Nước trong đời sống tinh thần của người Dao họ ở Lào Cai (bài cuối)

Đối với người Dao họ, nước là biểu tượng cho sự sống, sự cao đẹp, bình yên, là biểu tượng cho hòa bình và sự trường tồn và nước không bao giờ thiếu trong các nghi lễ cúng giải hạn, lễ trưởng thành, đám chay.

Bài cuối: Nước trong các nghi lễ cúng

Theo phong tục người Dao họ, một năm giải hạn một lần, thường tổ chức vào tháng Giêng, tháng Hai. Các con, cháu từ 10 tuổi trở lên đến 79 tuổi, năm nào có hạn phải giải hạn. Những người từ 80 tuổi trở lên không phải làm giải hạn, chỉ làm lễ sinh nhật (làm đúng vào ngày sinh) cầu sức khỏe.

Thầy cúng sử dụng nước làm phép trong nghi lễ cấp sắc

Khi làm lễ giải hạn, ốm đau... tất cả đều cần phải dùng đến nước. Khi hành lễ, thầy cúng lấy một chén nước, một tay cầm kiếm phép chỉ vào bát nước. Nước này được lấy từ khe, phải là nước lã. Sau đó, thầy cho 3 hạt gạo tẻ vào bát nước có ý nghĩa là 3 viên thuốc thần tiên, làm phép, rồi đưa bát nước cho người được giải hạn hoặc người bị ốm uống, lúc này bát nước phép biến thành nước thánh, nước thuốc người ốm uống vào sẽ khỏe mạnh, bệnh mau lành. 3 hạt gạo này có thể nuôi thân chủ sống được 100 năm.

Lễ cúng giải hạn của đứa trẻ lên 10 tuổi ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng gồm: 3 con gà; 1 chai rượu, 3 bát nước. Nước dùng trong lễ cúng giải hạn phải là nước sạch, lấy ở đầu nguồn, do chủ nhà đi lấy, ngày lấy nước là ngày tốt. Khi cúng, thầy mặc áo truyền thống, một tay cầm bát nước, một tay cầm kiếm. Bát nước có tác dụng là bát phép, khi đe dọa ma, thầy ngậm nước phun mưa có tác dụng trừ tà, tẩy uế.

Lễ lập tịch (lễ cấp sắc) của người Dao họ được tổ chức theo chu kỳ đời người, là hình thức lễ thành đinh. Người Dao từ 13 tuổi trở lên phải làm lễ lập tịch. Đó là nghi lễ đánh dấu một giai đoạn quan trọng của con người - giai đoạn từ tuổi thiếu niên lên tuổi trưởng thành. Trải qua lễ lập tịch, chàng trai mới được cả cộng đồng công nhận thành viên, mới được thế giới thần linh thừa nhận là một thành viên chính thức, có thể làm thầy cúng, có quyền lập bàn thờ. Khi khuất núi, linh hồn người đó mới về được thế giới tổ tiên. Khi chưa lập tịch, người đó bị cả cộng đồng coi thường, trong sinh hoạt của cộng đồng (lễ cầu mùa, ma chay, các nghi lễ tôn giáo) chỉ là người phục vụ, không được tham gia với tư cách thành viên của cộng đồng. Người Dao họ thường tổ chức lễ lập tịch vào dịp cuối năm, thời gian này, công việc ruộng đồng đã xong, thời tiết lại vào mùa khô, nên rất thuận lợi cho việc tổ chức các nghi lễ. Lễ lập tịch là một trong những nghi lễ quan trọng của mỗi gia đình, mỗi thành viên. Do đó, khi gia chủ tổ chức lập tịch cho con trai được sự quan tâm của cả cộng đồng, mỗi khi tổ chức lễ lập tịch, thì cả cộng đồng cùng tham gia rất nhiệt tình từ chuẩn bị cho đến suốt quá trình diễn ra của lễ lập tịch.

Biểu tượng nước trong lễ cấp sắc được thể hiện rất rõ. Trong nhà đàn được làm ở đầu hồi nhà của gia chủ, trên mặt đàn, các thầy cúng làm và để 2 con rồng, có ý nghĩa để cúng đón gia tiên và tổ tiên tam đại. Đồng thời, đôi rồng đất này còn có ý nghĩa đón bà cụ của Thánh Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo) về dự lễ và chứng cấp sắc cho con cháu trong nhà. Con rồng đất được làm từ thân nứa vót nhỏ dài 20 cm, tạo thành 2 chân trước và 2 chân sau, dài khoảng 5 cm. Đầu rồng được uốn bằng cật nứa, tạo mào, sau đó cắt giấy màu dán vào. Nếu là rồng đực thì cắt giấy màu đỏ, nếu là rồng cái thì cắt dán giấy màu xanh. Mắt rồng cắt hai chấm đen, dán cân xứng hai bên. Phần đuôi rồng, nếu là rồng đực cắt bằng giấy đỏ, làm nhiều tua giấy đỏ, vàng dài khoảng 30 cm; nếu là rồng cái, cắt dán giấy tua màu xanh. Đôi rồng đất này do thầy cúng Tam Bảo làm, trước khi làm giấy màu và thanh nứa được thầy dùng kiếm và bát nước thánh (bát nước phép) làm lý tẩy uế cho giấy màu và thanh tre được sạch sẽ để tạo thành thân và bộ vây rồng, thể hiện sức mạnh uy quyền của đôi rồng trong nghi lễ cấp sắc, cũng như khi hai thầy cúng Tam Bảo cầm đôi rồng múa bay lượn trên bầu trời, múa từ thượng nguyên, trung nguyên rồi hạ nguyên, đôi rồng bay lượn phun mưa tới cho khắp các vùng để người dân có nước sinh hoạt, cũng như nước tưới tiêu, đặc biệt là nước phép đã làm cho mọi thứ trở nên linh thiêng.

Nước luôn được sử dụng trong các nghi lễ cúng của người Dao họ

Việc sử dụng nước sạch trong lễ cấp sắc của người Dao đặc biệt rõ nét. Ngay từ ngày đầu tiên, khi làm lễ đón thầy về nhà để làm cấp sắc cho học trò, thầy vào trong nhà đem bọc vải đựng ảnh thánh của thầy vào trong phòng ở đầu chái (phòng dành cho các thầy) phía đối diện với bếp. Thầy treo cất tranh trên vách, sau đó ra ngoài ngồi bên bếp lửa. Có hai trò được giao nhiệm vụ mời nước chè, mời thuốc cho thầy. Khi thầy vào nhà, một trò chuẩn bị khay nước, rót 2 chén nước mời thầy, một người khác chuẩn bị khay rượu, rót 4 chén rượu và mời thầy uống, hút thuốc lào. Được mời chén chè, thầy nhận và uống, tiếp tục người mời rượu, thầy nhận rượu và làm lý, vẩy rượu sang 2 bên vai với ý nghĩa tẩy sạch, không cho cái bẩn đeo bám, đồng thời cũng là mời rượu sư phụ thầy uống trước, sau đó thầy uống nhấp môi. Lúc này, nước và rượu trở thành một lễ vật được học trò gửi gắm tất cả tâm tư, nguyện vọng mong thầy truyền dạy phép tắc cho mình được tu thành chính quả.

Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với văn hóa tộc người, không chỉ đời sống vật chất, mà cả lĩnh vực văn hóa, tinh thần. Ý nghĩa quan trọng đầu tiên đó là nhờ có nguồn nước mới hình thành lên các bản làng của người Dao họ. Điều quan trọng, nước đã trở thành biểu tượng cho quyền năng và sự trường tồn cũng như lịch sử nguồn gốc của người Dao họ.

THANH NAM - NGỌC THANH

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nuoc-trong-doi-song-tinh-than-cua-nguoi-dao-ho-o-lao-cai-bai-cuoi-71278