Nước Mỹ trong cơn sốt xổ số!

Cả tuần nay nước Mỹ lên cơn sốt vé xổ số! Tại các cửa hàng tạp hóa, dòng người xếp hàng mua vé số càng lúc càng đông; ai cũng nghĩ mình sắp may mắn 'ẵm' giải đặc biệt của hãng xổ số Mega Millions (một trong vài hãng xổ số của Mỹ) mà giá trị đã lên tới 1,6 tỉ đô la, vượt kỷ lục 1,58 tỉ đô la của vé số Powerball có 3 người cùng trúng vào tháng 1-2016.

Khi cơ hội vươn lên ít dần đi, người Mỹ tìm tới vận may của tờ vé số. Ảnh: WP

Đối thủ cạnh tranh của Mega Millions là hãng Powerball cũng đã tăng liên tục giá trị giải thưởng để thu hút người chơi. Sau đợt xổ số tối thứ Bảy 20-10 mà không có người trúng giải đặc biệt, giá trị giải thưởng cao nhất của Power Ball trong tuần này cũng đã lên tới 620 triệu đô la Mỹ.

Người Mỹ vốn không có máu đỏ đen như nhiều sắc dân châu Á, nhưng vì sao hiện nay lại có nhiều người trông vào sự may rủi để “đổi đời”? Theo các nhà kinh tế học, hiện tượng bùng nổ xổ số ở Mỹ có gốc rễ từ sự phân hóa giàu-nghèo quá lớn trong xã hội, sự bế tắc khi tìm cơ hội vươn lên, cũng như từ những thủ đoạn hấp dẫn đám đông của các công ty xổ số.

Theo một nghiên cứu đăng trên The Washington Post, trò chơi xổ số trúng thưởng xuất hiện lần đầu ở bang New Hampshire năm 1964 với giá trị cao nhất, cố định, cho giải đặc biệt là 100.000 đô la Mỹ (tương đương 815.000 đô la hiện nay); nhưng trong một thời gian dài, trò chơi này không thu hút được nhiều người tham gia. Đến năm 1978, công ty xổ số bang Massachusetts bắt đầu giới thiệu kiểu chơi mới, gọi là lotto, mỗi vé số có 6 cặp số, từ số 1 đến 49. Vé trúng giải đặc biệt là vé có 6 cặp số trùng với kết quả đợt mở số. Nếu đợt xổ số nào không có người trúng giải đặc biệt thì tiền thưởng sẽ được dồn vào đợt kế tiếp, nghĩa là giá trị tiền thưởng giải đặc biệt sẽ tăng lên mãi cho đến khi nào có người trúng. Sau vài năm phát triển sang thập niên 1980, trò chơi xổ số kiểu lotto bắt đầu bùng nổ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự bùng nổ của lotto trong thập niên 1980 trùng hợp, hoặc được kích hoạt, bởi quá trình phân hóa giàu-nghèo trong xã hội Mỹ. Nước Mỹ có thời được coi là miền đất cơ hội, ai cũng có thể kỳ vọng có được một cuộc sống đầy đủ, có phẩm giá, miễn đừng lười biếng hay nghiện ngập. Nhưng từ năm 1980, kinh tế chuyển mạnh sang dịch vụ, sản xuất công nghiệp bị thu hẹp dần rồi chuyển ra nước ngoài, đã làm cho nước Mỹ bị phân hóa thành những tầng lớp giàu và nghèo. Hố ngăn cách giàu nghèo lớn tới mức ở bất kỳ thành phố nào đều có thể thấy nhan nhản những người vô gia cư sống lay lắt trên các vỉa hè trước những tòa dinh thự bóng lộn.

Không còn nhiều cơ hội để đi lên bằng sức lao động, kể cả lao động trí óc, người ta bắt đầu tìm tới vận may của tờ vé số với hy vọng nếu trúng số họ sẽ đổi đời, trong một lúc biến thành người giàu, được đặt chân vào cuộc sống thượng lưu mà những ông chủ phố Wall hay Hollywood đang hưởng.

Các công ty xổ số, từ đó, phải làm sao cho giá trị giải thưởng ngày càng to lên, nếu không muốn bị rơi vào tình cảnh người chơi “chán ngấy” mà quay lưng với xổ số. Cách thức đầu tiên của họ là sáp nhập nhiều công ty xổ số cấp bang vào nhau. Năm 1985, ba bang nhỏ vùng Đông Bắc New Hampshire, Vermont và Maine liên kết với nhau lập ra Tri-State Lottery, vé số do tập đoàn này phát hành được bán ở cả ba bang. Cách làm của Tri-State Lottery kích thích các bang khác. Năm 1987, thủ đô Washington DC hợp tác với sáu bang lân cận lập ra Multi-State Lottery Association (MUSL) và phát hành vé số Lotto America. Đến năm 1992, MUSL kết nạp thêm chín bang nữa và đổi vé số Lotto America thành Powerball - cái tên dùng tới bây giờ, và giá trị giải thưởng nhiều khi vượt quá 100 triệu đô la. Mega Millions được thành lập năm 1996 với 44 bang tham gia làm thành viên. Và từ đó, Mega Millions và Powerball bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành giật những đồng đô la lẻ từ những người nuôi hy vọng vào cuộc đổi đời.

Cách thứ hai thu hút người chơi là tăng số tiền thưởng và muốn vậy thì phải làm cho trò chơi trở nên khó hơn, ít người trúng giải đặc biệt hơn. Năm 2015 Powerball thay đổi luật chơi và ngay năm sau đó đã có người trúng giải đặc biệt giá trị 1,58 tỉ đô la, phá vỡ mọi kỷ lục. Sự thay đổi này làm người chơi có nhiều cơ hội hơn để trúng các giải phụ, giá trị từ 2 đô la đến 1 triệu đô la, nhưng khó trúng giải đặc biệt hơn. Xác suất trúng giải đặc biệt theo luật cũ là 1 trong 258 triệu, còn hiện nay là 1 trong 303 triệu cơ hội.

Dân gian có câu: “Khi chính trị rối ren thì đĩa bay xuất hiện, khi kinh tế khó khăn thì vé số lan tràn”. Hiện tượng bùng nổ xổ số ở Mỹ hiện thời là một dấu hiệu, không phải báo trước sự khó khăn của nền kinh tế Mỹ nói chung mà là đời sống kinh tế ngày càng khó khăn của người lao động Mỹ, sự bế tắc trong việc tìm cơ hội để đi lên.

Nhưng với chính phủ Mỹ, xổ số là một hình thức tăng thu ngân sách hữu hiệu. Theo số liệu của hiệp hội các công ty xổ số Mỹ, trong năm tài chính kết thúc ngày 30-9 vừa qua, ngành xổ số thu được 77,7 tỉ đô la, tăng 5 tỉ so với năm 2017 nhưng chưa bằng con số 80 tỉ đô la năm 2016.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280642/nuoc-my-trong-con-sot-xo-so-.html