Nước trên Trái đất có nguồn gốc từ ngoài vũ trụ?

Nước là một trong những cấu thành chính của sự sống và 71% bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước, phần lớn là bởi các đại dương rộng lớn.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy manh mối trong các hạt băng Comet Wirtanen, cho thấy nước trong sao Chổi và đại dương Trái đất có thể có chung nguồn gốc.

Hiện tại, một nghiên cứu mới đưa ra giả thuyết rằng nước có thể đã được mang đến hành tinh của chúng ta từ các sao Chổi cổ đại vào hàng triệu năm trước.

Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Thiên văn học và Vật lý thiên văn đã nhìn vào dữ liệu từ Đài quan sát Thiên văn Hồng ngoại ở tầng bình lưu của NASA (SOFIA) và thấy rằng có những điểm tương đồng giữa nước có trên sao Chổi Wirtanen và nước trên Trái đất.

Trong tuyên bố, tác giả chính của nghiên cứu, Darek Lis, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cho biết: “Chúng tôi đã xác định được một hồ chứa nước lớn giống như nước trên Trái đất nằm ở ngoài cùng của Hệ Mặt trời.

Nước rất quan trọng cho sự phát triển của sự sống như chúng ta đã biết. Chúng tôi không chỉ muốn hiểu nước đã được đưa đến Trái đất như thế nào mà còn tìm hiểu xem liệu quá trình này có thể xảy ra trong các hệ thống hành tinh khác hay không?”.

SOFIA là một phòng thí nghiệm của NASA tọa lạc trên một chiếc máy bay phản lực Boeing 747SP đã được sửa đổi để có thể mang theo một kính viễn vọng đường kính 106 inch. Nó được quản lý bởi Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA và là một dự án chung giữa NASA và Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức, DLR.

Đồng tác giả của nghiên cứu, Dominique Bockeleé - Morvan, nhà khoa học tại Đài Thiên văn Paris và Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho biết, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể liên kết tỷ lệ giữa nước nặng và thường của tất cả các sao Chổi tới một yếu tố duy nhất trên một hành tinh nào đó.

Còn có tên gọi là 46P, sao Chổi Wirtanen được nhà thiên văn học người Mỹ Carl Wirtanen phát hiện vào tháng 1/1948. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong nước tồn tại nước nặng có chứa thêm một neutron nằm bên trong một trong những nguyên tử hydro, có tên hóa học là HDO; nước thường được gọi là H2O.

Các tác giả kết luận rằng nếu sao Chổi chứa tỷ lệ các loại nước giống như đại dương của Trái đất, chúng có thể có chung nguồn gốc.

Giáo sư Bockeleé-Morvan cho biết: “Chúng ta có thể cần suy nghĩ lại về cách chúng ta nghiên cứu sao Chổi vì lượng nước thoát ra từ các hạt băng dường như là chỉ số tốt hơn về tỷ lệ nước tổng thể so với nước thoát ra từ băng trên bề mặt thường thấy trên Trái đất”.

Theo Thúy Hà -Foxnews

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nuoc-tren-trai-dat-co-nguon-goc-tu-ngoai-vu-tru-4007366-b.html