Nước Mỹ chia rẽ trước cuộc bầu cử giữa kỳ do chính sách nhập cư của ông Trump

Chỉ còn 4 ngày nữa là đến cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng nhưng nước Mỹ không còn bình yên. Mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày càng lớn trước những chính sách của Tổng thống Donald Trump về người nhập cư và ngừng nhập tịch cho trẻ sinh ở Mỹ.

“Tâm bão” người di cư

Lập trường cứng rắn đối với người nhập cư trái phép của ông Trump được xem là góp phần giúp ông trúng cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Lập trường này của ông trở nên cứng rắn hơn trong những ngày gần đây khi cuộc bầu cử giữa kỳ đến gần (ngày 6/11). Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 1/11, Tổng thống tuyên bố chính phủ của ông sẽ chuẩn bị thay đổi các chính sách về nhập cư và tị nạn. Vấn đề nhập cư đang là trọng tâm trong chiến dịch vận động trước bầu cử giữa kỳ cho đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump. Tuần này, ông Trump đã quyết định sẽ điều động 7.000 lính Mỹ tới biên giới với Mexico và cảnh báo sẽ tăng con số này lên 15.000 lính, tương đương với số quân Mỹ đang đóng ở Afghanistan để ngăn chặn người tị nạn.

Từng dòng người di cư vượt qua biên giới Mexico tiến về biên giới Mỹ đang là trung tâm của của cơn bão chính trị trước thềm bầu cử giữa kỳ Mỹ. Đoàn người bao gồm mọi thành phần lứa tuổi, từ người già đến những bà mẹ với con nhỏ. Họ hoàn toàn không biết tới việc tổng thống Mỹ Donald Trump đang chính trị hóa tình cảnh của họ khi đơn giản họ chỉ mong tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có lập trường cứng rắn đối với người nhập cư

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị tố lợi dụng hình ảnh người xin tị nạn từ Trung Mỹ làm gia tăng nỗi sợ người nhập cư, còn đảng Dân chủ chỉ trích ông Trump dùng vụ việc để lái sự chú ý khỏi vấn đề chi tiêu y tế và tương lai quan hệ với Saudi Arabia liên quan đến vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Mỹ cho rằng "các thành viên băng đảng và một số kẻ rất xấu" trà trộn vào đoàn người. Ông khăng khăng rằng đảng Dân chủ thiên về "chủ nghĩa xã hội cấp tiền và mở cửa biên giới", điều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn vô luật pháp.

Tổng thống Trump đăng tải video quảng cáo gây tranh cãi trên Twitter ngày 1/11

Theo CNN, trong quảng cáo cho chiến dịch bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa đã cáo buộc đảng Dân chủ có ý đồ giúp đỡ nhóm người được mô tả là quân xâm lược Trung Mỹ với những kẻ sát nhân đang tràn vào đất nước. Quảng cáo bao gồm hình ảnh của Luis Bracamontes, một công dân Mexico bị trục xuất trước đây và bị kết tội giết hại 2 đại biểu California hồi tháng 2. "Sớm thôi tôi sẽ giết thêm nhiều cảnh sát nữa", hình ảnh Bracamontes vừa nói vừa cười xuất hiện trong quảng cáo với dòng chữ chạy bên dưới: "Đảng Dân chủ để hắn vào nước Mỹ. Đảng Dân chủ cho hắn ở lại đây".

Quảng cáo này được cho là động thái cực đoan và mang tính phân biệt chủng tộc nặng nề nhất trong lịch sử chính trị 30 năm qua tại Mỹ. Chủ tịch đảng Dân chủ Tom Perez là người đầu tiên phản ứng với động thái này. Ông nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của tổng thống vì đang để thua trong cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe, trọng tâm chiến dịch bầu cử giữa kỳ của đảng Dân chủ.

"Ông Trump đang muốn đánh lạc hướng và gây chia rẽ bằng cách tồi tệ nhất. Đảng Cộng hòa muốn gây hoang mang. Họ phải làm như vậy và một trong những mục tiêu khả thi nhất là nhắm vào người nhập cư. Đây là chiêu bài của Donald Trump từ rất lâu rồi", ông Perez nói với CNN.

Có vi hiến khi ngừng nhập tịch cho trẻ sinh ở Mỹ?

Giữa lúc gần diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống Donald Trump ngày 30/10 tuyên bố sẽ xóa bỏ chính sách cấp quốc tịch cho trẻ em sinh tại Mỹ là con của người nước ngoài hoặc người nhập cư trái phép. Tuyên bố này cho thấy quyết tâm của ông Trump trong việc thay đổi mạnh mẽ chính sách nhập cư.

Tổng thống Donald Trump sẽ xóa bỏ chính sách cấp quốc tịch cho trẻ em sinh tại Mỹ là con của người nhập cư

Tổng thống Donald Trump nói rằng Hiến pháp Mỹ không đảm bảo quyền có quốc tịch Mỹ cho bất cứ ai sinh ra ở Mỹ, lời khẳng định đi ngược lại diễn giải lâu nay về quyền công dân được quy định trong Tu chính án thứ 14 của hiến pháp này. Do đó, ông tuyên bố sẽ sớm ký sắc lệnh chấm dứt chính sách mặc định cấp quốc tịch cho trẻ em chào đời trên đất Mỹ khi có bố mẹ là người nhập cư bất hợp pháp hoặc không cư trú tại nước này.

SCMP dẫn lời các chuyên gia luật pháp đánh giá rằng động thái này nếu thành sự thật sẽ đi ngược lại với Hiến pháp Mỹ. Đây cũng là một động thái cứng rắn mà chưa một tổng thống Mỹ nào thực hiện. Giới quan sát cho rằng, ông Trump muốn sử dụng “lá bài” này nhằm trấn an những người ủng hộ, cho thấy quan điểm quyết liệt của Tổng thống Mỹ với vấn đề nhập cư, nhằm giữ vững ưu thế của đảng Cộng hòa trong lưỡng viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc xóa bỏ quyền tự động có quốc tịch Mỹ nếu sinh ra ở Mỹ sẽ là vi hiến và ông Trump đang cố tình chơi "chiêu trò chính trị" trước thềm bầu cử giữa kỳ. Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) lên án ý định của ông Trump, nói rằng tổng thống không thể xóa bỏ hiến pháp bằng một sắc lệnh hành pháp và việc đảm bảo quyền công dân được quy định trong Tu chính án thứ 14 là rõ ràng. "Đây là nỗ lực vi hiến một cách trắng trợn nhằm gieo rắc sự chia rẽ và thổi bùng ngọn lửa thù hận chống người nhập cư trong thời gian trước cuộc cuộc bầu cử giữa kỳ", ông Omar Jadwat, giám đốc Dự án Quyền Di dân của ACLU, nói với CNN.

Bằng chứng cụ thể là Mỹ đã áp dụng chính sách bất cứ trẻ em nào sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ trong suốt 150 năm qua. Khoản 1, Điều 1 trong Tu chính án thứ 14, được quốc hội Mỹ thông qua năm 1866, quy định: "Tất cả những người sinh ra ở nước Mỹ hay nhập tịch Mỹ, và chịu quyền xét xử ở đó, đều là công dân của nước Mỹ và của bang nơi họ cư trú".

Bà Kristen Clarke - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Ủy hội Luật sư vì Quyền Công dân theo Quy định Pháp luật

Đồng tình với quan điểm này, bà Kristen Clarke - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Ủy hội Luật sư vì Quyền Công dân theo Quy định Pháp luật, nói ý tưởng của ông Trump "không những trái với hiến pháp mà còn làm trầm trọng thêm căng thẳng sắc tộc, lợi dụng sự sợ hãi và khoét sâu sự chia rẽ trên khắp đất nước".

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, đại diện bang Virginia, nói tổng thống "có quyền đưa ra vấn đề để tranh luận" nếu ông muốn nhưng hãy đối mặt với việc ông có thể vi hiến nếu thông qua sắc lệnh hành pháp. "Hiến pháp nói khá rõ rằng không ai, bao gồm cả tổng thống Mỹ, được đứng trên luật pháp", ông nói.

Nỗi đau khổ của những người nhập cư

Đồng quan điểm, Dân biểu Cộng hòa Ryan Costello cho rằng việc ông Trump đột ngột nêu lên vấn đề quyền công dân với người sinh ra tại Mỹ là "trò bẩn chính trị" trước thềm bầu cử giữa kỳ. Còn Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cáo buộc ông Trump đang tìm cách phân tán sự chú ý khỏi chính sách y tế - lĩnh vực mà các nghị sỹ Dân chủ xem là vấn đề chính trong cuộc bầu cử sắp tới. "Tuyên bố mới của Tổng thống Trump rằng ông ấy có thể đơn phương chấm dứt quy định về quốc tịch trong Hiến pháp cho thấy những người Cộng hòa đang ở trong một vòng xoáy tuyệt vọng và muốn đánh lạc hướng chú ý khỏi Medicare và Medicaid", bà Pelosi nói trong một tuyên bố.

Nhu Thụy CNN, Guardian, New York Times

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nuoc-my-chia-re-truoc-cuoc-bau-cu-giua-ky-do-chinh-sach-nhap-cu-cua-ong-trump-post50749.html