Nước và lửa ở V-League

Năm năm trở lại đây, các cuộc đối đầu giữa HAGL và Hà Nội luôn diễn ra căng thẳng, thậm chí có phần quyết liệt cả trong và ngoài sân cỏ. Sự đối nghịch về hình ảnh, cá tính giữa bầu Hiển với bầu Đức dường như cũng tạo thêm 'gia vị' cho những lần đôi bên gặp nhau.

Pha đi bóng của Văn Toàn (HAGL) và sự truy cản của Đình Trọng (HN)

Pha đi bóng của Văn Toàn (HAGL) và sự truy cản của Đình Trọng (HN)

Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận những cặp “derby” nổi tiếng, như CAHN và Thể Công một thời, hay Đồng Tâm Long An-HAGL của bầu Thắng với bầu Đức. Đôi bên cứ gặp nhau là cầu thủ đá “chết bỏ”, không có chuyện giữ chân. Tuy nhiên ngoài sân bóng, bầu Đức và bầu Thắng vẫn là 2 người bạn, gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng.

Nhưng thật khó để tìm được sự kiện nào bầu Hiển chung khuôn hình với các ông bầu khác trong làng bóng đá, trong đó có bầu Đức. Cũng có thể vì đôi bên chưa có duyên gặp gỡ, hoặc vì bầu Đức giờ đã không còn thường xuyên ra sân xem HAGL thi đấu như trước. Bầu Hiển ít nói, nhưng tầm ảnh hưởng thì như giới bóng đá nhận xét, ngày càng lớn mạnh. Đó không chỉ là ảnh hưởng tới các đội bóng có liên quan, được ví như “anh em” lâu nay, mà còn ở những nhân sự đại diện trong bộ máy bóng đá. Bầu Hiển chi nhiều, và chi đồng nào thì chắc đồng đó. Qua 11 mùa giải, ông Hiển đã có tới 8 lần hưởng niềm vui nâng cúp với SHB Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Nội.

Bầu Đức trái lại, luôn sôi nổi thậm chí có phần ồn ào, nhưng cũng hào sảng. Ông Đức ở thời điểm kinh tế tập đoàn HAGL khó khăn vẫn sẵn lòng đề nghị VFF để đài thọ cho các ĐTQG. Trung tâm Hàm Rồng luôn “rộng cửa” để các đội tuyển Việt Nam sử dụng khi cần. Năm 2015 khi Quế Ngọc Hải phạm lỗi thô bạo với Anh Khoa, phải chi hơn 800 triệu để hỗ trợ phẫu thuật, ông Đức bỏ 400 triệu tiền túi để giúp trung vệ tuyển Việt Nam. Bầu Đức thường phản biện bóng đá Việt Nam. Không phải điều gì ông Đức nói cũng đúng, nhưng cộng với phong thái giản dị, dễ gần, ông lại được lòng số đông người hâm mộ.

HAGL sau giai đoạn đỉnh cao vô địch V-League liền 2 mùa giải, thì 5 năm trở lại đây thành tích đều không tốt. Nhưng lứa Công Phượng, Văn Toàn lại chiếm được cảm tình của giới hâm mộ. Sân Pleiku có lúc không còn chỗ ngồi cho CĐV. Hà Nội trái lại, thành tích “đầy mình” nhưng sân Hàng Đẫy luôn vắng khách. Phải nhờ tới hiệu ứng U23 Việt Nam trên đất Thường Châu, đội bóng của bầu Hiển mới có thêm CĐV. Sự đối nghịch giữa đôi bên tạo nên cảm giác một cuộc đua ngấm ngầm nhưng quyết liệt diễn ra suốt những năm qua.

Năm 2017, cuộc đối đầu trên sân Hàng Đẫy giữa Hà Nội và HAGL kết thúc với tỷ số 4-3 nghiêng về phía đội chủ nhà. Nhưng sự cố được nhắc tới nhiều nhất lại là tình huống Samson phạm lỗi thô bạo với Châu Ngọc Quang. VFF ban đầu bỏ qua lỗi của tiền đạo Hà Nội, nhưng sức ép dư luận khiến rốt cuộc Samson phải nhận án “treo giò” 2 trận. Mùa giải 2018, Hà Nội thắng đậm HAGL tới 5-0 trong cuộc đối đầu cũng ở Hàng Đẫy trong trận đấu có 2 thẻ đỏ cho mỗi bên. Hậu vệ Tăng Tiến của HAGL nhận thêm án phạt cấm thi đấu 5 trận của VFF với tình huống đạp chân trung vệ Duy Mạnh bên phía Hà Nội.

Nhưng đỉnh điểm sự ganh đua giữa đôi bên phải kể tới Tứ kết lượt đi cúp Quốc gia 2018 trên sân Pleiku. HLV Chu Đình Nghiêm và BHL đội khách liên tục phản ứng trọng tài còn trên khán đài, CĐV HAGL liên tục công kích Hà Nội. Trận đấu căng thẳng tới độ phía Hà Nội sau đó đã có những phản ứng khá quyết liệt đối với CĐV chủ nhà. VFF được một phen mỏi tay ra án phạt sau đó.

Một bên sôi nổi, nồng nhiệt như lửa, một đằng cứ êm ả, mềm mại nhưng lại thấm lâu, tiến xa. Giữa HAGL và Hà Nội như mãi mãi không bao giờ có điểm chung. Nhưng chính nhờ đó, V-League mới lại thêm phần sôi động, lôi cuốn người xem.

Nguyên Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-thao/nuoc-va-lua-o-vleague-1669305.tpo