Nước Mỹ đối phó với 'virus kỳ thị' người gốc Á

Sự bất an cùng trạng thái căng thẳng âm ỷ kéo dài của nhiều người gốc châu Á đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ là điều hoàn hoàn dễ hiểu ở thời điểm hiện nay, khi những vụ tấn công nhằm vào người gốc Á đang gia tăng nhanh chóng tại Mỹ.

Các thành viên đội tuần tra bảo vệ người Mỹ gốc châu Á mang tên Public Safety Patrol (PSP) tuần tra tại New York, Mỹ, ngày 23/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các thành viên đội tuần tra bảo vệ người Mỹ gốc châu Á mang tên Public Safety Patrol (PSP) tuần tra tại New York, Mỹ, ngày 23/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

“Cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Đó không chỉ là sự đảo lộn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, trong công việc kinh doanh nhỏ lẻ của tôi mà hơn hết là tâm lý mặc cảm trước sự kỳ thị của những người xung quanh, cũng như nỗi lo sợ thường trực về sự an toàn của bản thân và các thành viên trong gia đình khi đi ra ngoài bởi nguy cơ có thể bị tấn công bất cử lúc nào và bất cứ đâu. Đó không phải là câu chuyện xảy ra ở đâu xa xôi mà đã từng xảy ra với chính chính bản thân tôi và gia đình của tôi” - chị Nguyễn Thị Loan, chủ một cửa hàng bán tạp phẩm ở khu vực Faifax, bang Virginia chia sẻ.

Sự bất an cùng trạng thái căng thẳng âm ỷ kéo dài của chị Loan cũng như của nhiều người gốc châu Á khác đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ là điều hoàn hoàn dễ hiểu ở thời điểm hiện nay, khi những vụ tấn công nhằm vào người gốc Á ở mọi lứa tuổi, từ học sinh cho tới người trưởng thành và người cao tuổi, đang gia tăng nhanh chóng tại quốc gia đa chủng tộc này.

Suốt một năm qua, người gốc châu Á tại Mỹ phải đối mặt cũng như chứng kiến nạn kỳ thị với nhiều mức độ khác nhau, nhẹ là sự xa lánh, tẩy chay hay miệt thị, nghiêm trọng hơn là các hành động bạo lực như quấy rối và tấn công. Thái độ kỳ thị, hận thù nhằm vào cộng đồng người gốc Á được ví như loại virus có khả năng lây lan nhanh chẳng kém gì virus SARS-CoV-2, thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Vụ xả súng ở bang Georgia đầu tháng 3 vừa qua cướp đi sinh mạng của 6 phụ nữ người châu Á đã làm rúng động không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới và khiến dư luận đặc biệt chú ý trước xu hướng thù hận nhằm vào người gốc châu Á đang gia tăng tại Mỹ.

Mới nhất, một phụ nữ gốc Á, 65 tuổi ở thành phố New York đã trở thành nạn nhân của tình trạng kỳ thị này. Vụ tấn công nghiêm trọng xảy ra giữa ban ngày ngay trên lề đường khu Manhattan, cùng với thái độ thờ ơ không can thiệp hay giúp đỡ của những người chứng kiến, đang gây ra sự bất bình và phẫn nộ trong dư luận cũng như tạo ra làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ, thậm chí lan tới cả Canada nhằm kêu gọi chấm dứt các tội ác kỳ thị đối với người châu Á.

Tuần hành phản đối tình trạng bạo lực và gia tăng thù hận chống người gốc Á tại New York, Mỹ, ngày 4/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng loạt cuộc tuần hành đã được tổ chức tại khoảng 60 thành phố của Mỹ, trong đó có New York, San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland..., nhằm lên án nạn phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Tại California, hàng trăm người viết thông điệp kêu gọi “Hãy dừng thù ghét người châu Á”, “Hãy ngừng thù hận và bắt đầu yêu thương” trên vỉa hè quảng trường Portsmouth.

Tại New York, một trong những thành phố có đông cộng đồng người gốc Á, hàng nghìn người thuộc nhiều chủng tộc, trong đó có nhiều chính trị gia, đã tuần hành tại quảng trường Foley ở khu trung tâm Manhattan, kêu gọi Chính phủ Mỹ tăng cường biện pháp nhằm bảo vệ cộng đồng này.... Các nhà hoạt động xã hội ở Mỹ đã cay đắng mô tả về nạn phân biệt đối xử và kỳ thị người gốc Á, khi : "Những người lớn tuổi châu Á đang bị hành hung trên đường phố. Trẻ em người Mỹ gốc Á sợ đi học trở lại”.

Nạn phân biệt chủng tộc được cho là đã ăn sâu bám rễ trong xã hội Mỹ và khó có thể xóa bỏ tận gốc. Điển hình nhất là các vụ kỳ thị, tấn công nhằm vào người gốc Phi hay Mỹ Latinh, nhiều vụ cảnh sát bị cáo buộc trấn áp quá tay khiến người da màu thiệt mạng. Tháng 5/2020, vụ việc người đàn ông da màu bị viên cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ dẫn tới tử vong đã khiến cả nước Mỹ chìm trong biểu tình và hỗn loạn. Bạo lực nhằm vào người gốc Á cũng không phải là chuyện hiếm, song kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những vụ kỳ thị, tấn công người gốc Á tăng lên đáng kể.

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan thuộc Đại học bang California cho thấy thái độ thù hận nhằm vào người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất ở Mỹ tăng vọt, gần 150%. Theo báo cáo của Stop Asian American Pacific Islander (AAPI) Hate, một tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, có gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á trong vòng chưa đầy 1 năm qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Số vụ được báo cáo cho trung tâm chỉ chiếm một phần nhỏ so với số thực sự xảy ra bởi nhiều người không lên tiếng tố cáo.

Vấn nạn này không chỉ gia tăng ở Mỹ mà còn nhiều nước trên thế giới. Từ Anh đến Australia, báo cáo về các vụ bạo lực phạm tội liên quan tới thù hận nhằm vào người Đông Á và Đông Nam Á đều gia tăng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cuối tháng trước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực gia tăng nhằm vào người châu Á và người gốc Á tại một số nước kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Để bảo vệ cộng đồng người châu Á tại Mỹ cũng như giảm bớt các vụ kỳ thị, Giáo sư người Mỹ gốc Á Russell Jeung ở Đại học bang San Francisco, đồng sáng lập Stop AAPI Hate, cho rằng cần phải thực hiện nhiều hành động cụ thể hơn nữa. Trong những ngày qua, các tổ chức, liên đoàn các hiệp hội người Mỹ gốc Á đã phát động nhiều sáng kiến cũng như các hoạt động, như "Ngày hàn gắn và hành động quốc gia", khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag “StopAsianHate” (Chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm nâng cao tinh thần và nâng cao nhận thức của những người theo dõi họ (follower) về chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á, hay kêu gọi chính phủ liên bang công nhận ngày 4/4 hằng năm là Ngày Chấm dứt thù hận (Stop Hate Day) tại Mỹ.

Người dân NewYork còn thành lập một “lực lượng” mang tên Public Safety Patrol (PSP) với các thành viên tình nguyện thực hiện công việc tuần tra mỗi đêm nhằm bảo vệ những người Mỹ gốc Á dễ chịu tổn thương và phát hiện sớm những đối tượng có ý đồ tấn công. Trước đó, một số nhóm tuần tra cũng đã được hình thành tại thành phố San Francisco và Oakland để góp phần ngăn chặn làn sóng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc châu Á.

Tuần hành phản đối tình trạng bạo lực và gia tăng thù hận chống người gốc Á tại New York, Mỹ ngày 4/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng với đó, một loạt các chính trị gia, nhà lập pháp Mỹ cũng lên tiếng phản đối và kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực và hành vi phạm tội nhằm vào người Mỹ gốc Á. Trong bài phát biểu đánh dấu 1 năm nước Mỹ phải đối mặt với đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã lên án "tội ác thù hận tàn bạo" chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á, khẳng định tình trạng này rất đáng quan ngại, đó là hành động sai trái và phải chấm dứt. Nhóm quan chức gồm 26 thống đốc bang đã ra tuyên bố chung lên án bạo lực gia tăng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho rằng làn sóng bạo lực nhằm vào người gốc Á đang trở thành "bệnh dịch" trên khắp nước Mỹ và cần phải diệt trừ loại "virus kỳ thị" nguy hiểm này, trong khi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện, khẳng định người Mỹ cần đồng lòng chống lại tình trạng này.

Nhằm đối phó với "virus kỳ thị" nhằm vào người gốc Á, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra hàng loạt biện pháp, như thiết lập một sáng kiến liên ngành tại Bộ Tư pháp và một ủy ban đặc trách về công lý liên quan tới COVID-19, trích 49,5 triệu USD từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ để chi cho một chương trình tài trợ mới cho người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng sẽ lập một trang tương tác mới chứa các tài liệu liên quan đến việc chống lại cộng đồng người gốc Á và sẽ tổ chức đào tạo các đặc vụ về nhận thức và báo cáo liên quan đến vấn đề thành kiến chống người gốc Á. Quỹ Tài trợ quốc gia nhân văn sẽ ra mắt một thư viện ảo gồm các dự án do liên bang tài trợ nhằm tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người Mỹ gốc Á đối với nước Mỹ. Gói này cũng bao gồm việc tài trợ cho các nghiên cứu quan trọng nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng thiên vị và bài ngoại đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á…

Các biện pháp của Nhà Trắng được người Mỹ cũng như cộng đồng người châu Á tại Mỹ đánh giá cao. Dư luận cho rằng phản ứng của Nhà Trắng cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực hàn gắn cũng như nhằm đảm bảo rằng sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng người Mỹ gốc Á tại Mỹ là một ưu tiên. Cách tiếp cận của Tổng thống Biden cũng là một minh chứng cho cam kết của ông đối với cộng đồng người gốc Á, góp phần đạt được sự "công bằng chủng tộc trong dài hạn" ở Mỹ.

Đặng Huyền (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nuoc-my-doi-pho-voi-virus-ky-thi-nguoi-goc-a-20210407125754150.htm