'Nước thời gian' của Đoàn Văn Nguyên

Con trai của cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ vừa có triển lãm cá nhân lần thứ 3 trong sự nghiệp cầm cọ ở 29 Hàng Bài, Hà Nội. Từ cảm hứng từ hai câu thơ nổi tiếng của cha: 'Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/Nước thời gian gội tóc trắng phau phau' (Chợ tết), Đoàn Văn Nguyên lấy tên triển lãm là 'Nước thời gian', giới thiệu 62 bức tranh sơn mài đủ mọi đề tài, kích thước.

Tác phẩm Những người thợ săn

Tác phẩm Những người thợ săn

Ra mắt triển lãm này, Đoàn Văn Nguyên không lấy việc bán tranh làm mục đích: “Tôi không mở triển lãm để bán tranh. Đây là cuộc chơi vì nghệ thuật, người sưu tập và khán giả nếu đồng cảm thì mua. Không bán được bức nào cũng không sao cả”. Hoàn thành một bức sơn mài không những tốn công mà còn tốn của, tôi hỏi họa sỹ: “Anh định giá thế nào với tác phẩm của mình?”. Con trai của tác giả “Chợ tết” đáp: “Đã là tác phẩm nghệ thuật đừng nói giá”. Nhưng theo tôi biết, để sở hữu một tác phẩm của Đoàn Văn Nguyên, nhà sưu tập phải trả một số tiền không nhỏ. Có những tác phẩm của anh hiện nay đã “định cư” tận Nam Mỹ, nằm trong một bảo tàng nghệ thuật của Chi Lê.
Sau hơn 10 năm, Đoàn Văn Nguyên mới mở triển lãm thứ 3, qui tụ những sáng tác tiêu biểu của anh trong một khoảng thời gian dài, lao động miệt mài: “Đủ số lượng tranh thì ra mắt công chúng, chứ tôi không có chuẩn bị gì trước. Hơn nữa tranh sơn mài để càng lâu càng đẹp”, anh chia sẻ. Người trong giới trân trọng tinh thần lao động của Đoàn Văn Nguyên khi ghé thăm triển lãm. Chỉ nhìn vào số lượng tranh trưng bày đã thấy người nghệ sỹ cật lực thế nào, chưa kể chúng đều đạt chất lượng cao. Đoàn Văn Nguyên hé lộ hậu trường sáng tác: “Tôi thường vẽ vào buổi sáng, tại xưởng vẽ đặt trên tầng thượng của nhà”. Khi còn trẻ, mỗi ngày họa sỹ vẽ 4 tiếng, nay anh chỉ vẽ 2 tiếng, bởi: “Lao động sáng tạo nghệ thuật rất tốn năng lượng”.
Ban đầu họa sỹ chỉ định trình làng 56 tác phẩm song học trò của anh là những họa sỹ trẻ (họa sỹ Đoàn Văn Nguyên là Nhà giáo Ưu tú- PV) đã mang quá 6 tác phẩm, thành 62 bức. Trong số 62 tác phẩm trình làng, Đoàn Văn Nguyên đặc biệt “cưng” tác phẩm “Chọi trâu”, đây cũng là tác phẩm giúp anh được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Và một tác phẩm được anh xếp vào hàng “vô giá”, nhà sưu tập trả bao nhiêu cũng không bán, đó là bức “Nhà thơ thôn ca Đoàn Văn Cừ”. Tác phẩm được đánh giá là một trong những bức chân dung đẹp của giới mỹ thuật Việt Nam: “Tôi muốn để lại tác phẩm này cho con, cho cháu mình”, anh bày tỏ.
Đoàn Văn Nguyên chính là người con được cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ gửi gắm di sản văn học. Với bản tính cầu toàn trong nghệ thuật, cách đây vài năm Đoàn Văn Nguyên đã bỏ ra một số tiền không nhỏ chỉ để làm tuyển tập cho cha, một cuốn sách đẹp hiếm có trong làng văn nghệ Việt. Tại triển lãm “Nước thời gian”, Đoàn Văn Nguyên mang vài trăm cuốn sách ra bày, ai yêu văn chương thì mua và anh cũng sẵn sàng tặng cho những khán giả say mê Đoàn Văn Cừ nhưng khó khăn về tài chính.

“Giấc mơ” (1988), một tác phẩm nude ưng ý của Đoàn Văn Nguyên

Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên bên bức tranh “Nhà thơ thôn ca Đoàn Văn Cừ

Triển lãm “Nước thời gian” dù đa dạng về đề tài song nude vẫn là mảng đề tài được Đoàn Văn Nguyên ưu ái. Hơn 10 tác phẩm nude đều diễn tả vẻ đẹp phồn thực của phái đẹp. Nude của Đoàn Văn Nguyên không khiến khán giả là phụ nữ phải ngại ngùng vì anh không tả thực. Họa sỹ sơn mài Nguyễn Huy Hoàng nhận xét: “Đoàn Văn Nguyên vẽ khỏa thân cách điệu. Anh không bao giờ sao chép hiện thực mà tái hiện lại theo góc nhìn của mình. Tranh của anh có tính khái quát cao, tạo dáng rất đẹp, tôn vẻ đẹp phụ nữ lên rất khéo”. Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, vì họa sỹ có cá tính mạnh nên tranh sơn mài của anh khỏe khoắn, mảng miếng sắp xếp với nhau tạo ra bố cục, màu sắc đẹp. Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ Thuật, Nhiếp Ảnh và Triển lãm đánh giá: “Đoàn Văn Nguyên sử dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống với mỹ cảm tốt, tìm tòi trong ngôn ngữ tạo hình”. Chủ nhân của triển lãm “Nước thời gian” tiết lộ, trong 60 bức tranh sơn mài trưng bày tại triển lãm, có nhiều bức bằng vàng và khẳng định: “Riêng tranh khỏa thân chỉ toàn bằng vàng”. Anh đưa tôi đi xem từng bức khỏa thân và giới thiệu tỉ mỉ: “Toàn bộ cơ thể bằng vàng, nền bằng vàng, không có một hạt bạc nào”. Tôi hỏi: “Như thế chắc anh tốn kém lắm?”. Đoàn Văn Nguyên đáp: “Tốn kém bao nhiêu mặc kệ”. Tính Đoàn Văn Nguyên vẫn thế, đã lao vào cuộc chơi nghệ thuật nhất định không tính toán. Nhưng vì sao anh “thiên vị” nude? “Cơ thể phụ nữ là ngọc là ngà, nên dùng toàn vàng mới xứng”, họa sỹ nói. Đoàn Văn Nguyên vẽ nude từ năm 1986 và đây là triển lãm đầu tiên anh khoe những người đàn bà khỏa thân bằng vàng.

Triển lãm “Nước thời gian” dù đa dạng về đề tài song nude vẫn là mảng đề tài được Đoàn Văn Nguyên ưu ái. Hơn 10 tác phẩm nude đều diễn tả vẻ đẹp phồn thực của phái đẹp. Nude của Đoàn Văn Nguyên không khiến khán giả là phụ nữ phải ngại ngùng vì anh không tả thực.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nuoc-thoi-gian-cua-doan-van-nguyen-1484171.tpo