Nuôi con chữ nơi đầu sóng

Vượt qua muôn khó khăn trên hành trình nâng bước học sinh nghèo tới trường, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên đang viết nên câu chuyện đẹp về người lính quân hàm xanh làm điểm tựa cho những học sinh nghèo trên vùng biển huyện Tuy An bước qua gian nan cuộc đời, vươn tới những ước mơ tươi đẹp.

Đồn Biên phòng An Hải trao tiền hỗ trợ cho các em học sinh nghèo đơn vị nhận đỡ đầu. Ảnh: Phương Oanh

Nhọc nhằn nâng bước chân em

Trong cơn mưa dầm do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải về xóm Cát, xã An Hải để thăm cô học trò nghèo Trần Thị Kim Nghĩa, học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học An Hải. Đây là một trong 6 em học sinh nghèo được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải hỗ trợ nuôi dưỡng theo chương trình “Nâng bước em tới trường”; Đại úy Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên phó của đơn vị là người trực tiếp kèm cặp, chăm sóc.

Ở xóm nhỏ sát bên bờ biển An Hải này, hỏi đến Nghĩa, nhiều người không khỏi xót xa. Từ lúc chào đời, Nghĩa chưa hề biết mặt người cha. Mẹ mang căn bệnh hen suyễn, quanh năm đau yếu, vật vờ, tinh thần lại bất ổn nên không dễ thuyết phục chị để cho con gái đều đặn đến lớp. Mới 9 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Nghĩa đã phải mang trên vai trách nhiệm của người trụ cột trong nhà. Không còn ông bà, cũng không người thân, mọi chuyện lớn nhỏ, từ đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc mẹ bệnh, nuôi bò, em đã tự tay làm từ hồi mới 7 tuổi.

Nhiều bữa đang ở trường, nghe kẻng nghỉ giải lao, em lại chạy về nhà rút rơm cho bò ăn vì sợ nó đói. “Với cô bé này, đường đến trường có lúc tưởng chừng đã bị ngắt. Nếu không có anh em Đồn Biên phòng An Hải chăm lo, hỗ trợ kịp thời, chắc chắn em đã bỏ học” - Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, Chủ nhiệm lớp 4D, Trường Tiểu học An Hải cho biết.

“Năm ngoái, khi chúng tôi đến tiếp nhận đỡ đầu, cũng là lúc Nghĩa đã không còn muốn đến lớp học. Do phải bỏ học liên tục nên bài vở nhiều môn, nhất là môn toán, em gần như không hiểu. Song, điều chúng tôi lo lắng nhiều nhất là Nghĩa luôn thu mình trong cuộc sống đơn độc. Bất kỳ ai hỏi chuyện, em cũng không muốn trả lời, may lắm thì được cái gật hoặc lắc đầu. Chưa kể, nhìn căn nhà của em ở quá bừa bộn, ẩm thấp, chúng tôi lại càng lo làm sao em tránh được bệnh tật” - Đại úy Cường chia sẻ.

Hạ quyết tâm phải từng bước nỗ lực xốc em lên, lấy lại niềm tin cho em đến lớp, tháng đầu, Đại úy Cường đã bố trí liên tục những buổi chiều, ghé qua nhà, vừa chuyện trò, thuyết phục người mẹ, vừa động viên khích lệ cô học trò nghèo. Anh tỉ mỉ giảng từng bài toán, sửa từng lỗi chính tả, hệ thống lại các kiến thức ngữ pháp Tiếng Việt, chỉ dạy em cách ăn nói, từng lối cư xử. Rồi, Chi đoàn Đồn Biên phòng An Hải cử đoàn viên đến để sửa chữa nhà cửa, thỉnh thoảng giúp mẹ con em tổng dọn vệ sinh, phát quang cây cối rậm rạp, sắp xếp ngăn nắp đồ đạc trong nhà.

Cùng với huy động cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp, vận động các nguồn tài trợ để có thêm nhiều phần quà hỗ trợ, giúp gia đình em giảm bớt khó khăn, anh Cường vừa mềm mỏng khuyên nhủ, vừa nghiêm khắc dạy dỗ Nghĩa. Xen giữa những buổi học là những câu chuyện, những tấm gương học trò nghèo thành đạt. Mỗi ngày một ít, rỉ rả, hơn một năm qua, Đại úy Cường đã dần giúp Nghĩa lấy lại niềm vui đến trường và bắt đầu “mở cánh cửa” mơ ước.

Sự chăm sóc, khích lệ của Đại úy Trần Đặng Quốc Cường đã giúp em Trần Thị Kim Nghĩa tự tin hơn trên con đường đến trường học tập. Ảnh: Phương Oanh

Kết nối yêu thương

Đại úy Trần Đặng Quốc Cường cho biết, khu vực biên giới biển do Đồn Biên phòng An Hải quản lý gồm 6 xã bãi ngang ven biển của huyện Tuy An. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. Cuộc mưu sinh nhiều gian nan, khó khăn ở biển khiến bà con quay cuồng với nỗi lo cơm áo. Hàng năm, mùa hè đi qua, cả huyện lại có ít nhất ba, bốn chục học sinh, nhất là các em cấp Trung học cơ sở, bỏ học để ra làm ăn.

“Bên cạnh những người quan tâm, đầu tư lo cho con cái học hành đàng hoàng, có không ít cha mẹ muốn con dừng học để đi biển hay phụ việc tại các bè nuôi thủy sản giúp gia đình. Có những em đôi lúc ham chơi, lơ là chuyện học, dần học yếu rồi nản, bỏ học. Cùng với việc quan tâm giúp đỡ, bồi dưỡng cho 6 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong diện đơn vị đỡ đầu vươn lên học tốt, điều tôi trăn trở là làm sao “giữ chân”, không để những cháu khác bỏ học. Nhất là những thời điểm sau thiên tai, mất mùa, hoạn nạn, người dân rất khó khăn” - Đại úy Cường nói.

Vậy là, sau khi đề xuất với đơn vị, anh đã trực tiếp tham gia cùng chính quyền, ngành giáo dục và các Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên địa phương đến từng gia đình động viên, khuyến khích các em đi học, rồi vận động, phân tích cho cha mẹ các em thấy chuyện thua thiệt nếu không cho con tiếp tục học.

Để có nguồn kinh phí giúp đỡ nhiều học sinh nghèo, Đại úy Cường đề đạt với anh em trong Ban Chỉ huy đồn liên tục tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ để vận động, kêu gọi các mạnh thường quân tham gia quyên góp. Chỉ trong năm 2016, Đại úy Cường đã cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị huy động hàng trăm suất quà, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng, tặng cho gần 300 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, động viên các cháu vượt khó vươn lên học giỏi. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn, đơn vị đầu tư xây dựng các công trình sân thể thao, sân chơi cho các trường học nghèo, làm công trình thắp sáng đường quê, bê tông hóa con đường đi lại ở các địa bàn khó khăn.

Đại úy Cường tâm sự, những gì anh cùng đồng đội đang nỗ lực làm là trách nhiệm, song lớn hơn đó chính là tấm lòng của người lính Biên phòng, là sự tri ân đối với nhân dân trên địa bàn.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nuoi-con-chu-noi-dau-song/