Nước Mỹ và tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực

Washington sẽ điều một tàu chiến Hải quân đi qua Bắc Cực như là một sự cố gắng đạt được tham vọng vươn 'cánh tay' tới miền Bắc xa xôi, Bộ trưởng Hải quân Mỹ cho biết. Nhưng liệu Mỹ có đủ sức thách thức Nga?

Tàu chiến trên biển của Hải quân Mỹ. (Nguồn: Reuters).

Tham vọng của Mỹ ở Bắc Cực

Bắc Cực là mục tiêu mà Mỹ nhắm tới từ bao lâu nay, bởi đây được xem như là một đấu trường mới đầy tiềm năng cho các cuộc chiến trên chính trường.

Khi khí hậu trái đất thay đổi, băng tại Bắc Cực sẽ tan thành nước, hình thành một tuyến đường thủy có thể lưu thông, Washington rõ ràng đang có ý định thực hiện một phần kế hoạch phát triển kinh tế tại một khu vực có thể trở thành một tuyến giao thương đường biển lớn vào một ngày nào đó.

Mỹ sẽ gửi một tàu chiến Hải quân đến vùng biển Bắc Cực như một hoạt động tự do hàng hải, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer chia sẻ trên tờ Wall Street Journal.

Thực vậy, Hải quân Mỹ đã thực hiện các nhiệm vụ tương tự ở Biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Cho đến nay, điều đó đã không mang lại gì ngoài sự căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Washington dường như rất muốn sử dụng cách tiếp cận tương tự ở một khu vực khác.

Vấn đề ở đây là Mỹ muốn thách thức các đối thủ một lần nữa, vì đối với Mỹ, Nga và Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực. Vì vậy, các kế hoạch của Washington không chỉ giới hạn trong quyền tự do điều hướng mà còn liên quan đến việc triển khai quân đội đến căn cứ bỏ hoang Adak.

Nằm ở cuối quần đảo Aleutian cách biên giới Nga không xa, căn cứ này được sử dụng từ năm 1942 đến 1997. Hiện tại, Mỹ có kế hoạch gửi một số tàu và máy bay trinh sát P-8 Poseidon tới đó, theo Spencer.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Richard Spencer có thể là yêu sách táo bạo hơn so với kế hoạch hành động cụ thể. Nhiệm vụ dành cho Hải quân vẫn còn "trong giai đoạn đầu" và vẫn chưa được quyết định tàu nào sẽ được sử dụng và cảng nào nó sẽ ghé thăm trong nhiệm vụ này. Căn cứ cũ Adak cũng sẽ không được kích hoạt trở lại.

Căn cứ hải quân ngừng hoạt động Adak đã được Tập đoàn tư nhân Aleut tiếp quản vào năm 2003, nó được thành lập để giải quyết các yêu sách của người bản địa Alaska chống lại chính phủ liên bang. Hải quân Mỹ hiện đang đàm phán với công ty này về số phận của căn cứ, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer cho biết thêm.

Tuy nhiên, Tập đoàn Aleut không đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Tàu hạt nhân 50 Let Pobedy, một trong ba tàu phá băng hộ tống tàu chở dầu dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc của Nga. (Nguồn: Sputnik).

Liệu Mỹ có đủ sức thách thức Nga?

Ông Spencer cho rằng, mục đích của Mỹ là phù hợp khi tầm ảnh hưởng của Nga ở khu vực Bắc Cực đang gia tăng. Nga đang sử dụng một hạm đội tàu phá băng khổng lồ, bao gồm năm tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và khoảng 30 tàu phá bcng diesel. Ba tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới, cái được chế tạo để trở thành những con tàu "lớn nhất và mạnh nhất" trên thế giới dự kiến sẽ gia nhập hạm đội của Nga trong những năm tới.

Ngoài ra, Nga cũng đang chế tạo các tàu tuần tra đa năng mới để triển khai tại Bắc Cực. Cái đầu tiên trong số này dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Nga vào năm 2020.

Gần đây, Trung Quốc, một đối thủ khác của Mỹ cũng đã nhắm đến Bắc Cực bằng động thái chế tạo tàu phá băng sản xuất trong nước đầu tiên.

Trong khi đó, Washington vẫn chỉ sở hữu một tàu phá băng hạng nặng. Tuy nhiên, các thành viên thủy thủ đoàn, được ủy nhiệm vào năm 1976, gọi nó là một "thùng rỉ sét". Mặc dù chính cựu Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố sẽ thu hẹp "khoảng cách tàu phá băng" với Nga vào đầu năm 2015, nhưng tình hình đã không thực sự thay đổi kể từ đó.

Ngoài ra, còn chưa kể đến các cơ sở quân sự độc đáo của Nga ở Bắc Cực, bao gồm các hệ thống radar và các căn cứ quân sự lâu dài, tự trị. Đặc biệt là căn cứ quân sự mang tên Arctic Shamrock nằm ở tọa độ 80 độ phía Bắc đường Xích đạo, cho phép tới 150 người sống và làm việc trong 18 tháng mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Một căn cứ tương tự được gọi là Severny Klever (Cỏ ba lá phía Bắc), nằm trên vĩ tuyến 75 ở phía Bắc trên đảo Kotelny, thuộc quần đảo New Siberia.

"Hiện nay, Mỹ đang thiếu các nguồn lực để nắm giữ quyền kiểm soát ở Bắc Cực", Vladimir Bruter, chuyên gia Viện nghiên cứu chính trị và nhân đạo quốc tế, nói với RT. Trên thực tế, Washington có thể không tranh giành quyền thống trị ở Bắc Cực nhưng thay vào đó tìm cách làm hỏng “trò chơi” của các đối thủ.

Mỹ rõ ràng đang lo ngại rằng Nga có thể bắt đầu sử dụng thương mại toàn diện trên Tuyến đường biển phía Bắc của mình, điều này được coi là bất lợi đối với lợi ích kinh tế của Mỹ. Mỹ sẽ cố gắng chỉ ra rằng tuyến đường vận chuyển này "không an toàn", ông Bruter cảnh báo.

Washington "liên tục tìm cách khiêu khích Nga, để tìm kiếm phản ứng thái quá. Bất kỳ phản ứng nào sẽ được coi là mối đe dọa" và sau đó được sử dụng để định hình chính sách của Mỹ, chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, Tuyến đường biển phía Bắc - nơi mà Mỹ dường như đang có kế hoạch điều tàu hải quân của mình tới - đi dọc theo bờ biển của Nga và qua vùng lãnh hải của Nga được quốc tế công nhận, cho phép chính quyền Nga đặt ra các quy tắc cho tàu thuyền đi qua. Nga cũng là quốc gia duy nhất có khả năng hỗ trợ kỹ thuật cho bất kỳ tàu nào đi qua khu vực đó trong trường hợp khẩn cấp, do đó, Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì "tự do hàng hải" ở đó mà không có sự trợ giúp của Nga.

Trong khi đó, Nga đã cập nhật các quy tắc điều hướng đối với các tàu chiến của các quốc gia khác đang cố gắng đi dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc. Từ năm 2019, việc đi qua tuyến đường này sẽ phải gửi thông báo trước tới Bộ Quốc phòng Nga, do đó Mỹ có thể sẽ phải thay đổi kế hoạch của mình.

Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/nuoc-my-va-tham-vong-mo-rong-tam-anh-huong-tai-bac-cuc-tintuc427733