Nước Mỹ và vòng luẩn quẩn bạo lực

Báo chí Mỹ thừa nhận tình trạng một nước Mỹ hỗn loạn, trong khi chuyên gia Nga chỉ ra vòng luẩn quẩn không lối thoát của cường quốc số một này.

Nỗi sợ “da trắng thượng đẳng”

Tờ The Hill của Mỹ cho biết nhóm cực hữu Proud Boys có một biểu ngữ mới: “Án binh chờ xem”. Động thái này diễn ra sau cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống diễn ra vào tối 29/9 vừa qua, trong đó ông Trump được cho là từ chối lên án những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và các nhóm dân quân.

Theo The Hill, Proud Boys ra đời năm 2016, tập hợp rộng khắp các đối tượng có định kiến, từ chủ nghĩa bài ngoại cho đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và suy nghĩ lệch lạc. Tuy nhiên, nhóm này đã che đậy sự cố chấp của mình bằng một ngôn ngữ tôn vinh các giá trị truyền thống và di sản phương Tây.

Các thành viên nhóm cực hữu Proud Boys tại Portland, bang Oregon

Các thành viên nhóm cực hữu Proud Boys tại Portland, bang Oregon

Thay vì lên án nữ quyền, nhóm kêu gọi “tôn trọng người nội trợ”. Nhóm này tuyên bố chống nạn phân biệt chủng tộc, nhưng bác bỏ "tội chống phân biệt chủng tộc" và cam kết "phục hồi tinh thần của chủ nghĩa Sô-vanh phương Tây", tự hào tuyên bố rằng “phương Tây là tốt đẹp nhất”.

Tờ báo Mỹ khẳng định Proud Boys đã thể hiện niềm tin của họ trên các đường phố Mỹ, lôi kéo các hành động bạo lực chống lại những người biểu tình bất đồng ý kiến với họ.

The Hill cho rằng phát biểu của Tổng thống Trump tại cuộc tranh luận tối 29/9 là một ví dụ mới nhất về “sự ve vãn” nguy hiểm của ông đối với các nhóm cực đoan cực hữu. Trong cả nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump bị cáo buộc đã luôn từ chối lên án các nhóm cực đoan cực hữu một cách dứt khoát.

Tờ báo Mỹ nhấn mạnh, bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào, được gây ra bởi bất kỳ nhóm theo hệ tư tưởng nào, đều đáng lo ngại sâu sắc và phải được tổng thống và bất kỳ ai trong chính phủ lên án mạnh mẽ. The Hill cho rằng cùng với việc tổng thống liên tục từ chối đảm bảo chuyển giao quyền lực hòa bình nếu ông thất cử, đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Tuần trước, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Trump rằng liệu ông có cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình hay không. Tất cả những gì Tổng thống trả lời là “Chúng ta hãy chờ xem”.

Tại cuộc tranh luận ngày 29/9, người dẫn chương trình Wallace hỏi một câu tương tự: “Ông sẽ kêu gọi những người ủng hộ ông giữ bình tĩnh trong thời điểm kiểm phiếu, không tham gia vào bất kỳ một cuộc bạo loạn dân sự nào chứ?".

Ông Trump không trả lời mà nói sẽ "kêu gọi những người ủng hộ đi bỏ phiếu và giám sát chặt chẽ tình hình”. Phát biểu này được đánh giá làm gia tăng quan ngại rằng tuyên bố của Tổng thống có thể được hiểu như một lời kêu gọi hăm dọa cử tri.

Tổng thống Mỹ D. Trump tại cuộc tranh luận ngày 29/9

Trên thực tế, ông Trump đã không ít lần ám chỉ khả năng sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới nếu ông thất bại.

Ngày 25/9, ông cho biết người Mỹ có thể sẽ không biết người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới trong vài tháng do tranh chấp về phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, tiếp tục những chỉ trích của ông nhắm vào phương thức bỏ phiếu mà có thể được một nửa số cử tri Mỹ sử dụng trong năm nay.

Phát biểu tại một cuộc tập hợp vận động tranh cử ở Newport News, bang Virginia, ông Trump nói ông muốn nhanh chóng biết được ông thắng hay thua, hơn là đợi các lá phiếu gửi đến qua đường bưu điện.

Ông Trump nói: "Tôi thích xem truyền hình và biết luôn người chiến thắng là ai, phải không? Bạn có thể sẽ không biết được trong mấy tháng bởi vì vụ này đang lộn xộn. Có khả năng bạn sẽ không được nghe xướng tên người chiến thắng vào đêm đó. Tôi có thể đang dẫn đầu và sau đó họ sẽ tiếp tục nhận được thêm phiếu bầu, thêm nữa và thêm nữa vì bây giờ họ đang nói là phiếu bầu có thể đến muộn".

Vòng luẩn quẩn của nước Mỹ

Trong một bài viết mới đây, trang mạng của kênh CNN đánh giá tình hình nước Mỹ trước bầu cử bằng cụm từ “Một quốc gia hỗn loạn”.

Theo đó, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố trên khắp cả nước Mỹ, khi đám đông xuống đường để phản đối cái chết của George Floyd vì bị cảnh sát thành phố Minneapolis ngộ sát. Và tất cả những điều này xảy ra trong lúc đại dịch virus Corona tiếp tục hoành hành và 1/4 số người Mỹ hiện đang thất nghiệp.

Đánh giá về tình hình nước Mỹ, chuyên gia Valery Garbuzov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, được Sputnik dẫn lời đưa ra nhận định rằng chính COVID-19 là nhân tố góp phần làm trầm trọng hóa tình trạng bất ổn hiện nay ở Mỹ, làm xấu đi vị thế của người da đen ở nước Mỹ.

Ông cho rằng giả sử không phải là vào lúc đang diễn ra đại dịch thì quy mô bất ổn sẽ không đến thế, mà sự cộng hưởng bạo loạn cũng không rộng lớn như vậy.

Nước Mỹ ám ảnh với các làn sóng biểu tình bạo lực hàng tháng qua

Chuyên gia Nga cũng chỉ ra “vòng luẩn quẩn” của nước Mỹ trong vấn đề người da màu dù đã nỗ lực giải quyết trong nhiều thập kỷ qua.

Chuyên gia Garbuzov nói: “Tức là nhà nước giúp đỡ các gia đình bằng nhiều chương trình xã hội khác nhau dành cho dân nghèo, trong khi người nghèo ở Mỹ về cơ bản là dân da màu. Và cứ thế, khiến số cư dân này quen với việc nhận trợ cấp của Chính phủ mà không cần làm gì để đáp lại.

Không ngẫu nhiên khi tại các khu ổ chuột đông đặc người thất nghiệp, gần như 100% mọi người không làm việc. Tại sao lại phải lao động, tại sao lại phải học hành, khi đã có nhà nước cho tiền- nhận thức chung của họ là như vậy”.

Ông Garbuzov cho rằng Mỹ đã tự đẩy mình vào “cái bẫy” để rồi phải cố thoát ra, nhưng không thể. Nỗ lực lớn nhất để thoát khỏi “cái bẫy” này từng do cựu Tổng thống Ronald Reagan thực hiện nhưng bất thành.

Chuyên gia Nga Garbuzov kết luận: “Do đó, tôi nghĩ rằng vấn đề này là câu chuyện truyền đời từ thế kỷ trước, là tàn tích dai dẳng của quá khứ, và nó vẫn là vấn đề của thế kỷ XXI. Tôi nghĩ nước Mỹ sẽ bước vào thế kỷ XXII với món hành lý cũ nặng nề không thể tháo bỏ”.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nuoc-my-va-vong-luan-quan-bao-luc-3420006/