Nước mắt vẫn đang rơi ở Hoài Mỹ

VH- Buồn hoài là câu chuyện ở xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) và một số địa phương ven biển ở tỉnh Bình Định. Trai tráng ra biển rầm rầm, nhưng lúc về bến thì thiếu mất một người. Ngư dân rơi xuống biển mất tích xảy ra ở nhiều nơi nhưng có lẽ ở Bình Định, trong đó có Hoài Mỹ thì khá liên tục.

Bà Trần Thị Ngàn (thứ 2 từ bên phải) buồn rầu vì con trai không trở về

Đi dọc tuyến đường xuống cửa biển Tam Quan của huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định sẽ thấy có rất nhiều tiệm may treo bảng: Dù, giàm, buồm. Chắc có lẽ đây là những tiệm may độc đáo vì sản xuất ra những mặt hàng để ngư dân ra biển gặp sóng lớn thì bung xuống trước mũi tàu để sống chung với biển khơi. Ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng lặn lội vào Bình Định đặt hàng mua dù, giàm, buồm. Và những mặt hàng độc này cũng chính là khởi đầu của những câu chuyện vui - buồn của ngư phủ trên sóng.

Bọt bèo trên sóng

Lần có mặt trên con tàu của ngư dân tỉnh Quảng Nam từ ngoài khơi chạy tránh gió vào đất liền, thỉnh thoảng giữa biển bùng mù mịt lại xuất hiện ánh đèn tù mù và hình ảnh mờ mờ của những chiếc thuyền đang nhấp nhô trên ngọn sóng cao cả mét. Ngư dân Quảng Nam chỉ tay và nói “Bình Định đang thả dù để trôi, câu cá ngừ đại dương, câu cá hố, thả lưới…”. Người viết chột dạ hiểu ra được, vì sao ngư dân Bình Định là xứ sở may dù, giàm, buồm. Có nghĩa là gió cấp 7-8 thậm chí cấp 9, nhưng các tàu cá vẫn thả chiếc dù to 20 mét trước mũi để giữ cho tàu được “vít” xuống mặt biển, sau đó thì cứ mặc kệ, sóng xô đâu thì biết tới đó.

Mà tọa độ của những con tàu này đang trôi có phải cách bờ 50- 70 hải lý đâu. Khoảng cách đó rất kinh khủng, những 300 hải lý. Vì sao không thả trôi gần bờ để nếu lỡ có bất trắc thì kịp về cố hương? Nghe tôi hỏi, một ngư dân đi trên tàu giải thích, đó là cá ngừ đại dương và một số cá khác chỉ sống ở nước xanh chứ không ở nơi nước sắc. Nếu gần bờ thì nước biển đục cá sẽ cay mắt và quay ra khơi. Bên cạnh đó, mỗi khi trời nổi gió thì mực nổi lên và ngư dân Bình Định làm nghề chụp mực, lưới vây rút sẽ hốt được nhiều hải sản.

Và không phải chỉ có ngư dân Bình Định sống chung với sóng gió, mà giờ đây, khi ngư trường cạn kiệt thì hầu hết ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên cũng chấp nhận dù, giàm, buồm và nhấp nhô trên biển sóng. Biển càng nổi sóng thì vũ điệu nhấp nhô càng mạnh và cá càng nhiều, nhất là mực khơi.

Mực đắng được câu ở những vùng biển cách đất liền 300 hải lý

Mực đắng, đắng lòng

Sáng sớm trung tuần tháng 4 vừa qua, chị Hồ Thị Xuân Của, vợ ngư dân Chế Mình Đại ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh nhận được cuộc gọi trực tiếp từ ngoài khơi với nội dung, “anh Hoan rơi xuống biển mất tích chưa tìm thấy”. Nguyên nhân vụ mất tích chưa kịp hỏi thì cuộc gọi liên tục bị gián đoạn bởi sóng liên lạc nhiễu loạn vì thời tiết xấu. Tọa độ mà con tàu này đánh lưới là 16 độ 17 phút N – 111 độ 07 phút E. Những câu nói sau cùng mà chị Của nghe được là “tàu mới đánh được hơn một tấn mực”.

Vào giờ phút đó, chị Của (29 tuổi) hình dung ngay ra khuôn mặt của ngư dân vừa mất tích, đó là một người hiền lành, nhà ở xã Hoài Mỹ, cách đây một chiếc cầu. Ngư dân Phan Văn Hoan đi trên tàu của gia đình chị được 2 năm và là người rất cần cù. Khi chị Của thuật lại câu nói cuối cùng ngoài tàu là “1 tấn mực” thì tôi thốt lên: “Mực mà nổi lên thì chắc ngoài đó đang có gió cấp 7 cấp 8 và nhiều tàu đang thả dù, giàm, buồm”.

Lướt qua cuốn sổ tổng hợp tình hình của Đồn biên phòng Tam Quan Nam, từ đầu năm đến nay có 4 ngư dân rơi xuống biển mất tích. Nếu thống kê cả tỉnh thì 2.747 tàu cá xa bờ thì số ngư dân rơi xuống biển sẽ nhiều hơn. Riêng xã Hoài Mỹ thì năm nào cũng có ngư dân rơi xuống biển. Đây là một xã nông trang khá bình yên, cách xã Hoài Hương (làm nghề biển) một chiếc cầu. Mỗi khi có một ngư dân mất tích, tin buồn lập tức lan khắp nơi và mọi người bắt đầu nhẩm tính đến những trai tráng lần lượt không trở về và bỏ lại vợ con bơ vơ.

Trong ngôi nhà ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ mà người con trai mới tích cóp từ nghề biển và sửa chữa mới, bà Trần Thị Ngàn đang ngồi khóc than. Bà Ngàn (65 tuổi) cho biết, là cựu chiến binh nhưng thời bình thì người con trai lại mất tích. Lương thương binh hạng 4 của bà thì không thể nào trả được số tiền làm nhà còn nợ gần 100 triệu đồng.

Cách nhà bà Ngàn không xa, những đứa con của ngư dân Phạm Minh Hải cũng đã đội tang người cha bị rơi xuống biển cách đây hơn một năm. Phần lớn các ngư dân đều rơi xuống biển vào lúc lưới mắc đầy mực đắng ở tọa độ cách đất liền vài trăm hải lý. Mực đắng ở dưới đáy biển và chỉ trồi lên khi biển cuộn sóng, bọt biển như sôi sùng sục.

Trong ngôi nhà của ngư dân Đặng Văn Đức ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam nghi ngút khói hương và tiếng kinh cầu. Ngày 13.4, ngư dân này rời tàu, cùng ngư dân Phan Văn Quân xuống thúng chèo đi câu mực. Do thúng chòng chành nên anh Quân ngã úp lưng vào ông Đức, khiến chiếc thúng lật úp. Đối với ngư dân, đây là tình huống rất đơn giản. Nhưng khi chiếc thúng mở ra thì ông Đức đã biến mất.

Nhìn tấm di ảnh trên bàn thờ là một người mặc quân phục, vợ ông Đức cho biết, “chồng cô là cựu chiến binh, ngoài chiến trường thì không sao, về đi biển lại mất tích”.

Nếu gõ trên mạng cụm từ “ngư dân rơi xuống biển mất tích” thì sẽ cho ra con số trên 2 triệu và thông tin ngư dân nhiều tỉnh bị nạn tương tự. Hậu quả không thể kể hết, nhưng chuyện đưa ra phương án phòng chống, cảnh báo thì vẫn chưa được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-t%E1%BA%BF/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BA%AFt-v%E1%BA%ABn-%C4%91ang-r%C6%A1i-%E1%BB%9F-ho224i-m%E1%BB%B9