Nước Mỹ đứng trước tuần 'buồn nhất'

Các quan chức cao cấp của Mỹ ngày 5/4 đồng loạt cảnh báo người Mỹ phải chuẩn bị tinh thần cho 'tuần khó khăn, đau buồn nhất' trong đời họ, khi số ca tử vong sẽ còn tăng lên.

 “Đây sẽ là thời khắc Trân Châu Cảng của chúng ta, thời khắc 11/9 của chúng ta”, Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams nói với truyền thông Mỹ. “Đây sẽ là thời khắc khó khăn nhất trong cả cuộc đời của nhiều người Mỹ, và cần phải nhìn ra rằng nếu chúng ta muốn đường đồ thị dịch bệnh đi ngang (thay vì tăng vọt), và sang được bên kia đường đồ thị, mọi người cần phải góp phần của mình”. Ảnh: AP.

“Đây sẽ là thời khắc Trân Châu Cảng của chúng ta, thời khắc 11/9 của chúng ta”, Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams nói với truyền thông Mỹ. “Đây sẽ là thời khắc khó khăn nhất trong cả cuộc đời của nhiều người Mỹ, và cần phải nhìn ra rằng nếu chúng ta muốn đường đồ thị dịch bệnh đi ngang (thay vì tăng vọt), và sang được bên kia đường đồ thị, mọi người cần phải góp phần của mình”. Ảnh: AP.

Cảnh báo trên cũng đến từ chuyên gia hàng đầu của chính phủ về dịch Covid-19, Anthony Fauci (đang ngồi, tóc bạc). “Tôi không dám nói là chúng tôi đang kiểm soát được tình hình. Nói vậy là sai. Chúng tôi đang chật vật để kiểm soát”, ông nói trên truyền hình. “Tuần sau sẽ tồi tệ, sẽ gây sốc với mọi người... nhưng phải xảy ra như vậy rồi tình hình mới có thể cải thiện”.

Gia đình ôm lấy bác sĩ đang điều trị cho con mình ở bang Iowa. Ông Anthony Fauci nói số người nhiễm virus không triệu chứng có thể lên tới 50%, cao hơn nhiều so với ước tính 25% của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần trước. “Vào khoảng giữa 25-50%”, ông Fauci phát biểu, nhưng cũng nói giới khoa học chưa thống nhất. Ông hy vọng số ca mới sẽ sớm “bình ổn”, nhưng cũng thừa nhận khó có thể dập tắt được virus trong năm nay.

Đại lộ Park không còn xe cộ ở thành phố New York, tâm dịch của nước Mỹ. Tại thành phố này, số ca tử vong trong ngày đã giảm nhẹ, cùng với số ca mới phải điều trị tích cực và số bệnh nhân phải đặt ống thở. Nhưng Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo “còn quá sớm để nói được” về ý nghĩa của những con số này. Ảnh: Getty Images.

Một nhân viên y tế ngồi trên ghế gần công viên Central Park, New York, ngày 30/3. Các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế mà hãng tin AP tiếp cận được cho thấy phải tới giữa tháng 3, chính quyền liên bang mới bắt đầu đặt số lượng lớn khẩu trang N95, máy thở và đồ bảo hộ y tế - hơn hai tháng sau khi có dấu hiệu về dịch bệnh ở Vũ Hán. Đây là bằng chứng mới nhất về sự lúng túng, thiếu chuẩn bị của chính quyền. Ảnh: Reuters.

Trẻ em chơi trên phố ở Matawan, bang New Jersey ngày 1/4 mà không phải lo xe cộ đi lại. Ảnh: Reuters.

Người đứng đợi bên ngoài siêu thị ở Medford, bang Massachusetts ngày 4/4, tuân thủ việc giữ khoảng cách. Ảnh: Reuters.

Trái: Dòng chữ “New York yêu các bác sĩ & y tá” dán trên hộp sắt trên phố. Phải: Chữ treo bên ngoài một ngôi nhà ở California ngày 5/4, cảm ơn những người đang chiến đấu chống đại dịch. Ảnh: AP & NBC News.

Cửa sổ khách sạn InterContinental ở San Francisco được chiếu sáng tạo hình trái tim ngày 1/4. Ảnh: Getty Images.

Tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới chiếu sáng màu đỏ, trắng, xanh lam, giống quốc kỳ của Mỹ, để ủng hộ nỗ lực chống đại dịch, vào ngày 30/3. Ảnh: Reuters.

Bang Texas ngày 5/4 lập chốt chặn kiểm tra y tế ở ranh giới với bang Louisiana, nơi đang có số ca nhiễm tăng chóng mặt. Bang Texas trước đó đã yêu cầu người tới từ Louisiana, cùng hàng loạt thành phố và bang khác, phải cách ly 14 ngày. Ảnh: AP.

Thống đốc bang Colorado khuyến khích người dân của bang đeo khẩu trang khi ra ngoài. Theo New York Times, để làm gương kêu gọi người dân, các chính khách cấp địa phương và tiểu bang trên khắp nước Mỹ bắt đầu đeo khẩu trang trước ống kính, trái ngược với Tổng thống Trump - ông tuyên bố sẽ không đeo. Cơ quan phòng dịch Mỹ (CDC) vừa ra hướng dẫn người dân nên đeo đồ che mặt khi đi ra ngoài. Ảnh: AP.

Gia đình của Anthony Schilizzi, 75 tuổi, phải giữ khoảng cách trong đám tang ông ở quận Staten Island, thành phố New York, sau khi ông qua đời vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Kim Collins, người sáng lập một tổ chức chăm sóc thai sản, may khẩu trang tại nhà ở South Orange, bang New Jersey. Bà nằm trong nhóm 365 tình nguyện viên may khẩu trang trong khu vực. Các nhóm tình nguyện may khẩu trang quyên góp cho bệnh viện ở Mỹ đã xuất hiện khắp trên mạng Internet. Ảnh: Getty Images.

Một em bé 4 tuổi là người nhập cư bất hợp pháp người Honduras ở bên cửa sổ tại Mineola, bang New York ngày 30/3. 9 người nhập cư trong căn nhà này đang tự cách ly vì bị nhiễm Covid-19. Những người không giấy tờ như họ đang gặp khó khăn vì không có trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế, và lo sợ bị trục xuất nếu tìm đến chính quyền. Ảnh: Getty Images.

Một nhân viên giao hàng đi xe đạp qua một vỉa hè, mà ai đó đã viết phấn chữ “Cảm ơn những người giao hàng”, ở thành phố New York ngày 1/4. Ảnh: AP.

Biểu cảm của một nhân viên y tế Bệnh viện Elmhurst sau khi bước ra từ phòng cấp cứu, ngày 4/4. Ảnh: AP.

Nhân viên y tế đang đợi để chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 khỏi Bệnh viện Brooklyn ngày 31/3. Nhà xác các bệnh viện ở New York đã quá tải và thi thể phải được chuyển tới các xe đông lạnh. Ảnh: Getty Images.

Elizabeth Schafer, 36 tuổi, tình nguyện viên từ Nam St. Paul, bang Minnesota, chụp ảnh trước khi vào Bệnh viện Beth Israel Mount Sinai ở New York, trong ngày thứ hai tới đây làm việc. Ảnh: AP.

Người đeo khẩu trang đi bộ dọc phố Main Street ngày 1/4 tại khu Flushing của quận Queens, thành phố New York. Ảnh: AP.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-my-dung-truoc-tuan-buon-nhat-trong-doi-nhu-khung-bo-119-post1069465.html