Nước Mỹ trở lại Hiệp định khí hậu Paris

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư đã đưa nước Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trọng tâm của một loạt các lệnh hành pháp nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Chính quyền Biden cũng xem xét tất cả các hành động của cựu Tổng thống Donald Trump trong việc làm suy yếu các biện pháp bảo vệ chống biến đổi khí hậu như thu hồi giấy phép quan trọng đối với dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL của công ty TC Energy từ Canada và lệnh cấm các hoạt động khai thác dầu khí ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Bắc Cực.

Các mệnh lệnh của tân Tổng thống mới nhậm chức sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng đảo ngược chính sách lớn đối với quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, sau khi chính quyền cũ bỏ ngoài tai vấn đề khí hậu và rút lại các quy định về môi trường để tối đa hóa sự phát triển nhiên liệu hóa thạch.

Ông Biden đã hứa sẽ đưa Mỹ đi theo hướng giảm phát thải ròng vào năm 2050 để phù hợp với việc mục tiêu cắt giảm toàn cầu mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, sử dụng hạn chế nhiên liệu hóa thạch và đầu tư lớn vào năng lượng sạch.

Tuy nhiên, con đường này sẽ không dễ dàng, với sự chia rẽ chính trị ở Mỹ, sự phản đối từ các công ty nhiên liệu hóa thạch và các đối tác quốc tế.

John Podesta, cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama, người đã giúp xây dựng Thỏa thuận Paris 2015, cho biết: “Chúng ta đã đi chệch hướng trong 4 năm qua với một người bác bỏ vấn đề khí hậu trong Phòng Bầu dục. Chúng ta đang bước vào trường quốc tế với sự thâm hụt tín nhiệm".

Ông Biden cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét sửa đổi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho xe cộ và hạn chế phát thải khí mê-tan, đồng thời nghiên cứu khả năng mở rộng lại ranh giới của các vườn quốc gia, vốn đã bị chính quyền Trump giảm bớt diện tích.

Trong khi những người ủng hộ môi trường vui mừng trước lệnh này, các ngành công nghiệp và những giới bảo thủ lại không hề thích thú.

Thống đốc bang Alaska Mike Dunleavy đã chế nhạo quyết định của Biden về việc đóng cửa công việc khai thác dầu và khí đốt ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Bắc Cực nhằm thực hiện lời hứa "biến Alaska thành một công viên quốc gia lớn”.

Trong khi đó, Viện Dầu khí Mỹ - nhóm vận động hành lang ngành dầu khí hàng đầu của Mỹ, cho biết họ tin rằng việc chặn đường ống dẫn dầu Keystone XL là một “bước lùi”.

“Động thái sai lầm này sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế của Mỹ, phá hoại an ninh năng lượng của Bắc Mỹ và làm căng thẳng mối quan hệ với một trong những đồng minh lớn nhất của Mỹ”, Chủ tịch Mike Sommers chỉ ra.

Bắc Hiệp

Theo Reuters

Bắc Hiệp

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/nuoc-my-tro-lai-hiep-dinh-khi-hau-paris-post102563.html