ngưỡng. Họ không thể chơi tốt hơn được nữa vì những gì tốt nhất, có thể làm được thì họ đã chứng minh tất cả ở vòng loại cuối cùng.

4 năm nữa, nhóm cầu thủ ưu tú trên sẽ bước vào tuổi 29. Với các nền bóng đá đỉnh cao, 29 vẫn được coi là độ tuổi đẹp trong sự nghiệp nhưng với bóng đá nước nhà, cầu thủ đến tuổi “băm” rất khó duy trì thể lực. 4 năm nữa, thủ thành Nguyên Mạnh sẽ 34 tuổi; Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng đều 32 tuổi. Đặc biệt, Công Phượng cùng nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đã 31 tuổi, khó có thể chơi bóng đỉnh cao. Ngay từ bây giờ, có thể mạnh dạn dự đoán bộ khung của đội tuyển Việt Nam sau đây 3-4 năm nữa sẽ là Quang Hải, Hoàng Đức ở tuyến tiền vệ; Thành Chung, Tấn Tài, Việt Anh, Thanh Bình ở hàng thủ; phía trên sẽ là Tuấn Hải, Mạnh Dũng...

Lứa U.21, U.23 sẽ được trông cậy bổ sung hạt nhân cho chiến dịch săn vé dự VCK World Cup 2026 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Tuy nhiên, ở các lứa trẻ, tìm kiếm được nhân tài đạt đến trình độ Văn Hậu, Quang Hải là rất khó.

Thế nên, mục tiêu thiết thực nhất của bóng đá Việt Nam vẫn là có mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2026 khu vực châu Á. Chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để tạo ra những áp lực không đáng có. Lọt vào đến vòng loại World Cup cuối cùng châu lục đã là thành tích đáng tự hào. Còn chuyện đi xa được đến đâu lại phụ thuộc vào yếu tố con người, sự đầu tư chiến lược, khoa học kéo dài hàng thập niên.

Cần phải có sự chuẩn bị bài bản, lâu dài

Sau thất bại ở bán kết AFF Cup 2020 trước Thái Lan, bóng đá Việt Nam đã có dịp nhìn nhận, đánh giá đúng thực lực của mình. Ở khu vực Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam muốn thắng Thái Lan còn khó, huống chi ra đấu trường châu lục. Ông Trần Quốc Tuấn, Quyền Chủ tịch VFF phân tích: “Chúng ta mất 10 năm để vô địch AFF Cup lần thứ hai (từ năm 2008 đến 2018), điều đó cho thấy để gặt hái được thành công cần sự chuẩn bị bài bản, lâu dài. Cơ hội dự VCK World Cup 2026 đã rộng mở hơn nên đội tuyển Việt Nam cần có sự chuẩn bị sớm. Không chỉ chúng ta mà các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang chạy đua rất quyết liệt”. Còn Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ: “Trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có ghi rõ mục tiêu đội tuyển Việt Nam nằm trong tốp 10 bóng đá châu Á. Chỉ khi nào chúng ta đạt được mục tiêu này thì mới có hy vọng trở thành quốc gia có được một trong các suất của châu Á dự World Cup 2026”.

Không chỉ bóng đá Việt Nam nhìn thấy cơ hội mà nhiều nền bóng đá khác ở châu lục đã bắt đầu chạy đà, chuẩn bị kế hoạch hết sức bài bản, chuyên nghiệp và đồng bộ cho việc đoạt vé dự VCK World Cup sau đây 4 năm nữa. Trên bảng xếp hạng FIFA, Việt Nam đang xếp hạng 97 thế giới và hạng 17 ở châu Á. Xếp trước đội tuyển Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA có Trung Quốc (78), Bahrain (85), Jordan (86), Syria (89), Palestine (94), Kyrgyzstan (95). Muốn đọ sức ngang ngửa với 6 đội này đã là bài toán khó với thầy trò HLV Park Hang-seo, chưa kể nhóm tinh hoa của bóng đá châu lục.

Ở Đại hội thường niên VFF khóa VIII vào tháng 12-2019, lãnh đạo VFF lần đầu đề cập đến việc “xây dựng giải pháp kế hoạch cho mục tiêu World Cup 2026, đưa bóng đá Việt Nam lên tầm cao mới”. Những nhà quản lý bóng đá nước nhà khi đó còn đặt ra mục tiêu phấn đấu dự World Cup 2026. Tuy nhiên, sau những gì thầy trò HLV Park Hang-seo trải qua ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á thì không chỉ lãnh đạo VFF mà người hâm mộ nước nhà cũng đã nhìn thấy rõ cơ hội để bóng đá Việt Nam đến với VCK World Cup là cực nhỏ. Nhưng chúng ta vẫn cứ phải đề ra mục tiêu để phấn đấu, để tiến lên phía trước, nuôi dưỡng khát vọng và ước mơ.

HÀ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nuoi-duong-khat-vong-701958