Nước Mỹ 'để mắt' tới các nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc hội đàm với các công ty khai thác đất hiếm trên toàn cầu về nguồn cung khoáng sản chiến lược của họ, một phần trong kế hoạch tìm kiếm trữ lượng đất hiếm đa dạng ngoài Trung Quốc, một quan chức của Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Tư.

Sự thúc đẩy này diễn ra khi Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu sang Mỹ 17 loại khoáng sản được sử dụng trong rất nhiều thiết bị quân sự và điện tử tiêu dùng công nghệ cao.

Mặc dù Trung Quốc chỉ chứa 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới, nhưng nước này chiếm tới 80% lượng khoáng sản nhập khẩu của Mỹ vì nước này kiểm soát gần như tất cả các cơ sở để xử lý nguyên liệu, theo dữ liệu Khảo sát Địa chất của Mỹ.

"Chúng tôi đang tìm kiếm bất kỳ nguồn cung cấp bên ngoài Trung Quốc. Chúng tôi muốn sự đa dạng. Chúng tôi không muốn có một nhà sản xuất độc quyền", ông Jason Jason Nie - kỹ sư thuộc Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Lầu Năm Góc (DLA), cho biết.

DLA có trách nhiệm mua, lưu trữ và vận chuyển nhiều vật tư của Lầu năm góc, từ khoáng sản đến phụ tùng máy bay, cũng đã có cuộc hội đàm với các công ty khoáng sản của Malawi và Burundi để tìm kiếm nguồn cung trong tương lai.

Trong năm tài chính 2019, DLA dự kiến sẽ mua đất hiếm (tối đa là 420 tấn), tiền chất pin lithium ion (0,02 tấn) và thiếc (40 tấn), trong số các khoáng sản chiến lược khác, theo một báo cáo của chính phủ Mỹ.

Một số thiết bị và khí tài quân sự bao gồm kính nhìn ban đêm và máy bay,...đều được chế tạo bằng khoáng chất đất hiếm. Lầu Năm Góc từ lâu đã hỗ trợ các nhà thầu quân sự mua khoáng sản có nguồn gốc nội địa, mặc dù hiện tại không có cơ sở chế biến đất hiếm nào bên trong lãnh thổ nước Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, chính quyền Bắc Kinh cho biết có thể hạn chế nguồn cung đất hiếm sang thị trường Mỹ, trước đó Trung Quốc cũng đã hủy bỏ việc cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản sau một cuộc xung đột ngoại giao vào năm 2010

Huy Vũ

Theo Reuters

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/nuoc-my-de-mat-toi-cac-nguon-cung-dat-hiem-ngoai-trung-quoc-147525.html