Nước súc miệng Rượu cau gia truyền: Nhiều dấu hiệu vi phạm?

Một số nhà thuốc tại Hà Nội đang lưu hành sản phẩm Nước súc miệng Rượu cau gia truyền của Công ty Dược liệu Trang Anh được quảng cáo và ghi nhãn với nhiều dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý mỹ phẩm.

Ghi nhãn gây hiểu nhầm là thuốc?

Nước súc miệng Rượu cau gia truyền được Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cấp công bố sản phẩm mỹ phẩm số 102/17/CBMP-BN ngày 18/12/2017. Theo khái niệm mỹ phẩm tại Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm thì sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Nhãn sản phẩm gây hiểu nhầm là thuốc?

Thế nhưng trên nhãn sản phẩm Nước súc miệng Rượu cau gia truyền của Công ty Dược liệu Trang Anh, công dụng của sản phẩm lại được ghi là: Đặc trị bệnh răng miệng. Chỉ định: Chảy máu chân răng, làm chặt chân răng, viêm nướu lợi, đau nhức răng. Với những công dụng như vậy, người dùng sẽ hiểu nhầm Rượu cau gia truyền là thuốc chứ không phải là mỹ phẩm.

Không những thế, trong phần Hướng dẫn sử dụng, Công ty Dược liệu Trang Anh ngang nhiên ghi: Lắc đều thuốc và vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi dùng. Không còn nghi ngờ gì, Công ty Dược liệu Trang Anh đã bất chấp luật pháp và lừa dối người tiêu dùng để thu lợi bất chính. Đây là hành vi đáng lên án và cần phải xử lý thích đáng theo đúng quy định của pháp luật.

Công ty Dược liệu Trang Anh có quảng cáo sai luật?

Không chỉ cố tình ghi nhãn sai bản chất của sản phẩm mỹ phẩm, tại một số nhà thuốc hiện cũng đang quảng cáo sản phẩm Nước súc miệng Rượu cau gia truyền của Công ty Dược liệu Trang Anh. Nội dung quảng cáo cũng cố tình khiến người tiếp nhận thông tin quảng cáo hiểu nhầm sản phẩm này là thuốc.

Nội dung quảng cáo Rượu cau gia truyền tại nhà thuốc có nhiều sai phạm.

Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 69 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc hoặc quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng (mức phạt áp dụng đối với tổ chức). Ngoài ra, trường hợp quảng cáo nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo sẽ bị phạt thấp nhất là 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP).

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nuoc-suc-mieng-ruou-cau-gia-truyen-nhieu-dau-hieu-vi-pham-54231.htm