Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh

Điện thoại thông minh có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển và cuộc sống của trẻ ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Nghiện điện thoại thông minh cũng nguy hiểm không khác gì việc nghiện game, ma túy.

Các bậc phụ huynh nên học hỏi và áp dụng những giải pháp hiệu quả để nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh. Đây cũng chính là thông điệp của cuốn sách Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh của tác giả người Nhật Yoshihiko Morotomi.

Điện thoại thông minh hại nhiều hơn lợi

Ngày nay thật không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em từ tuổi mẫu giáo đến học sinh cấp 3 sử dụng thành thạo và thường xuyên dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh (smart phone). Trong đó nhiều trẻ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi mẫu giáo được cha mẹ cho xem, chơi cùng điện thoại thông minh; để cha mẹ có thể rảnh tay làm việc khác. Trẻ lớn tuổi hơn, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi cấp 2, 3 thì đòi hỏi cha mẹ cho sử dụng điện thoại với lý do cần kết nối với thầy cô, bạn bè.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở độ tuổi mầm non là 55%, tiểu học là 27%, trung học cơ sở là 51,7%, trung học phổ thông là 94,8%. Trong đó 50% thanh thiếu niên sử dụng internet/điện thoại thông minh nhiều hơn 2 tiếng mỗi ngày; thậm chí 28,4% sử dụng internet hơn 5 tiếng một ngày; 6,7% sử dụng hơn 8 tiếng một ngày. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng tỷ lệ trẻ sử dụng điện thoại thông minh chắc chắn là một con số không hề nhỏ, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Điều đáng nói sử dụng điện thoại thông minh gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Thứ nhất là tạo ra sự lệ thuộc, khiến hoạt động não bộ trở nên bất bình thường. Thứ hai là giảm sút học lực do trẻ bị cuốn theo thông tin trên mạng và không còn nhiều thời gian dành cho học hành. Thứ ba là tạo ra các rắc rối liên quan đến mối quan hệ của trẻ với bạn bè, gia đình, xã hội. Thứ tư là khiến trẻ dễ phải đối mặt với nạn bắt nạt trên mạng xã hội; kéo theo ảnh hưởng thứ năm là những rắc rối tổn thương có thể hoặc chưa thể cấu thành tội phạm. Ảnh hưởng thứ sáu là khiến trẻ mất đi khả năng suy nghĩ, năng lực sống do lệ thuộc vào điện thoại thông minh

Để trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh

Trong cuốn sách Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh, tác giả Yoshihiko Morotomi đã đưa ra nhiều hướng dẫn giúp các bậc phụ huynh có thể nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh.

Tác giả Yoshihiko Morotomi đưa ra nhiều gợi ý giúp phụ huynh không để trẻ thành nô lệ của điện thoại thông minh

Tác giả Yoshihiko Morotomi đưa ra nhiều gợi ý giúp phụ huynh không để trẻ thành nô lệ của điện thoại thông minh

Đầu tiên là cần tuyệt đối không cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh cho đến khi trẻ tròn 6 tuổi. Theo tác giả, người trưởng thành có thể quên đi một số điều mình đã ghi nhớ, nhưng đối với trẻ từ 0-3 tuổi, những tác động trong thời kỳ này là không thể sửa đổi. Thực tế đến nay rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của điện thoại di động với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ; đồng thời cũng không dám chắc chắn về những ảnh hưởng tiêu cực khác với trẻ trong độ tuổi này. Vì vậy theo tác giả, tốt nhất là các bậc phụ huynh nên hạn chế tuyệt đối điện thoại thông minh ở giai đoạn này của trẻ; thay vào đó hãy tăng cường thời gian tương tác, nuôi dạy trẻ trong những năm tháng đầu đời cực kỳ quan trọng này.

Việc cho sử dụng điện thoại thông minh càng muộn càng tốt với học sinh tiểu học cũng như học sinh trung học cơ sở, tránh tình trạng trẻ bị sao nhãng hoặc hình thành thói quen lười suy nghĩ, vì cái gì cũng tra được ở trên mạng.

Hướng dẫn thứ hai là lập ra quy tắc sử dụng trước khi cho con dùng điện thoại thông minh. Trong đó cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về thời gian sử dụng, việc tham gia vào mạng xã hội, cài đặt bộ lọc để hạn chế nội dung độc hại cho trẻ. 18 quy tắc về sử dụng điện thoại thông minh của một phụ huynh tại Boston (Mỹ) là một tham khảo vô cùng hữu ích dành cho tất cả các bậc phụ huynh.

Thứ ba là bồi dưỡng sự tự tin, tự chủ, tính tự quyết cho con. Khi có được những đức tính này, và biết được các tác hại nếu lệ thuộc vào điện thoại thông minh, trẻ sẽ tự ý thức và quyết định được việc sẽ sử dụng điện thoại như thế nào, trong bao lâu; trở thành một người sử dụng điện thoại thông minh, chứ không phải để điện thoại thông minh điều khiển.

Ngoài ra, Yoshihiko Morotomi còn đưa ra nhiều hướng dẫn hữu ích khác.

Tiến sĩ Yoshihiko Morotomi

Tác giả Yoshihiko Morotomi là một tiến sĩ, nhà nghiên cứu giáo dục. Ông tốt nghiệp khoa Nhân chủng học và hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Tsukuba. Ông từng là nghiên cứu sinh của Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học Transpersonal tại Mỹ và Đại học East Anglia tại Anh. Hiện nay ông đang là giảng viên tại Đại học Meiji, Nhật Bản. Tác giả Yoshihiko Morotomi đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh được độc giả đánh giá cao.

Hà Mai - Ảnh: T.L

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nuoi-day-tre-khong-tro-thanh-no-le-cua-dien-thoai-thong-minh-20210407141850189.htm