Nước Thủ Dầu Một lãi quý 3 tăng 110%, dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu

BCTC quý 3 CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhưng lũy kế 9 tháng vẫn suy giảm do không còn cổ tức từ CTCP nước – môi trường Bình Dương -Biwase (BWE).

Doanh thu thuần TDM quý 3 đạt 123 tỷ đồng, tăng 26%. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn (17%), góp phần đưa lợi nhuận gộp lên 63,45 tỷ đồng, tăng 36%. Biên lợi nhuận cải thiện, tăng từ 47,8% lên 51,6%.

Trong kỳ, các chi phí đồng loạt giảm mạnh, gồm chi phí tài chính giảm 33%; đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 82% do Công ty không còn phát sinh chi phí mua vật tư y tế để ủng hộ phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, sản lượng nước tiêu thụ và giá cung cấp nước sạch quý 3 đã tăng lần lượt 17,5% và 8,5%. Theo đó, lãi sau thuế hơn 54,4 tỷ đồng, tăng 110%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, TDM ghi nhận 353 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16%. Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh (98%) từ 87 tỷ đồng xuống còn hơn 2 tỷ đồng do Công ty không còn khoản cổ tức nhận được như cùng kỳ làm khiến cho lợi nhuận trước thuế sụt giảm 22%, xuống 154 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 146,5 tỷ đồng, giảm 24%.

Năm 2022, TDM đặt kế hoạch tổng doanh thu 510 tỷ đồng và gần 236 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 16% và 28% so với thực hiện năm 2021.Như vậy, sau 9 tháng, TDM đã thực hiện 62% kế hoạch lợi nhuận.

Tại ngày 30/09/2022, tổng tài sản của TDM đạt gần 2.381 tỷ đồng, không có nhiều biến động nhưng các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh 60%, lên 161 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty phát sinh khoản tạm ứng hơn 144 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, đây là khoản tạm ứng cho ông Nguyễn Minh Đức để đền bù cho những hộ dân có đất nằm trong khu vực tuyến ống nước đi qua và đất thực hiện thi công Dự án “Xây dựng Công trình thu – Trạm bơm nước thô Tân Ba 2 và tuyến ống chuyền tải nước thô về nhà máy nước sạch Dĩ An, theo Nghị quyết ngày 12/04/2022 của HĐQT.

Khoản mục hàng tồn kho lại giảm mạnh 95%, xuống còn 2 tỷ đồng do nguyên liệu, vật liệu giảm. Ngược lại, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng đột biến lên hơn 46 tỷ đồng, gấp 8,1 lần đầu năm chủ yếu đến từ dự án tuyến ống D2500 Nhà máy nước Bàu Bàng – Giai đoàn 2.

Theo thuyết minh, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 62,5 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn tự có của TDM và vốn vay Ngân hàng. Dự án được triển khai từ quý 2/2021 và dự kiến hoàn thành vào quý 4/2022.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của TDM giảm 26% so với đầu năm, ghi nhận 414 tỷ đồng, do vay nợ thuê ngắn hạn và vay nợ thuê dài hạn đều giảm, lần lượt giảm hơn giảm hơn 13% và 23%.

Vốn sở hữu gần 1.967 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 248 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 321 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 18% và hơn 34%.

Theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ của Công ty, TDM dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu (10% số cổ phiếu đang lưu hành) trong năm 2022.

Việc phát hành sẽ được thực hiện thông qua đấu giá công khai và giá khởi điểm sẽ không thấp hơn giá đóng cửa trung bình 30 phiên trước ngày đấu giá và/hoặc giá trị sổ sách của TDM trên mỗi cổ phiếu tính đến ngày 31/12/2021 hoặc ngày 30/06/2022 (19.125 đồng/cp).

Mục đích chính của đợt phát hành là đầu tư vào 2 công ty nước tại Cần Thơ ngoài CTCP Cấp nước Đồng Nai (UPCoM: DNW) và CTCP Cấp nước Gia Tân (GIWACO). TDM dự kiến chi 213 tỷ đồng, trong đó 143 tỷ đồng cho CTW và 70 tỷ đồng cho CTCP Cấp nước Cần Thơ 2.

Mới đây, theo tài liệu ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức 25/10 tới đây, HĐQT TDM có tờ trình về việc phát hành này sẽ thực hiện trong quý 4/2022 – quý 1/2023.

Hằng Phan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nuoc-thu-dau-mot-lai-quy-3-tang-110-du-kien-phat-hanh-10-trieu-co-phieu-d175614.html