Nước ngầm đang 'ốm nặng'

Kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tại Hà Nội (do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia triển khai thực hiện, vừa được công bố hồi cuối tuần qua) có thể coi là cảnh báo màu cam đối với cư dân Thủ đô.

Theo đó, toàn thành phố Hà Nội có 16 tầng chứa nước, trong đó có 4 tầng chứa nước chính cần bảo vệ. Một số khu vực phía Nam thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa nước đã bị nhiễm mặn. Về khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước, ở các tầng khác nhau (trong 4 tầng cần bảo vệ), có hàng chục vùng với diện tích hàng ngàn km2 thuộc các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Hà Đông, Mê Linh, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Ba Vì và Sóc Sơn có khả năng tự bảo vệ thấp. Hàng trăm km2 thuộc vùng cạn kiệt nước dưới đất phân bố chủ yếu ở các khu vực: Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ…

Đáng lưu ý, cơ quan chuyên môn đã xác định 5 vùng ô nhiễm nước cao có nguyên nhân từ các nghĩa trang. Toàn thành phố Hà Nội hiện có gần 2.100 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang có diện tích lớn hơn 10 ha, loại hình an táng hỗn hợp là chủ yếu; có 420 bãi rác, bãi chôn lấp, trong đó có 3 bãi rác có diện tích lớn hơn 1 ha, 170 bãi rác được xây dựng kiên cố và có sử dụng lớp lót nền, còn lại là bãi rác có nền tự nhiên; có 2.628 nguồn xả nước thải chưa qua xử lý với lưu lượng xả thải 264.099m3/ngày.

Với sự phân bố, quy mô và tính chất của các nguồn thải nêu trên, căn cứ vào khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước, các chuyên gia địa chất thủy văn đã xác định 5 vùng có nguy cơ ô nhiễm cao đến nước dưới đất với diện tích 426km2; 3 vùng có nguy cơ ô nhiễm trung bình với diện tích 1.097km2; 3 vùng có nguy cơ ô nhiễm thấp với diện tích 3.268km2…

TPHCM cũng phải đối diện với những vấn đề tương tự. Qua các lần kiểm tra giám sát gần đây, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, kết quả xét nghiệm của gần một nửa số mẫ#u nước giếng của các hộ dân có độ pH thấp so với yêu cầu. Độ pH thấp làm tăng tính axit trong nước, làm ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm mau hỏng vải, quần áo khi giặt, gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, và có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da. Khoảng 10% số mẫu xét nghiệm có hàm lượng Amoni cao vượt giới hạn cho phép… Trong khi đó, gần 170.000 hộ dân ở các quận huyện tại TPHCM vẫn đang sử dụng nước giếng khoan, giếng đào làm nước sinh hoạt hàng ngày.

Ngay tại những đô thị đặc biệt của cả nước mà một trong những nhu cầu cơ bản của người dân - có đủ nước sạch để dùng – vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, kể cũng đáng buồn lắm thay!

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nuoc-ngam-dang-om-nang.aspx