Nước Pháp chao đảo vì phong trào 'áo vàng'

Từ 3 tuần nay, tình hình xã hội nước Pháp trở nên căng thẳng do phong trào biểu tình của những người 'áo vàng' nhằm phản đối Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron tăng thuế dẫn đến tăng giá xăng dầu, tác động mạnh đến những người dân sống tại nông thôn và miền núi do chủ yếu dùng ô tô cá nhân làm phương tiện di chuyển. Các cuộc biểu tình đã khiến cả nước Pháp chao đảo!

Hàng trăm nghìn người "áo vàng" biểu tình

Đỉnh điểm căng thẳng do làn sóng biểu tình gây ra đã xảy ra vào ngày 1-12 khi trung tâm thủ đô Paris bị những kẻ biểu tình quá khích chống lại lực lượng cảnh sát, đập phá cửa hàng và công sở, cướp bóc hàng hóa, đốt hàng chục xe ô tô và thùng rác nhựa ven đường… Ngay cả Khải Hoàn Môn - biểu tượng vinh quang của nước Pháp, cũng bị bôi bẩn với những khẩu hiệu phản đối chính phủ.

Sự hỗn loạn không chỉ giới hạn trên đại lộ Champs-Elysees mà còn lan ra các quận xung quanh. Bầu trời trung tâm Paris kín đặc khói đen do lựu đạn cay của cảnh sát và các đám cháy do người biểu tình đốt xe ô tô và hàng rào công trường trên đường phố. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên toàn nước Pháp, khoảng 75.000 người đã xuống đường biểu tình trong ngày 1-12 và bạo động cũng diễn ra ở một số TP khác như Lille, Rennes, Bordeaux và Marseilles.

“Áo vàng” không giống bất cứ phong trào nào được biết từ trước đến nay. Đây là một phong trào rất mới, không thuộc bất kỳ một đảng phái chính trị hay tổ chức công đoàn nào, không có người lãnh đạo mà hoàn toàn chỉ là tự phát thông qua các lời kêu gọi trên mạng xã hội để mọi người tham gia các cuộc biểu tình vào mỗi thứ bảy kể từ ngày 17-11.

Những người tham gia mặc áo gilê vàng phản quang. Phong trào này ban đầu chủ yếu phong tỏa các trục đường giao thông chính và đưa ra 3 yêu sách là giảm thuế nhiên liệu, cải thiện sức mua cho người dân và Tổng thống Macron từ chức.

Cuộc biểu tình lần thứ nhất vào ngày 17-11 đã thu hút 282.000 người trên khắp nước Pháp. Tuy nhiên các cuộc biểu tình tiếp theo vào các ngày 24-11 và 1-12 chỉ thu hút được 106.000 và 75.000 người, nhưng một số phần tử cực đoan đã lợi dụng phá rối, dẫn đến bạo động ở Paris và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Bruno Le Maire thừa nhận rằng các cuộc biểu tình đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế đất nước, khi các nhà phân phối hàng hóa đã thiệt hại doanh thu 35%, thậm chí một số cửa hàng doanh thu giảm tới 70%.

Phong trào "áo vàng" đã nhanh chóng mang màu sắc chính trị khi được nhiều lãnh đạo các đảng chính trị đối lập ủng hộ. Nổi bật là cựu Tổng thống Francois Hollande; bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN); ông Jean-Luc Melenchon - lãnh đạo đảng Nước Pháp bất khuất (LFI); ông Laurent Wauqiez - lãnh đạo đảng Những người Cộng hòa (LR); ông Jean Lassalle - lãnh đạo phong trào dân chủ "Chúng ta hãy kháng cự!" (Resistons!). Họ đã bày tỏ tình đoàn kết và khuyến khích những người “áo vàng” tiếp tục lên tiếng cho đến khi nào đạt kết quả và các yêu sách được đáp ứng.

Người biểu tình "áo vàng" làm loạn tại Khải Hoàn Môn. (Ảnh tư liệu)

Chính phủ Pháp xuống nước

Nhằm xoa dịu những người “áo vàng,” Chính phủ Pháp đã phải xuống nước và đang có nhiều nỗ lực để tìm giải pháp bù đắp cho việc thuế nhiên liệu tăng cao như giảm thuế nhà, không áp dụng phí đường trong nội đô, hoãn áp dụng thuế đối với xe tải… Tổng thống Macron ngày 27/11 đã có bài phát biểu về chiến lược năng lượng cho tương lai nhằm 2 mục tiêu: Thực hiện được chính sách đầy tham vọng của chiến lược năng lượng đến năm 2035 mà vẫn tránh được những phản kháng của xã hội.

Một số biện pháp chủ yếu được đưa ra như áp dụng cơ chế thuế tăng hoặc giảm thích ứng với tình hình biến động của giá dầu thô thế giới, tham khảo ý kiến người dân về chiến lược chuyển đổi năng lượng để tránh làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các vùng lãnh thổ, giảm tỷ trọng sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân xuống còn 50% vào năm 2035 thay vì 75% hiện nay, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với ngân sách đầu tư lên đến 7-8 tỷ euro mỗi năm…

Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng đề nghị Thủ tướng Edouard Philippe và Bộ trưởng Môi trường Francois de Ruggy tiếp các đại diện của phong trào “áo vàng” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.

Mặc dù Tổng thống Macron tỏ ra tự tin khi cho rằng "có thể biến sự tức giận thành giải pháp," nhưng bài phát biểu của ông không nhận được nhiều phản ứng tích cực. Theo báo chí Pháp, 81,7% số người được hỏi cho rằng bài phát biểu chưa đủ để xoa dịu sự tức giận của những người “áo vàng.”

Nhiều người cho rằng họ quan tâm đến việc "cuối mỗi tháng vẫn còn tiền tiêu" hơn là “sự tận thế của thế giới” do biến đổi khí hậu nếu không giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch làm tăng hiệu ứng nhà kính.

Chỉ có một số tổ chức công đoàn hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống là giữ vững mục tiêu về chuyển đổi năng lượng. Nhìn chung, dư luận cho rằng ông Macron đã không thuyết phục được ai, cả những người “áo vàng,” các hiệp hội bảo vệ môi trường cũng như phe đối lập. Họ cho rằng ông Macron mới chỉ đề cập được một vấn đề là nhiên liệu, nhưng không hề nhắc đến sự cải thiện sức mua của người dân.

Bản thân đảng Nền cộng hòa tiến bước của ông Macron cũng có những ý kiến bày tỏ thất vọng vì Tổng thống không có những thông báo rõ ràng về các biện pháp hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo giới phân tích, đây là một thời kỳ khó khăn với Chính phủ Pháp khi không có ai đứng ra làm trung gian hòa giải. Các đảng phái chính trị và các công đoàn đang bị mất uy tín nghiêm trọng. Bản thân phong trào “áo vàng” dù có số lượng ủng hộ đông đảo vẫn chưa thể tìm ra người đại diện hoặc phát ngôn viên chính thức. Chỉ có sự tức giận bùng nổ và bạo lực bao trùm lên mọi thứ. Câu hỏi làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay dường như chưa có lời giải đáp.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nuoc-phap-chao-dao-vi-phong-trao-ao-vang-129264.html