Nước Nga trước thách thức khó lường của COVID-19

LB Nga đã trở thành quốc gia châu Âu thứ hai, sau Pháp, ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi trải qua ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, tới 24.822 ca vào ngày 21/11. Trên thực tế, đây là một mốc đáng lo ngại, song không quá bất ngờ với nhà chức trách LB Nga, vì kể từ ngày 6/11, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại LB Nga mỗi ngày đều trên 20.000, nhiều chuyên gia đã dự đoán tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này sẽ lên hơn 2 triệu trong tháng 11.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng ngày 21/11, trong vòng 24 giờ, tại LB Nga có 26.021 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 1.577.435 người. Đây là ngày thứ tư liên tiếp, LB Nga có số bệnh nhân xuất viện nhiều hơn số ca nhiễm mới được phát hiện. Như vậy, số bệnh nhân còn mắc COVID-19 thực tế tại LB Nga dao động ở mức khoảng 500.000 người và trong một thời gian dài, con số này không tăng vọt.

Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là số bệnh nhân tử vong mỗi ngày do COVID-19 ở LB Nga bắt đầu tăng lên, dù tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 1,73%. Ngày 21/11, số người tử vong do virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ ở Nga là 467, trong khi hai ngày 19 và 20/11 lần lượt là 463 và 461 người. Tới ngày 21/11, dịch COVID-19 đã cướp đi mạng sống của 35.778 người ở Nga.

Nhận định về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai ở “xứ sở Bạch Dương”, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng tình hình đại dịch ở nước này rất căng thẳng. Trong khi đó, người đứng đầu Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova đánh giá tình hình dịch COVID-19 rõ ràng đang xấu đi, song không có sự gia tăng bùng nổ ở các địa phương. Chuyên gia về vệ sinh dịch tễ của Nga nhấn mạnh nếu các biện pháp phòng dịch đã áp dụng tại các thực thể liên bang được người dân thực hiện nghiêm túc và vô điều kiện, Nga sẽ không cần phải thực hiện cách ly hay phong tỏa.

Mặc dù vậy, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới mỗi ngày liên tiếp tăng cao cũng gây ra những hệ lụy quá tải nhất định đối với hệ thống y tế của Nga. Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết đến ngày 18/11, khoảng 268.000 giường bệnh, tương đương 81% quỹ giường chuyên biệt cho các bệnh nhân COVID-19, đã lấp đầy. Nghiêm trọng hơn, tại 10 tỉnh, quỹ giường cho bệnh nhân sử dụng tới 90% và ở 3 tỉnh, con số này lên tới 95%. Không giống như thủ đô Moskva, nơi có cơ sở hạ tầng y tế vững vàng, tình trạng quá tải đã xuất hiện ở các thành phố như Vladivostosk, Irkurt, Ulyanovsks, nhiều nơi những vùng xa xôi tại khu vực Siberia và Viễn Đông.

Ngoài ra, trên toàn nước Nga, 85% hiệu thuốc không còn các loại thuốc nằm trong danh sách thiết yếu điều trị COVID-19. Việc đăng tải chi tiết các loại thuốc điều trị trên mạng xã hội đã khiến người dân đổ xô đi mua tại cửa hàng dược phẩm, dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt. Trong khi đó, các hãng dược phẩm lại không thể tăng cường sản xuất do gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thành phần thuốc từ Ấn Độ và Trung Quốc, vì đại dịch khiến nhu cầu toàn cầu tăng mạnh.

Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Moskva, Nga, ngày 4/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại LB Nga, mà cụ thể là ở thủ đô Moskva, nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày nhiều nhất toàn liên bang (hơn 7.000 ca ngày 21/11), liên tục ghi nhận những trường hợp đổ bệnh mà không có biểu hiện lâm sàng hoặc ở thể nhẹ, khiến người nhiễm thậm chí không kịp nhận ra mình bị ốm. Trong khi đó, Nga vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng Sputnik V, vaccine ngừa COVID-19 đã được Nga đăng ký lưu hành. Đây là vaccine do Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga phát triển và có tỷ lệ hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng lên tới 90%.

Một thách thức nữa chính là virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến thể khó lường. Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu và sức khỏe con người, bà Anna Popova, cho biết một số biến thể nhất định của chủng virus SARS-CoV-2 đang hình thành tại khu vực Siberia của nước này. Các nhà khoa học Nga đã xác định được những đột biến (không quá 1%) của bộ gene virus SARS-CoV-2, dù cho rằng các đột biến được xác định của virus này không làm tăng mức độ nghiêm trọng về lây nhiễm và các hệ thống xét nghiệm hiện có đều có thể phát hiện đột biến.

Bất chấp số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng, giới chức Nga vẫn chưa có ý định tái áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước như đã làm hồi đầu năm nay. Thay vào đó, Nga đưa ra các quy định nghiêm ngặt như đeo khẩu trang và găng tay, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội, trong khi một số khu vực áp dụng các biện pháp riêng phù hợp với tình hình địa phương.

Tuy vậy, với số ca nhiễm mỗi ngày ở mức cao, các thành phố lớn Moskva, St. Petersburg… đã phải áp đặt trở lại một số quy định cách ly và giãn cách xã hội, dù không quyết liệt như giai đoạn tháng 4, 5. Lãnh đạo các thành phố này hiểu rằng cách ly khiến cho kinh tế gặp khó khăn nhiều hơn, song vẫn bắt buộc phải làm.

Làn sóng COVID-19 thứ hai kéo dài tiếp tục khiến cho triển vọng nền kinh tế Nga thêm ảm đạm. Mới đây, một số chuyên gia kinh tế dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm từ 3,5-4% trong năm 2020 do đại dịch. Trong khi đó, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov đánh giá dịch COVID-19 đã kìm hãm sự phát triển của Nga tới một năm rưỡi. Theo ông, đại dịch đã làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội liên quan đến nạn thất nghiệp.

Một trong những khó khăn chính là thâm hụt ngân sách khổng lồ, khiến Nga nhiều khả năng sẽ phải trải qua giai đoạn thắt chặt chi tiêu thực tế. Riêng thủ đô Moskva ước tính thiệt hại khoảng 500 tỷ ruble (rúp) tương đương hơn 7 tỷ USD do ngân sách phải chi ra 250 tỷ ruble để phòng chống dịch bệnh và 250 tỷ ruble thất thu thuế.

Ở một đất nước rộng lớn nhất thế giới, trải dài ở cả châu Âu và châu Á như Nga, Chính phủ LB Nga và chính quyền 85 chủ thể liên bang vẫn đang phải đương đầu với những thách thức nhất định trong đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai, trước hết là để đảm bảo chẩn đoán kịp thời và điều trị cho các bệnh nhân. Các chuyên gia nhận định số lượng các ca mới nhiễm mới tăng cao cũng có thể là thời điểm dịch lên tới đỉnh. Bởi vậy, LB Nga cần tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19, kết hợp với những kinh nghiệm tích lũy được suốt từ tháng 3 đến nay trong điều trị COVID-19, bên cạnh “niềm hy vọng” là các loại vaccine đã và đang phát triển trong nước.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác của người dân. Khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát, tại Moskva, dường như người dân Nga đã có ý thức hơn nhiều trong việc tuân thủ các quy định phòng ngừa - đeo khẩu trang và găng tay khi đi phương tiện công cộng hay ở những nơi đông người. Thêm vào đó, các khoản tiền phạt lớn kết hợp với hình thức kiểm tra gắt gao cũng buộc người dân thủ đô phải ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình và cộng đồng. Đây được coi là nền tảng tốt để có thể hạn chế quy mô lây lan của virus SARS-CoV-2, từ đó giúp LB Nga sớm chế ngự được làn sóng dịch thứ hai khó lường này.

Duy Trinh (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nuoc-nga-truoc-thach-thuc-kho-luong-cua-covid19-20201121174433363.htm