Nước Mỹ có thực sự cần tới 1,2 tỉ liều vaccine COVID đang tích trữ?

Mỹ đã đảm bảo tích trữ 1,2 tỉ liều vaccine phòng COVID, đủ để tiêm cho gấp hai lần dân số. Trong khi đó, có ít nhất 30 quốc gia vẫn chưa tiêm vaccine cho một người nào, còn virus sẽ tiếp tục đột biến chừng nào vẫn còn nơi nào đó để lây lan.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ ngày 13/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ ngày 13/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào thời điểm mà Mỹ, quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất bởi đại dịch, vẫn đang chứng kiến trung bình 57.000 ca nhiễm mới, 40.000 bệnh nhân nhập viện và 1.000 ca tử vong do COVID mỗi ngày, thật khó để những người dân Mỹ bình thường nghĩ đến tình cảnh tồi tệ ra sao ở phần còn lại của thế giới.

Nhưng khi nói đến tiêm chủng, người Mỹ có thể sẽ sớm bị buộc phải làm điều đó.

Là quốc gia giàu có nhất thế giới, Mỹ đã đảm bảo rằng họ sẽ có thể trở lại bình thường nhanh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác, vì hai lý do đơn giản: Thứ nhất, nước này đang triển khai cung cấp vaccine nhanh hơn phần lớn các nước khác; và thứ hai, Mỹ đã mua được nhiều vaccine COVID hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.

Mỹ đang tiêm trung bình gần 2,5 triệu liều vaccine COVID mỗi ngày cho người dân, theo Bloomberg. Với tốc độ này, họ sẽ mất 5 tháng để tiêm chủng cho 75% dân số, một ngưỡng hợp ký để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Đồng thời, Mỹ cũng đã đảm bảo dự trữ tổng cộng 1,2 tỷ liều vaccine COVID từ các nhà sản xuất khác nhau, đủ để tiêm chủng cho gấp hai lần toàn bộ dân số của mình.

Liên minh châu Âu (EU) trong khi đó tụt hậu xa. Cư dân EU đang được tiêm chủng với tốc độ bằng một nửa của Mỹ: trung bình 1,2 triệu liều/ngày (trong khi dân số của EU cao hơn của Mỹ tới 120 triệu). Trừ phi tốc độ này được cải thiện, EU sẽ mất 17 tháng nữa để tiêm chủng cho 75% dân số, tức là lâu hơn cả năm trời so với ở Mỹ.

Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tệ nhất.

Vaccine phòng COVID-19 của Moderna chuyển giao cho chính quyền Mỹ. Ảnh: WSJ

Là một liên minh, 27 quốc gia EU thậm chí đã bảo đảm được nhiều liều vaccine hơn cả Mỹ, đủ để tiêm chủng cho 231% dân số của cả khối. Châu Âu đạt được nhiều tiến bộ trong tiêm chủng COVID cho người dân, giống như các cường quốc khác như Trung Quốc, Nga, Canada (đã đảm bảo đủ vaccine cho 335% dân số), Australia (235%), Iceland (156%); Hong Kong (155%), Israel (138%), Hàn Quốc (135%) và Nhật Bản (129%).

Trong khi đó, các quốc gia nghèo hơn không may mắn như vậy.

Theo kế hoạch, hàng chục quốc gia đang phát triển cuối cùng sẽ nhận được vaccine thông qua chương trình COVAX, được Tổ chức Y tế Thế giới hậu thuẫn nhằm đảm bảo việc phân phối vaccine công bằng; hay một thỏa thuận do tỷ phú Mexico Carlos Slim làm trung gian nhằm cung cấp vaccine giá rẻ cho khắp Mỹ latinh.

Nhưng ngay cả khi đó, tỷ lệ dân số các nước đó được đảm bảo bởi các giao dịch vaccine hiện tại vẫn rất ít. Theo Bloomberg, tỷ lệ đảm bảo vaccine trên dân số chỉ dao động từ 76% ở Brazil đến 61% ở Ai Cập, 39% ở Nam Phi, 23% ở phần lớn Trung Mỹ - Caribe, và 5% ở hầu hết châu Phi và Trung Đông.

Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện điều trị ở Brasilia, Brazil ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong toàn bộ những liều vaccine COVID được sử dụng trên toàn cầu, khoảng 3/4 đang thuộc về 10 quốc gia. Ít nhất 30 quốc gia còn chưa tiêm vaccine COVID cho một người nào. Lấy ví dụ như Nam Phi, hiện đang tiêm được hơn 5.300 liều mỗi ngày, với tốc độ này, sẽ mất hơn 10 năm để tiêm chủng cho 75% dân số. Brazil, quốc gia có trên 300.000 người thiệt mạng vì COVID, cao thứ hai thế giới, thì mới chỉ tiêm chủng được đủ hai mũi cho không đầy 2% dân số.

Theo thống kê của Bloomberg, 9,6 tỷ liều vaccine COVID đã được dự trữ trên toàn thế giới, đủ để cung cấp cho hơn một nửa dân số toàn cầu nếu như các mũi tiêm được phân bổ đồng đều. Nhưng tất nhiên, không có chuyện đó. Và ngay cả khi vaccine được phân bổ đều, thế giới vẫn mất 2,5 năm để tiêm chủng cho 75% dân số trên hành tinh, với tốc độ tiêm hiện nay.

Một hộp chứa các lọ vacccine COVID Janssen nằm trên quầy trước khi được vận chuyển đến bộ phận làm lạnh tại trụ sở Y tế và Sức khỏe Louisville Metro vào ngày 4/3/2021 ở Louisville, bang Kentucky. Mỹ. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, các quốc gia và khu vực có dịch bùng phát trở lại đang bắt đầu kìm hãm hoạt động xuất khẩu vaccine.

Tờ New York Times hôm 26/3 đưa tin, Ấn Độ, từng là nhà phân phối vaccine quan trọng, nay đang giữ lại gần như toàn bộ 2,4 triệu liều vaccine sản xuất ra hàng ngày bởi một công ty tư nhân trong nước”, và “EU đã đưa ra luật khẩn cấp nhằm hạn chế xuất khẩu vaccine trong 6 tuần tới”.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Prayagraj, Ấn Độ, ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Lúc này, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sẽ sớm đối mặt với một quyết định khó khăn: phải làm gì khi nguồn cung vaccine COVID của Mỹ vượt xa nhu cầu, nhiều khả năng là vào cuối mùa xuân này.

Ba công ty dược Moderna, Pfizer và Johsnon&Johnson đã cam kết chuyển giao tổng cộng 240 triệu liều vaccine cho Mỹ vào cuối tháng 3, và gấp hơn 2 lần con số đó vào cuối tháng 5, đủ để tiêm cho toàn bộ người trưởng thành tại Mỹ. Tương tự như vậy, các thống đốc và quan chức y tế công cộng ở hơn 40 tiểu bang cho biết họ sẽ đáp ứng hoặc vượt qua mục tiêu của Tổng thống Biden là tiêm chủng cho tất cả người lớn ít nhất một liều vaccine vào ngày 1/5 tới. Ngoài ra, ít nhất 30 bang đã lên kế hoạch bắt đầu tiêm vaccine đại trà ngay trong tháng 3 hoặc tháng 4.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong tuần trước: “Về cơ bản, chúng tôi muốn trở thành một phần của giải pháp toàn cầu”, nhưng bà bổ sung rằng “vẫn còn một số yếu tố không thể đoán trước mà chúng tôi cần lên kế hoạch sao cho phù hợp nhất, bao gồm các biến thể mới, các tác động và những gì sẽ hiệu quả nhất, những gì hiệu quả cao nhất với trẻ em”, nhóm vẫn chưa có loại vaccine COVID nào được phê duyệt sử dụng.

Nói tóm lại, ranh giới của một thế giới mới được phân chia giữa một bên có vaccine COVID và một bên không có đã hình thành. Đối với một số người, cuộc sống bình thường đang ở phía trước; nhưng với những người khác, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, với những sự gián đoạn và nguy hiểm. Trong khi đó, virus sẽ tiếp tục đột biến chừng nào nó vẫn còn nơi nào đó để lây lan.

Giới chuyên gia cho rằng, những quốc gia giàu có hơn như Mỹ càng sớm sử dụng nguồn cung dồi dào để tiêm chủng cho người dân nước mình bao nhiêu thì cũng càng phải sớm lan tỏa số lượng dư thừa cho thế giới xung quanh bấy nhiêu. Nếu họ sớm làm được điều đó thì cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể kết thúc sớm hơn – không chỉ với những nước giàu, những nước may mắn, mà cho tất cả, cho mọi nơi.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Yahoo News)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nuoc-my-co-thuc-su-can-toi-12-ti-lieu-vaccine-covid-dang-tich-tru-20210328211456570.htm