Nước Mỹ còn có hơn 1.216 ứng viên tổng thống độc lập

Ngoài hai ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa, có 1.216 ứng viên độc lập khác tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Mỗi người đều có chiến lược và quan điểm khác biệt.

Cộng hòa và Dân chủ là hai đảng gần như thống trị toàn bộ chính trường Mỹ và chiếm sóng trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy cơ hội chiến thắng trong mùa bầu cử của các ứng viên độc lập gần như bằng không.

Tuy nhiên, vẫn có những người muốn thử vận may với tỷ lệ thành công siêu nhỏ này để chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.

Tính đến ngày 9/10, khoảng 1.216 ứng viên (với mức độ nghiêm túc khác nhau) đã nộp đơn ứng cử lên Ủy ban Bầu cử Liên bang để tranh cử tổng thống Mỹ.

BBC phỏng vấn ba người trong số này. Người thứ nhất là nghệ sĩ piano, cũng là một diễn giả truyền cảm hứng. Người thứ hai là tỷ phú tiền điện tử. Và người thứ ba là kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ bản địa. Họ đã chia sẻ về động lực thúc đẩy tham gia tranh cử và lý do tại sao người Mỹ nên bầu cho họ.

 Brock Pierce (trái), Mark Charles (giữa) và Jade Simmons (phải) là ba ứng viên độc lập tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Ảnh: BBC.

Brock Pierce (trái), Mark Charles (giữa) và Jade Simmons (phải) là ba ứng viên độc lập tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Ảnh: BBC.

"Chiến dịch tranh cử ít tốn kém nhất"

Jade Simmons là người phụ nữ đa tài. Cựu hoa hậu bang Illinois này là nghệ sĩ piano chuyên nghiệp, đồng thời là rapper, mục sư và là một người mẹ.

"Với tôi, đây là thời điểm chúng tôi không thể đủ khả năng kinh doanh như bình thường. Tôi là con gái của một nhà hoạt động dân quyền, và cha tôi dạy tôi rằng nếu chứng kiến những bất công, tôi cần phải tự hỏi mình xem có cần dấn thân vào hay không", Simmons nói với BBC.

Cô cho biết mục tiêu của mình là tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng, thông qua cải cách kinh tế, giáo dục và tư pháp hình sự. Với tinh thần đó, Simmons đang hướng tới việc thực hiện "chiến dịch tranh cử ít tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ".

"Thật kinh khủng khi phải tốn gần một tỷ USD để tranh cử tổng thống với điều kiện đi kèm là đủ 35 tuổi trở lên, là cư dân sinh ra tại Mỹ và đã sống ở đây ít nhất 14 năm. Chúng tôi muốn dành số tiền đó để giúp đỡ mọi người", nghệ sĩ piano này nói.

"Tùy từng đối tượng, nhưng khi được hỏi, từ anh em nhà Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho tới những mục sư Cơ đốc bảo thủ đều thích chính sách mà chúng tôi đề xuất", cô nói thêm.

Ứng viên độc lập Jade Simmons là nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Ảnh: jadesimmons.com.

Đại dịch Covid-19 đã cản trở cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, hạn chế việc tổ chức các sự kiện đông người. Thay vào đó, nhiều sự kiện, bao gồm cả đại hội đảng, chuyển sang tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, đối với Simmons, thách thức lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của cô là để cho mọi người biết đến mình.

"Giờ đây, nhiều người Mỹ và báo chí đang lên tiếng về việc người da đen đáng được sống, và tiếng nói của người Mỹ gốc Phi là quan trọng. Nhưng cũng chính những tờ báo đó, bao gồm cả những tờ viết về người da đen, đã từ chối viết về tôi", Simmons cho biết.

Khác với các ứng cử viên đảng Cộng hòa và Dân chủ được liệt kê trong phiếu bầu ở mọi tiểu bang, các ứng viên độc lập phải đáp ứng nhiều quy định về thời hạn và phương pháp tiếp cận.

Tên của Simmons sẽ xuất hiện trên lá phiếu ở bang Oklahoma và Louisiana, nhưng ở 31 tiểu bang khác, tên của cô không được viết sẵn trên lá phiếu. Những lá phiếu này chỉ được tính cho cô nếu cử tri trực tiếp ghi tên cô lên đó.

Simmons thừa nhận rằng quy định bầu cử bất lợi cho cô, nhưng nghệ sĩ piano này vẫn tin bản thân có cơ hội chiến thắng, dù không phải là năm nay thì có thể là một năm nào đó trong tương lai.

"Dựa trên thống kê về tỷ lệ chiến thắng của các ứng viên độc lập, tôi biết điều này nghe có vẻ hoang đường! Nhưng chúng tôi tin rằng nếu tiếp tục đứng lên đủ lâu, thời thế sẽ thay đổi khiến người Mỹ thấy rằng hai ứng viên tổng thống hiện tại không phải là lựa chọn của họ", Simmons nói thêm.

Đo lường thành công bằng hạnh phúc

Brock Pierce từng là diễn viên nhí góp mặt trong một số phim truyền hình Mỹ những năm 1990. Hiện nay, anh là doanh nhân công nghệ và cũng là tỷ phú tiền điện tử.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta thiếu tầm nhìn cho tương lai - ý tôi là, chúng ta muốn sống ở thế giới như thế nào vào năm 2030? Kế hoạch là gì? Chúng ta đang cố gắng hướng tới đâu. Bạn có biết không? Phải có một mục tiêu nào đó. Và tôi thấy hầu hết chẳng có gì, không có nhiều ý tưởng được đưa ra. Thật đáng sợ. Và tôi biết cần phải làm gì", Pierce chia sẻ với BBC.

Trong bốn năm qua, tỷ phú Pierce tập trung vào công việc từ thiện ở Puerto Rico. Tại đây, quỹ từ thiện của anh quyên góp được 1 triệu USD.

Khi được hỏi về ưu tiên của Mỹ trong 4 năm tới, Pierce cho rằng nên ngừng theo đuổi "tăng trưởng vì lợi ích từ sự phát triển", và nước Mỹ nên đo lường thành công bằng cách duy trì cuộc sống khỏe mạnh, tự do và hạnh phúc.

Tỷ phú này được miêu tả là "ông vua phóng khoáng của thế giới tiền điện tử". Pierce ủng hộ hợp pháp hóa cần sa và không mấy thoải mái khi được Forbes xếp vào danh sách những người giàu ở Mỹ. Anh từng thề sẽ quyên góp một tỷ USD.

Tỷ phú 39 tuổi này cũng đề cao quyền tự do cá nhân và quyên góp hàng nghìn USD cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa.

"Tôi có khuynh hướng tự do, nhưng cũng có quan điểm bảo thủ. Và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cùng dũng cảm bước đến tương lai, vì chúng ta đều có thể học được gì đó từ mọi hệ tư tưởng", anh chia sẻ.

Tỷ phú tiền điện tử Brock Pierce được cho đã bơm 3,7 triệu USD cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Ảnh: news.bitcoin.com.

Dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho thấy Brock Pierce đã bơm 3,7 triệu USD vào chiến dịch tranh cử của mình.

"Tôi bước sang tuổi 40 vào tháng 11 này, có nghĩa là tôi còn nhiều thời gian. Vì vậy chúng tôi cũng đang đặt nền móng cho tương lai - không chỉ đối với một ứng viên như tôi, mà còn cho tất cả ứng viên độc lập trong tương lai", anh nói thêm.

"Tôi liên tục được mời tranh cử thống đốc New York, thống đốc Minnesota. Mọi nơi tôi đến, mọi người đều nói kiểu như 'này Brock, thực sự là anh có thể khắc phục chuyện này. Nếu không trở thành tổng thống trong năm tới, hãy thử lãnh đạo bang của chúng tôi nhé'", tỷ phú 39 tuổi chia sẻ.

Một nước Mỹ nói không với bất bình đẳng

Các ứng viên độc lập không cần phải có sự ủng hộ đa số của đảng để làm nền tảng tranh cử. Vì vậy, họ có thể tập trung vào những vấn đề có ý nghĩa với cá nhân họ.

Ngoài công việc kỹ sư công nghệ thông tin, Mark Charles còn là nhà vận động thúc đẩy công bằng xã hội đối với các vấn đề ảnh hưởng tới người Mỹ bản địa và người da màu.

Ông là người gốc Navajo, nhóm thổ dân chủ yếu sống ở vùng Tây Nam nước Mỹ. Bản sắc này đã định hình rõ nét chiến dịch tranh cử và quan điểm của ông về tương lai nước Mỹ.

"Đây là vùng đất của họ, rất lâu trước khi Columbus bị lạc trên biển - và họ vẫn ở đây. Được sống ở đây, trên vùng đất của họ, tôi muốn tôn vinh họ như những chủ nhà", ông Charles nói.

Vào đầu những năm 2000, ông quyết định đưa gia đình đến sống trong ngôi nhà ở khu bảo tồn của người Navajo, thuộc miền Tây Nam nước Mỹ. "Tôi muốn trải nghiệm cuộc sống theo cách truyền thống hơn", ông nói. Gia đình Charles ở lại đây trong 11 năm.

Ứng viên độc lập Mark Charles là người gốc Navajo bản địa. Ảnh: BBC.

"Chúng tôi sống cách đường nhựa gần 10 km và ở trong ngôi nhà truyền thống của người Navajo chỉ có một phòng. Không có đường nước sinh hoạt, khu dân cư không có điện. Hàng xóm của chúng tôi là những thợ dệt thảm và chăn cừu", ứng viên này chia sẻ.

Gia đình ông nấu ăn bằng bếp củi, hàng ngày phải đi lấy nước sinh hoạt và dùng nến để thắp sáng. Nhưng vấn đề thực sự là họ cảm thấy bị cô lập.

"Những người không phải dân bản địa duy nhất chúng tôi từng gặp là những vị khách đến để chụp ảnh hoặc làm từ thiện. Hầu như không có ai đến muốn làm quen hoặc gây dựng mối quan hệ với chúng tôi. Hơn hết, tôi hiểu và thấy được giai đoạn lịch sử đau thương bắt nguồn từ sự bất công đối với người dân bản địa chúng tôi", ông nói thêm.

Vì vậy, kỹ sư công nghệ thông tin này quyết định lên tiếng và nâng cao nhận thức của mọi người. Ông cho rằng bản thân đang đấu tranh cho một nước Mỹ hiện đại, thực sự hòa nhập và nói không với bất bình đẳng.

"Hiến pháp của chúng tôi bắt đầu bằng câu 'Chúng ta, những người dân'... nhưng lại không bao giờ đề cập đến phụ nữ, đặc biệt là loại trừ người bản địa", ông nói thêm.

"Và đây là những gì mà chiến dịch của tôi hướng đến: Nếu chúng ta muốn trở thành một quốc gia nơi câu nói 'chúng ta, những người dân' thực sự có nghĩa là mọi người dân, thì chúng ta phải bắt đầu cải thiện ở cấp độ cơ bản. Chúng ta không thể chỉ nói ra và ước như vậy. Chúng ta thực sự phải bắt tay vào làm và thay đổi một số nền tảng cơ bản hình thành nên nước Mỹ, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng", Charles nhấn mạnh.

Các ứng viên chi bao tiền để chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ? Để tham gia tranh cử, bạn cần bỏ ra 5.000 USD để ghi danh tại Ủy ban Bầu cử Liên bang. Nhưng để bước chân vào Nhà Trắng, con số không chỉ là 5.000 USD.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-my-con-co-hon-1216-ung-vien-tong-thong-doc-lap-post1140980.html