Nước Mỹ trước yêu cầu hàn gắn

Vụ bạo loạn xảy ra tại Điện Capitol, nơi Quốc hội Mỹ họp xác nhận kết quả bầu cử hôm 6-1 đã khiến nước Mỹ chấn động và cả thế giới sửng sốt. Vụ bạo loạn nhanh chóng được dập tắt, nhưng đã để lại hậu quả xấu về nhiều mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Những người được cho là ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol khi lưỡng viện đang họp để xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Họ đập phá đồ đạc và đụng độ với cảnh sát Capitol khiến 4 người chết. Đây là một trong những sự cố an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, xảy ra sau khi ông Trump kêu gọi người ủng hộ mình “tiến về thủ đô” để ngăn cản việc xác nhận chiến thắng của đối thủ.

Điện Capitol là một trong những biểu tượng chính trị thiêng liêng nhất của nước Mỹ, được cả thế giới tôn trọng như một dấu chỉ của nền dân chủ lớn nhất thế giới. Chính vì thế, vụ bạo loạn hôm 6-1 được giới bình luận ví như một “cú đấm” vào uy tín nước Mỹ, “cú đấm” vào nền dân chủ và tự do, vốn là niềm tự hào của nước Mỹ. Nó khiến những người Mỹ chân chính cảm thấy bị xúc phạm và không thể chấp nhận được.

 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden.

Các chính khách Mỹ và thế giới đã lên tiếng phê phán, lên án vụ bạo loạn. Các cựu Tổng thống như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama gọi vụ bạo loạn là “điều đáng xấu hổ”, là “nỗi hổ thẹn” cần phải chấm dứt ngay. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, lãnh đạo các nước châu Âu, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đã lên tiếng kêu gọi người Mỹ “bình tĩnh” và tôn trọng kết quả bầu cử.

Nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ trong Quốc hội và ngay cả một số thành viên đảng Cộng hòa cũng đã kêu gọi truy tố và phế truất Tổng thống Trump do đã có hành động kích động người ủng hộ mình biểu tình gây bạo loạn. Các tờ báo lớn của Mỹ cũng kêu gọi phế truất Tổng thống. Câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trump có thể bị truy tố hay bị phế truất với tuyên bố “không thích hợp cho chức vụ” hay không và phế truất bằng cách nào?

Theo giới phân tích, có 2 cách để phế truất Tổng thống Mỹ: thứ nhất là Tu chính án số 25 của Hiến pháp Mỹ và thứ hai là tổ chức phiên luận tội sau khi Thượng viện Mỹ cáo buộc Tổng thống phạm tội. Trong cả hai trường hợp, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ là người nắm quyền tạm thời cho đến khi Tổng thống vừa đắc cử Joe Biden nhậm chức.

Tu chính án số 25 được ban hành năm 1967 nhằm xử lý tình huống cần thay thế tổng thống do không thể tiếp tục đảm đương nhiệm vụ. Điều 4 của Tu chính án này đề cập việc một tổng thống không thể làm tròn nhiệm vụ nhưng không tự nguyện từ chức. Tình huống áp dụng là khi tổng thống mất năng lực hành vi do mắc bệnh tâm thần hay bệnh lý khác. Một số chuyên gia lập luận rằng Tu chính án 25 có thể áp dụng rộng rãi hơn, kể cả với trường hợp một tổng thống không thích hợp cho chức vụ.

Để kích hoạt Tu chính án số 25, Phó Tổng thống Pence và đa số nội các Chính phủ Mỹ cần phải ra tuyên bố rằng Tổng thống Trump “không thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tổng thống” và phế truất ông. Sau đó ông Trump có thể tuyên bố rằng mình “có khả năng đảm nhiệm lại nhiệm vụ”.

Nếu ông Pence (Phó Tổng thống kế vị đương nhiên) và đa số nội các không phản đối, ông Trump sẽ được phục hồi chức vụ. Nếu ông Pence và đa số nội các phản đối, vấn đề sẽ do Quốc hội quyết định. Ông Pence vẫn sẽ đảm nhận quyền tổng thống cho đến khi có quyết định của Quốc hội.

Người biểu tình ủng hộ ông Trump tràn vào quậy phá Điện Capitol.

Trong trường hợp bạo loạn hôm 6-1 do lời kích động của ông Trump, ông có thể bị luận tội và phế truất. Quy trình luận tội bắt đầu từ Hạ viện, với phiên họp để đưa ra lời buộc tội đối với tổng thống, tội danh có thể là “tội phạm cấp cao và hành xử sai trái”. Nếu Hạ viện đồng ý buộc tội tổng thống, gọi là “các điều khoản luận tội”, quy trình sẽ tiếp tục với việc Thượng viện tổ chức phiên xét xử để xác định tội danh của tổng thống. Hiến pháp Mỹ đòi hỏi phải có 2/3 phiếu Thượng viện để buộc tội và phế truất tổng thống.

Ông Trump đã từng bị Hạ viện luận tội một lần vào tháng 12-2019 với cáo buộc lạm dụng quyền hành và cản trở Quốc hội trong vụ việc ông gây áp lực buộc Ukraine điều tra ông Biden và con trai ông. Tháng 2-2020, ông Trump được trắng án tại phiên tòa Thượng viện khi đó do đảng Cộng hòa kiểm soát. Bây giờ, với vụ bạo loạn trên đồi Capitol do ông kích động, ông Trump có thể bị luận tội lần 2.

Về mặt pháp lý là thế nhưng trên thực tế giới phân tích cho rằng, liệu có cần thiết luận tội và phế truất Tổng thống Trump hay không, khi mà nhiệm kỳ của ông cũng đang dần khép lại, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa thôi. Việc phế truất một Tổng thống Mỹ ngay trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ có vẻ không mang nhiều ý nghĩa, chỉ là hình thức và có tính “lịch sử” hơn là một động thái quyết định thay đổi cục diện chính trị.

Cuộc biểu tình bạo loạn đã làm gián đoạn phiên họp lưỡng viện Quốc hội vài tiếng đồng hồ nhưng không thể làm thay đổi được gì. Ngày 7-1, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao và một loạt quan chức, cố vấn Nhà Trắng đã từ chức hoặc bị sa thải do có liên quan đến vụ người biểu tình bạo loạn. Đây là dấu hiệu đáng ngại của một “triều đại” sắp kết thúc nhưng theo cách không mấy tốt đẹp. Trong khi đó, sau khi Phó Tổng thống Pence tuyên bố xác nhận kết quả ông Biden thắng cử vào sáng sớm 7-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump lại thông báo rất “lịch sự” rằng “sẽ có sự chuyển giao trong trật tự” vào ngày 20-1.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nuoc-my-truoc-yeu-cau-han-gan-626962/