Nước sinh hoạt tại Đà Nẵng cặn bẩn: Có thể do chất lượng một số tuyến ống

Dù các phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đà Nẵng) đối với các mẫu nước được lấy từ những khách hàng đều có chung nhận xét: "Các chỉ tiêu đã kiểm tra đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01: 2009/BYT", nhưng những ngày qua người dân vẫn tiếp tục có những phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt. Với hiện tượng cặn bẩn khi bịt vòi nước bằng khăn trắng, lãnh đạo Cty CP Cấp nước Đà Nẵng ( Dawaco) nhận định đây là hiện tượng cục bộ, có thể do chất lượng của một số tuyến ống.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Dawaco cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đà Nẵng), các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01: 2009/BYT.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Dawaco cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đà Nẵng), các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01: 2009/BYT.

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, trong những ngày qua, người dân tại một số khu vực thuộc các quận Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê và Cẩm Lệ liên tục có những phản ánh về việc nước sinh hoạt có hiện tượng đục hơn bình thường, có cặn bẩn và có độ lợ. Ngay sau khi nhận phản ánh, Dawaco đã nhanh chóng liên hệ trực tiếp để đưa mẫu nước tại nhà các khách hàng có phản ảnh đi kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm của Xí nghiệp sản xuất nước sạch Dawaco. Kết quả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN: 01: 2009/BYT do Bộ Y tế ban hành. Dù một số khách hàng được trực tiếp chứng kiến quá trình kiểm nghiệm đã hài lòng và yên tâm với kết luận nhưng một số khác vẫn cảm thấy chưa yên tâm khi chứng kiến những dấu hiệu bất thường, còn kết quả công bố lại do chính doanh nghiệp cung cấp nước sạch thực hiện. Trao đổi với cơ quan thông tấn báo chí, ông Hồ Minh Nam- Phó tổng giám đốc Dawaco cho biết, sau khi lấy mẫu và tiến hành kiểm nghiệm lần 1, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đà Nẵng) lấy mẫu nước tại nhà các khách hàng có phản ánh cùng lấy mẫu nước tại Nhà máy sản xuất nước để kiểm nghiệm lần 2.

Theo các "Phiếu kết quả thử nghiệm" mẫu nước thủy cục tại nhà các khách hàng 398-Lê Văn Hiến, 15-An Thượng 20, 105/14 Bình Thái 1, 33-Nguyễn Chí Diểu, Nhà máy nước Cầu Đỏ (Q. Cẩm Lệ), các chỉ tiêu đã kiểm tra đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01: 2009/BYT. Chính vì vậy, khách hàng có thể yên tâm sử dụng nguồn nước do Dawaco cung cấp cho sinh hoạt và dùng để nấu ăn uống. Lý giải về hiện tượng khách hàng dùng khăn trắng, bông gòn bịt đầu vòi sử dụng trong một thời gian thì có cặn bẩn đọng lại, nhiều nơi có lớp cặn màu đen dày, ông Nam cho hay: "Qua kiểm tra ban đầu, bộ phận chuyên môn của Dawaco nhận định nguyên nhân có thể do nước bị đục cục bộ tại một số tuyến ống có chất lượng kém vì đã sử dụng lâu năm. Mặt khác, nước sau xử lý tại các nhà máy cũng vẫn còn một hàm lượng cặn lơ lửng trong giới hạn cho phép với độ đục # 2 NTU. Lượng cặn này khi được lọc lại qua bông gòn hoặc vải mịn sau một khoảng thời gian nhất định với lượng nước qua khá lớn thì cặn sẽ được giữ lại".

Để đảm bảo chất lượng nước trong thời gian đến, ông Nam cho biết đơn vị sẽ chủ động tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước mạng lưới, tăng cường súc xả mạng lưới đường ống song song với việc thay thế các đường ống đã quá cũ để khắc phục, hạn chế hiện tượng như đã xảy ra những ngày qua. Cạnh đó, để đảm bảo cấp nước an toàn, Dawaco đã vận hành bơm phòng mặn An Trạch với công suất phù hợp tùy theo độ mặn tại cửa nước sông Cầu Đỏ và vẫn đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước như độ đục, hàm lượng cặn, pH, độ mặn... nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN:01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành, tuy nhiên nước vẫn sẽ có vị lợ nhất định. "Hiện tại chúng tôi luôn đảm bảo các công đoạn xử lý tại các nhà máy đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tất cả các chỉ tiệu về độ đục, độ mặn, Clo dư... được giám sát liên tục bằng thiết bị Online và kiểm tra bằng các thiết bị cầm tay 1 giờ/lần. Chất lượng nước sau xử lý phát ra tại nhà máy đều đạt yêu cầu theo QCVN 01: 2009/BYT của Bộ Y tế. Khách hàng yên tâm sử dụng nguồn nước do Dawaco cung cấp cho sinh hoạt và dùng để nấu ăn uống", ông Nam khẳng định.

Bảo Nam

* Ngày 16-2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã kiểm tra tình hình vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Tại buổi kiểm tra, ông Dũng cho rằng, trữ lượng nước tại đập dâng An Trạch vẫn đủ để vận hành máy bơm, nhưng nước bơm về cho Nhà máy nước Cầu Đỏ không đủ. Chính vì vậy cần tìm cách đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ để khai thác một phần nguồn nước thô tại đây kết hợp với bơm nước từ đập An Trạch về với lưu lượng tối đa nhằm có đủ nước thô phục vụ sản xuất, cấp nước sạch cho người dân thành phố sinh hoạt. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT, Dawaco nghiên cứu, tính toán để có cơ sở đề xuất hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, Đăk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng, thời gian phù hợp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước, khống chế độ mặn của sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ dưới 900mg/l.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Dawaco phải triển khai mọi biện pháp khống chế độ mặn trong nước sinh hoạt cấp cho người dân dưới 100mg/l, đảm bảo không có vị lợ, an toàn cho sức khỏe của người dân. Trong thời gian triển khai xây dựng thêm tuyến chuyển tải nước thô qua sông Cầu Đỏ, cần tiếp tục duy trì vận hành liên tục 3 máy bơm tại trạm bơm phòng mặn An Trạch, bảo đảm công suất bơm 210.000m3/ngày đêm để cung cấp đủ nước cho nhu cầu của các khu dân cư cả trong những thời gian cao điểm. Tiếp đó, phải tính toán lưu lượng nước thô đưa về Nhà máy nước Cầu Đỏ khi tăng vận hành lên 4 máy bơm, bảo đảm độ mặn trong nước sinh hoạt thấp hơn 100mg/l trong thời gian cao điểm của mùa nắng nóng. Ông Dũng cũng yêu cầu, trước mắt Dawaco bắt tay thi công đập tạm khẩn cấp tại cửa sông Quảng Huế trong thời gian tối đa 20 ngày để chủ động đưa nước từ sông Vu Gia về sông Yên nhiều hơn. Trong tương lai, đơn vị phối hợp Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu xây dựng kiên cố đập điều tiết tại cửa sông Quảng Huế để chủ động về nguồn nước thô trong mọi trường hợp, đảm bảo an toàn nguồn nước một cách bền vững.

Bảo Nam

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_202257_nuoc-sinh-hoat-tai-da-nang-can-ban-co-the-do-chat.aspx