Nước Vạn Xuân (Kỳ 6)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương IV 'NƯỚC VẠN XUÂN'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

KỲ6

IV

Tin mất toàn bộ Giao Châu làm cho Lương Vũ Đế kinh hoàng. Trong một buổi thiết triều ở kinh đô Kiến Khang, Lương Vũ Đế nói với quần thần:
-Chưa đầy 4 năm, chỉ riêng ở đất Giao Châu của bọn di Việt, ta đã mất 10 vạn quân, 1 Thứ sử, bốn Thái thú hàm Thứ sử, một Thái thú và nhiều võ quan khác mà kết cục nay mất toàn bộ châu này, mất một hậu phương quan trọng của nước Lương ta. Lý Bí quả là văn võ song toàn. Nay ông ta còn xưng Hoàng đế, đặt đế hiệu, niên hiệu, quốc hiệu riêng để hoàn toàn đối lập với chúng ta, Ta không thể nuốt trôi mối nhục này. Có ai có thể thay ta đi dẹp loạn Giao Châu hay là để ta phải tự thân chinh?
Quan Thái sư Tiêu Chính bước ra tâu:
-Muôn tâu, đất phương Nam khí hậu khắc nghiệt, lam sơn chướng khí, xa cách vạn dặm, bệ hạ khỏi phải khó nhọc, vả lại còn phải bận việc tranh hùng trong chiến cuộc Nam- Bắc triều hiện nay, bệ hạ không thể rời Kiến Thành này được. Bình định Giao Châu thần xin tiến cử một người có thể hoàn thành sứ mạng này.
Lương Vũ Đế hỏi:
-Ai vậy? Khanh nói nhanh.
-Thưa, đó là Đại đô đốc Tây Giang, bây giờ là Thái thú Vũ Bình Trần Bá Tiên.
-Khanh biết rõ người này không?
-Dạ bẩm, thần biết rõ. Trần Bá Tiên vốn xuất thân là tầng lớp bình dân, đã từng giữ chức Lý trưởng ở Hà Nhược, huyện Trường Thanh, châu Chiết Giang, sau theo Thứ sử Quảng Châu Tiêu Anh làm chức Tham quân, hiện giờ là Đại Đô Đốc Tây Giang, Thái thú Vũ Bình. Trần Bá Tiên là con người giỏi chiến trận, giỏi binh pháp, văn võ song toàn. Thần xin bảo đảm người này có thể bình định được Giao Châu, đáp lòng mong mỏi của bệ hạ.
-Vậy chuẩn tấu.
Lương Vũ Đế lập tức xuống chiếu phong Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Đại tư mã, đem 5 vạn quân đi bình định Giao Châu, lại sai Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội quân với Dương Phiêu ở Giang Tây để Nam chinh.
Khi hội quân ở Giang Tây, Dương Phiêu cử Trần Bá Tiên đi tiên phong. Tiên dẫn 4 vạn quân theo đường biển tiến vào Giao Chỉ. Do thuận buồm xuôi gió nên 2 ngày sau quân Lương đã đến Ninh Hải, cập bến Hạ Long. Trần Bá Tiên bắt đầu dụng binh một cách gian xảo để đánh lừa Lý Nam Đế. Đạo quân bộ 2 vạn người dong cờ đánh trống tiến vào Hồng Châu cốt cho Lý Nam Đế đem quân chặn đánh đạo quân này, còn đạo quân khác 2 vạn lính do Trần Pháp Vũ chỉ huy, được dấu trong các khoang thuyền giả thuyền đánh cá rải rác đi cách xa nhau bí mật tiến theo đường sông Bạch Đằng, theo sông Kinh Thầy rồi đổ bộ lên Lục Đầu Giang, có nhiệm vụ đánh tập hậu bất ngờ vào sau lưng quân Việt ở Hồng Châu.
Bấy giờ là Thiên Đức năm thứ hai, tháng 5 năm 545 (Ất Sửu), thám mã về báo quân Lương đã đổ bộ lên bờ biển vịnh Hạ Long, Ninh Hải và đang tiến về Hồng Châu.
Lý Nam Đế hỏi:
-Trần Bá Tiên là kẻ dùng binh rất gian trá, ngoài đạo bộ binh tiến về Hồng Châu, có đạo thủy binh tiến vào sông Bạch Đằng không?
Thám mã:
-Dạ không thấy có đạo thủy binh nào.
Tinh Thiều nói:
-Không có đạo thủy binh theo sông Bạch Đằng, sông Kinh Thầy lên Lục Đầu Giang thì Trần Bá Tiên không thể hợp vây quân ta được.
Lý Nam Đế nói:
-Quân sư ở lại coi Long Thành cùng Thái sư Triệu Túc, Đại tướng Phạm Tu đi phòng giữ thành Tô Lịch, còn ta thân chinh cùng các Đại tướng Triệu Quang Phục, Dương Khoan Khoáng và các Đại tướng khác chặn đánh địch ở Hồng Châu.
Ngày hôm sau, Lý Nam Đế dẫn 2 vạn quân rời thành Long Biên đi về hướng Đông Nam, về đất Hồng Châu. Nữ Tướng Dương Khoan Khoáng đi tiên phong, Lý Nam Đế đi trung quân, Triệu Quang Phục đi tả quân, Đại tướng Phạm Lạng đi hữu quân, các Đại tướng Triệu Chí Thành, Trịnh Đô đi hậu quân. Nắng mùa hè chói chang, quân đi bụi cuốn mù mịt theo gió. Trên đầu họ, cờ vàng tung bay phần phật. Đi sâu vào địa phận Hồng Châu, phía Đông Lục Đầu Giang 2 dặm vùng Kiếp Bạc đã thấy quân Lương dàn trận. Trần Bá Tiên và các tùy tướng cầm vũ khí chờ đợi. Trên đầu vô số cờ quạt rợp trời, lớn nhất là lá cờ chữ Soái bay trên đầu Trần Bá Tiên .
Lý Nam Đế cho dàn trận. Trần Bá Tiên thấy Lý Nam Đế cưỡi ngựa nâu, áo bào vàng, bên ngoài mặc áo giáp vàng, mũ đâu mâu vàng, trên đầu che lọng vàng, trên lọng có lá cờ chữ Soái,oai phong lẫm liệt, tay cầm kiếm cán mạ vàng. Bên tả là Đại tướng Triệu Quang Phục, bên hữu là Đại tướng Dương Khoan Khoáng. Trần Bá Tiên quát:
-Ai dám ra bắt bọn phản tặc cho ta?
-Có mạt tướng.
Mọi người nhìn ra thì đó là tướng Lưu Chí Bình. Lưu Chí Bình múa đại đao, cưỡi ngựa đen xông ra.Nữ tướng Dương Khoan Khoáng múa hai thanh gươm xông ra thét:
-Lũ giặc Lương xâm lược hãy đền tội.
Hai người và ngựa xáp nhau, gươm chạm đại đao tóe lửa, vang lên những tiếng kêu khô khốc. Chưa đầy 10 hiệp, gươm của Dương Khoan Khoáng lùa qua cổ Lưu Chí Bình làm đầu hắn đẫm máu rơi xuống đất.
Phía quân Việt xông lên chém giết. Phía quân Lương bổng có một phát tên châm lửa bắn lên trời. 2 vạn quân Lương đột nhiên xuất hiện phía sau đánh tập hậu quân Việt. 4 vạn quân Lương ép quân Việt vào giữa chém giết. Quân Việt chiến đấu ngoan cường nhưng núng thế, thế trận dân dần tan vỡ và đại bại. Như đã nói, Trần Bá Tiên cho 2 vạn thủy binh bí mật tiến theo sông Bạch Đằng đổ bộ lên Lục Đầu Giang, chờ cho quân Việt Tiến sâu vào trận địa Hồng Châu mới đổ bộ lên đánh tập hậu. Triệu Quang Phục, Dương Khoan Khoáng và các tùy tướng hết sức bảo vệ Lý Nam Đế mở đường máu mới thoát về thành Tô Lịch. Gần 1, 5 vạn quân Việt đã hy sinh, quân Lương dù lợi thế nhưng cũng để lại 1 vạn xác chết trên chiến trường. Trần Bá Tiên dù dùng gian kế chiến thắng nhưng hắn vô cùng khâm phục và khiếp sợ tinh thần chiến đấu của quân Việt. Trần Bá Tiên thấy rằng nhân lúc Lý Nam Đế vừa thất bại, chưa củng cố được lực lượng và thế trận cần phải truy kích quyết liệt, không cho Lý Nam Đế có chỗ đứng chân vững chắc, nếu không, hắn cũng sẽ thất bại như Lư Tử Hùng và Tôn Quýnh trước đây.
Lý Nam Đế đem 5000 quân còn lại rút về cùng Đại Tướng Phạm Tu giữ thành Tô Lịch trên sông Hồng. Trần Bá Tiên thúc thủy binh và bộ binh đuổi tới bao vây thành. Thành Tô Lịch là một thành tạm bợ được rào chắn bằng tre và gỗ. Vì chiến tranh liên miên nên Lý Nam Đế chưa kịp cho gia cố thành bằng gạch và đá kiên cố. Quân Lương bao vây và tấn công thành ở hướng Đông và hướng Bắc. Hướng Tây và hướng Nam của thành cây cối rậm rạp, nhiều hồ nước đầm lầy, quân Lương sợ bị quân Việt tập kích. Đã ba lần trong 3 ngày quân Lương tấn công vào nhưng bị tên và đá của quân Việt bắn ra, quân Lương chết như rạ. Cuối cùng sang ngày thứ tư quân Lương dùng chất cháy đốt thành lũy gỗ và đốt nhà cửa doanh trại trong thành. Quân Lương tràn vào thành chém giết. Quân Việt kháng cự ngoan cường. Tiếng trống trận, tiếng reo hò, lửa cháy, khói mù trời đất, máu tuôn, những xác quân lính gục đổ. Thốt nhiên, hàng ngũ quân Lương vòng ngoài rối loạn. Thì ra quân Việt ở thành Long Biên do Triệu Túc đã chi viện kịp thời, phá dãn vòng vây quân Lương. Nhân cơ hội đó, Triệu Quang Phục, Dương Khoan Khoáng mở đường máu đưa Lý Nam Đế vượt ra ngoài thành, chạy về hướng Tây Bắc. Trong hỗn chiến, lão tướng Phạm Tu và 1 vạn nghĩa quân đã anh dũng hy sinh. Đó là ngày 20 tháng 7 Ất Sửu (tháng 8 năm 545).Phía quân Lương cũng để lại thành Tô Lịch 1 vạn xác chết.
Sau trận Tô Lịch, Lý Nam Đế chạy về thành Gia Ninh (xưa là kinh đô Bạch Hạc), thuộc đồi núi trung du, ngã ba sông Hồng, sông Lô, Sông Đà. Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử chạy về miền Tây Cửu Chân và chạy sang đất Ai Lao. Ở phía Bắc, Dương Phiêu đánh chiếm Hợp Phố, Ninh Hải và tiến vào Hoàng Châu, chiếm kinh đô Long Biên. Vận nước Vạn Xuân vô cùng nguy nan. Thủy Binh và bộ binh quân Lương truy đuổi ráo riết, bắt đầu công phá thành Gia Ninh. Trần Bá Tiên cho quân đi đầu dùng những tấm khiên đồng ghép lại che chắn tên đạn của quân Việt để hạn chế thương vong và tiến lên công thành.Quân Việt bắn tên, ném đá như mưa nhưng quân Lương thiệt hại rất ít. Quân Lương tiến sát cổng thành, dùng những cây gỗ to, nhọn, dài vài trượng do những tên lính lục lưỡng đâm mạnh vào cổng thành. Chỉ cần vài khắc, cổng thành Gia Ninh bị húc đổ. Quân Lương tràn vào đốt phá chém giết. Quân Việt rất ngoan cường chống lại. Một cuộc hỗn chiến trong và ngoài thành Gia Ninh diễn ra khốc liệt, thây người chồng chất, máu đỏ dòng sông Hồng Hà, Lô Giang và Đà Giang đậm đặc, tiếng reo hò kinh thiên động địa. Quân Việt đại bại. Lý Nam Đế được các tùy tướng mở đướng máu, hộ giá chạy về thượng nguồn sông Lô. Đó là miền núi rừng hiểm trở, miền Động Lão, Tân Xương thuộc núi rừng Việt Bắc.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nuoc-van-xuan-ky-6-74175