Nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra môi trường phù hợp với QCVN

Ngày 22/6, Báo Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo năm 2018.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu quan tâm đến thông tin về kết quả giám sát quá trình khắc phục vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các bộ, ngành và các cơ quan khoa học thành lập Tổ giám sát liên ngành để thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, được thực hiện thông qua 3 hình thức: Giám sát hàng ngày; giám sát tự động, liên tục; giám sát định kỳ.

Theo yêu cầu của Bộ TN&MT và các cơ quan quản lý, FHS đã nghiêm túc thực hiện và hoàn thành 7 hạng mục công trình bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung nhằm quản lý chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế; đặc biệt đã hoàn thành hồ sự cố kết hợp hồ sinh học trên diện tích 10ha từ tháng 7/2017, đảm bảo ứng phó sự cố nhiều cấp độ. Lò cao số 1 đã được FHS vận hành từ tháng 5/2017, hiện đã đi vào vận hành thương mại theo đúng tiến độ; Lò cao số 2 được vận hành thử nghiệm từ ngày 18/5/2018, hiện các hạng mục của dự án vẫn đang vận hành ổn định dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học.

“Tổng hợp kết quả giám sát của Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy: Nước thải, khí thải của FHS trước khi xả ra môi trường phù hợp với QCVN, đang dần tiếp cận với tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, chất lượng môi trường tại 4 tỉnh miền Trung đã được công bố an toàn, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bao gồm thủy sinh và tắm biển, thể thao dưới nước, đặc biệt đối với các thông số Xyanua và Phenol trong các mẫu phân tích có nồng độ thấp hơn nhiều lần QCVN quy định”, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, trao đổi về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững năm 2018, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, tính đến hết ngày 31/5/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận tổng số 650 vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường. Hầu hết các vụ việc đều thuộc thẩm quyền xử lý của các địa phương. Trong đó có 468 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về chất thải khí, chiếm tỷ lệ 72%; có 130 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về nước thải, chiếm tỷ lệ 20%; 52 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về chất thải rắn, chiếm tỷ lệ 8%. Đến nay, đã có 292 vụ việc đã được các địa phương triển khai xử lý, chiếm tỷ lệ 45%, còn lại 385 vụ việc chưa được xử lý, chiếm tỷ lệ 55%.

Trong năm 2018, Bộ sẽ rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đồng thời tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và người dân.

Đặc biệt, năm 2018 sẽ tập trung thanh tra, giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, luyện thép, sản xuất hóa chất, các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày, đêm trở lên, các đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường như ven biển, lưu vực sống...

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/nuoc-thai-khi-thai-cua-fhs-truoc-khi-xa-ra-moi-truong-phu-hop-voi-qcvn_t114c1143n135470