Nước về, ngập mặn bị đẩy lùi 20km

Với việc cả đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) và thủy điện của Lào cùng xả nước xuống hạ lưu, ngày mai (3.4), nước sẽ về tới địa phận Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) trao đổi với NTNN ngày 1.4.

Sau việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc, Lào xả nước để chống hạn, xâm nhập mặn cho hạ lưu sông Mekong và các nước này đã đồng ý xả, đến thời điểm sáng 1.4, tình hình xả nước như thế nào? Dự kiến khi nào nước mới về tới Việt Nam, thưa ông?

- Theo tính toán của chúng tôi, ngày 3.4, nước của các hồ, đập trên thượng nguồn của Trung Quốc, Lào đang xả sẽ chảy về tới đồng bằng sông Cửu Long. Tổng cục Thủy lợi đã có chỉ đạo các địa phương tranh thủ tập trung lấy nước để làm sao sử dụng hiệu quả nhất. Các địa phương phải tiếp tục công tác đo đạc, giám sát mặn cũng như dự báo về từng vùng, chỗ nào có nước ngọt, chỗ nào không để tranh thủ lấy, tích trữ nước vào hệ thống kênh mương cũng như các hệ thống trữ nước dự phòng cho cao điểm khô hạn sắp tới.

Với lượng nước xả từ các hồ đập trên thượng nguồn, chúng ta có hy vọng đẩy được xâm nhập mặn không?

Quý 1.2016, lần đầu tiên tăng trưởng khu vực nông nghiệp bị âm, giảm 1,23% do thiên tai khắc nghiệt, trong đó trồng trọt âm 6%. Thiệt hại nặng nề là Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL, đơn cử tỉnh Ninh Thuận 45% diện tích gieo lúa bỏ không, Bình Thuận 30% để trống do hạn hán, khu vực Nam Trung Bộ là 26.500ha. Gần 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại. Tây Nguyên 42.500ha bị hạn nặng.

- Đúng là ban đầu có những ý kiến không lạc quan lắm về lượng nước của đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả. Khi ta đề nghị thì Lào sẽ xả thêm nữa nên lượng nước về sẽ tăng lên, nước cho hạ lưu sẽ có những chuyển biến rõ rệt. Các tỉnh dọc sông Tiền, sông Hậu hưởng lợi nhiều từ đợt xả nước này. Vùng ngập mặn sẽ được đẩy lùi tới 20km về phía biển. Các tỉnh xa hơn như Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang thời gian tới vẫn bị xâm nhập mặn nặng.

Tháng 4 này là cao điểm của EL Nino, Tổng cục đã có phương án thế nào để giúp nông dân đối phó?

- Theo dự báo tháng 4 là tháng ảnh hưởng xâm nhập mặn lớn nhất với đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, khi có nguồn nước ngọt về các địa phương, các ban ngành cần tuyên truyền cho bà con nông dân tranh thủ lấy nước, tích trữ nước và tăng cường các giải pháp sử dụng nguồn nước tưới thật tiết kiệm, hiệu quả.

Lời khuyên của ông dành cho bà con nông dân trong ưu tiên sử dụng nước?

- Chúng tôi đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tại địa phương khuyến cáo cho bà con thứ tự ưu tiên nước như sau: Dùng cho sinh hoạt, cho gia súc và tưới tiêu cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tiếp đến, cân đối nguồn nước để chọn giống cây trồng không cần nhiều nước. Các sở/phòng nông nghiệp căn cứ vào điều kiện nguồn nước tại chỗ và nước về để có thể phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ để tránh thời gian xâm nhập mặn lên cao.

Về lâu dài, để chống hạn hán, xâm nhập mặn, theo ông, chúng ta cần tiếp tục triển khai những giải pháp căn cơ gì?

- Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ cấp bách cho các địa phương để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó hỗ trợ các địa phương tiền điện, tiền dầu, hỗ trợ nạo vét kênh mương và đồng ý để hỗ trợ hạng mục bổ sung như hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ kéo dài đường ống nước sinh hoạt, khoan giếng, đắp đập tạm…

Vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án hỗ trợ vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn. Tổng số tiền cần hỗ trợ là trên 538 tỷ đồng. Các tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ trên 10.000 tấn gạo. Đặc biệt, Bộ NNPTNT đã thông báo tình hình hạn hán ở Việt Nam đến các tổ chức quốc tế. Họ đã tổ chức nhiều đoàn đến khảo sát các tỉnh, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết sẽ có hỗ trợ cho Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nuoc-ve-ngap-man-bi-day-lui-20km-671105.html