Nuôi cá biển quy mô công nghiệp

'Phải tập trung phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, chứ không thể khai thác mãi như hiện nay. Không chỉ nuôi ở bờ, mà phải nuôi ở vùng biển xa bờ, bằng công nghệ hiện đại nhất, theo quy mô công nghiệp. Phải quy hoạch vùng nào thuộc đối tượng nuôi nào, khoa học, công nghệ nghiên cứu các chỉ số rõ ràng, quản lý dựa trên thực tiễn. Tăng giá trị kinh tế nuôi biển làm chủ lực trong kim ngạch thủy sản'. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Những lồng nuôi cá biển khổng lồ trên vịnh Vân Phong. Ảnh: Hải Luận

Những lồng nuôi cá biển khổng lồ trên vịnh Vân Phong. Ảnh: Hải Luận

Thực tiễn trong nhiều năm qua, vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã đi tiên phong nuôi biển theo hướng công nghiệp lớn. “Nuôi cá biển ở quy mô công nghiệp cần phải đầu tư dài hạn. 3 vấn đề then chốt: Khâu sản xuất con giống được tuyển chọn kỹ lưỡng; kiểm soát dịch bệnh bằng cả một hệ sinh thái vùng nuôi; thị trường tiêu thụ phải đa dạng. Mỗi năm, sản lượng của công ty chúng tôi nuôi ở vịnh Vân Phong đạt trên 5.000 tấn chế biến xuất khẩu, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản” - Ông Joshua Nathan Goldman, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, chia sẻ thông tin.

Khoa học “dẫn dắt” thành công

Ông Joshua Nathan Goldman dẫn chúng tôi đi tham quan khu sản xuất giống cá chẽm của công ty đóng tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, với quy mô hàng triệu con giống mỗi năm. Trong nuôi trồng thủy sản, con giống góp phần quyết định thắng lớn hay thất bại, nên khâu tuyển chọn cá bố mẹ được kiểm soát rất nghiêm ngặt, từ cá đánh bắt tự nhiên và tuyển chọn cá nuôi. Ông Joshua Nathan Goldman đứng bên bể nước lớn giới thiệu: “Đây là hệ thống lọc nước biển tuần toàn, nó được ví như “quả tim” của toàn bộ khu trại sản xuất giống. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam không thành công, nó nằm ở chỗ này, cá con sinh ra nhỏ li ti, phải trải qua 3 tháng chăm sóc cẩn thận mới đủ tiêu chuẩn đưa ra ngoài biển nuôi cá thịt. Thời gian này, môi trường nước đặc biệt quan trọng, muốn làm công nghiệp lớn, phải đưa khoa học vào “dẫn dắt” mới thành công”.

Ngồi trên ca nô chạy qua những chiếc lồng nuôi khổng lồ, sản lượng nuôi đạt 250 tấn/lồng, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đang thả nuôi 4 vùng biển khác nhau, với diện tích mấy trăm héc ta mặt nước. Toàn bộ các hoạt động thay lưới, chuyển lồng... đều dùng bằng cơ giới. Ông giám đốc đưa đến khu nuôi cá “hoàn hảo” cách bờ đảo khá xa, với độ sâu khoảng 40m. Tại đây có một cái sà lan được ví như trung tâm “đầu não” khu nuôi trồng, có hệ thống camera quan sát cá dưới lồng, truyền về trung tâm, kỹ sư quan sát tốc độ cá ăn mồi như thế nào. Phía giữa sà lan, máy cho cá ăn tự động, với những đường ống dẫn dài mấy trăm mét đến các lồng nuôi. “Ở nước Mỹ chưa có mô hình nuôi cá biển phát triển lớn như ở vịnh Vân Phong, vì nhiệt độ lên xuống thất thường, khó kiểm soát mức độ an toàn cho cá nuôi. Các tỉnh phía Nam Việt Nam có môi trường lý tưởng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi công nghiệp lớn. Toàn bộ tổ hợp nuôi cá biển của công ty ở Vân Phong ngang bằng trình độ nuôi cá tại Na Uy” - Ông Joshua Nathan Goldman giới thiệu vắn tắt.

Cách ra phía ngoài Đầm Môn, huyện Vạn Ninh gặp vùng nuôi cá chim công nghiệp của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quy mô lồng nuôi và sản lượng thấp hơn nhiều so với công ty của ông Joshun Nathan Goldman. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, lướt qua chương trình nuôi cá biển công nghiệp: “Năm 2013, viện bắt đầu triển khai nuôi thử nghiệm cá chim ở vịnh Vân Phong. Từ khâu chọn con giống bố mẹ, sản xuất con giống tại trại, nuôi thương phẩm, đều do viện làm, sản lượng đạt khoảng 200 tấn/năm. Mục tiêu của viện là hoàn chỉnh quy trình nuôi cá theo quy mô công nghiệp. Chẳng hạn, toàn bộ lồng bè của viện đã được kiểm nghiệm qua cơn bão số 12, năm 2017, gió giật cấp 14-16, nhưng toàn lồng nuôi đã an toàn. Từ mô hình này, viện đã chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nuôi công nghiệp tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tới đây, có thêm mấy doanh nghiệp muốn đầu tư lớn để phát triển nuôi cá biển”.

Cần có chương trình tổng thể

Triển khai nuôi cá biển quy mô công nghiệp, khâu chọn đối tượng nuôi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi nếu không làm tốt khâu quy hoạch và quản lý chặt quy hoạch sẽ bị “vỡ trận”. Trong 1 tỉnh hoặc 2 tỉnh tập trung quá nhiều vào một đối tượng nuôi với sản lượng lớn, dẫn đến “cung” vượt quá “cầu”, kéo theo bao hệ lụy, sinh ra ép giá lẫn nhau, chẳng khác nào tự ôm nhau chết trên sân nhà. Đi liền với quy hoạch vùng nuôi, phải gắn chế biến đa dạng các mặt hàng, phù hợp với nhiều thị trường khác nhau.

Trong chương trình của Chính phủ Na Uy giúp Việt Nam phát triển nuôi cá biển quy mô lớn, có giải pháp tiêm vắc xin cho cá. Ông Morten Kr. Nordstad, Giám đốc Công ty Pharmaq, Na Uy, kể: “Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước Na Uy đã phát triển nuôi cá biển, người dân và doanh nghiệp sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh cho cá tràn lan. Nghề nuôi cá của Na Uy không có lãi cao, vì cá chậm lớn và chết nhiều. Chính phủ Na Uy đã huy động nhân lực nghiêu cứu để cho ra đời vắc xin phòng bệnh cho cá nuôi. 10 năm nghiên cứu, chỉ mới cho ra được 2 loại vắc xin. Sau mấy năm triển khai tiêm vắc xin cho cá nuôi, gần như người dân không sử dụng kháng sinh nữa, sản lượng tăng đáng kể. Đến năm 2018, Na Uy đã sản xuất được 10 loại vắc xin cho cá”.

Nhân viên trại nuôi cá biển ở quy mô công nghiệp của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thu hoạch cá chim. Ảnh: Hải Luận

Theo ông Morten Kr. Nordstad, cứ 10 con cá hồi bán ra trên thị trường thế giới, thì có 7 con cá hồi được nuôi tại Na Uy. Điều đó để chứng minh trình độ nuôi cá biển của nước này rất cao. Công ty Pharmaq đã có mặt ở Việt Nam 10 năm nay, tập trung nghiên cứu con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long để cho ra đời vắc xin phòng bệnh cá tra của Việt Nam. Lúc đầu, Công ty Pharmaq lấy mẫu cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long mang về Na Uy phân tích gen, di truyền bệnh..., từ đó mới điều chế ra loại vắc xin cho cá tra tại vùng Nam bộ.

Ông Morten Kr. Nordstad nói về vắc xin cho cá biển ở Việt Nam: “Tôi có hỏi ông Joshua Nathan Goldman, vùng nuôi ở vịnh Vân Phong thường hay xuất hiện bệnh gì trên cá, ông ấy rất cởi mở nói ra hết những bệnh đang gặp phải. Tôi đề nghị được lấy mẫu cá nghiên cứu sâu, từ đó mới có cơ sở điều chế ra vắc xin cho cá nuôi biển của Việt Nam. Ông ta đồng ý, đây là khởi đầu rất tốt. Việt Nam muốn phát triển ngành nuôi biển giống như Na Uy, ngay từ bây giờ phải nghĩ đến sản xuất vắc xin phòng bệnh trên cá. Hãy áp dụng những thành tựu và kinh nghiệm của Na Uy đã nghiên cứu, sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản 40 năm qua”.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nuoi-ca-bien-quy-mo-cong-nghiep/