Nước Mỹ trở lại!

Tuyên bố trên được ông Joe Biden (ảnh) đưa ra trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao quan trọng đầu tiên trên cương vị tổng thống, kèm theo đó là lời hứa về tầm nhìn chiến lược mới sau kỷ nguyên mà ông cho là 'phiến diện' dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Ảnh: CNN

Theo giới quan sát, vai trò cường quốc số 1 thế giới mà Mỹ mặc nhiên được thừa nhận trong 100 năm qua đang chịu nhiều thách thức khi Washington suốt 4 năm trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump liên tiếp hục hặc với đồng minh và lần lượt rút khỏi các liên minh toàn cầu. Ðặc biệt sau mùa bầu cử tổng thống năm 2020, việc ông Trump không thừa nhận thua cuộc và vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội hôm 6-1 càng khiến các đồng minh lẫn đối thủ nghi ngờ về nền dân chủ Mỹ.

Trong nỗ lực trấn an đối tác nước ngoài và thuyết phục người Mỹ về giá trị cách tiếp cận quốc tế mạnh mẽ, Tổng thống Biden ngay từ khi nhậm chức đã đảo ngược hàng loạt chính sách của người tiền nhiệm nhằm “sửa chữa” những gì mà ông coi là “thiệt hại” đối với vị thế của xứ cờ hoa trên trường quốc tế. Phát biểu tại Bộ Ngoại giao hôm 4-2, nhà lãnh đạo 79 tuổi tiếp tục đưa ra cam kết về đường hướng đối ngoại khác biệt để đưa nước Mỹ tiến lên và lần nữa dẫn đầu.

Trước đó, chính quyền Biden đã bày tỏ quan tâm tới việc trở lại bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran và gia hạn tư cách thành viên của Mỹ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như Tổ chức Y tế Thế giới. Trong diễn văn mới đây, Tổng thống Biden tiếp tục nêu ra mục tiêu khôi phục chủ nghĩa đa phương, xây dựng lại các liên minh quốc tế bị “phá hoại” bởi cách tiếp cận đơn phương theo sách lược “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump từng áp dụng. Trong đó, ông Biden nhấn mạnh mối quan hệ liên minh là tài sản lớn nhất của Washington, rằng dẫn đầu bằng ngoại giao đồng nghĩa với việc một lần nữa sánh vai với các đồng minh và đối tác quan trọng.

Bên cạnh nỗ lực tái thiết quan hệ liên minh, ông Biden trong tín hiệu đáng chú ý đã phát đi thông điệp thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tuyên bố đã đến lúc Mỹ chấm dứt việc phớt lờ những động thái “gây hấn, can thiệp bầu cử, tấn công mạng, đầu độc công dân của mình” từ Mát-xcơ-va. Kèm theo tuyên bố này là cảnh báo của người đứng đầu Nhà Trắng về “tham vọng ngày càng tăng” từ Trung Quốc. Theo ông Biden, Bắc Kinh là “đối thủ nặng ký nhất” của Washington và chính quyền mới kiên quyết chống lại hành vi “lạm dụng kinh tế, hung hăng cưỡng ép nước khác, tấn công nhân quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ và tham vọng kiểm soát toàn cầu” từ Trung Quốc. Dù vậy, ông để ngỏ khả năng hợp tác với cường quốc châu Á trong một số lĩnh vực vì lợi ích cộng đồng, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu.

Về tình hình Trung Ðông, Tổng thống Biden tuyên bố chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ cho cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen. Song, các hoạt động củng cố phòng thủ cho Riyadh trước các lực lượng do Iran hậu thuẫn vẫn được duy trì. Tách Washington khỏi Riyadh là một trong những quyết định dễ thấy nhất về việc đảo ngược chương trình nghị sự của ông Trump, theo Hãng tin Guardian.

Một sự thay đổi rõ rệt khác trong chính sách đối ngoại của ông Biden so với người tiềm nhiệm là vấn đề di cư. Theo đó, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ nâng hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn lên tới 125.000 người trong tài khóa đầu tiên của nhiệm kỳ, cao hơn nhiều so với mức 15.000 người mà cựu Tổng thống Trump phê chuẩn. Ông cũng cam kết bảo vệ quyền của người LGBTQ trên toàn thế giới.

Tạm dừng quyết định cắt giảm binh sĩ tại Ðức

Ngày 4-2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Joe Biden sẽ công bố một cuộc rà soát toàn cầu về tình trạng phân bổ của lực lượng quân sự Mỹ và đóng băng mọi hoạt động rút quân khỏi Ðức cho đến khi có quyết định tiếp theo.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút gần 12.000 lính Mỹ khỏi Ðức nhằm trừng phạt nước này đối với những đóng góp hạn chế cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nuoc-my-tro-lai--a130156.html