Nước mắt, nụ cười của kẻ xa quê: Bôn ba cả đời nhớ, bật khóc ngay nhà mình

Người phụ nữ lần đầu thăm nơi 'chôn nhau, cắt rốn' của ba mình rồi... bật khóc. Một đứa trẻ cự tuyệt ghé quê bỗng bị quyến rũ bởi những trò cưỡi trâu, bắt ốc. Bôn ba cả đời, cuối cùng người ta vẫn nhớ về nguồn cội...

Những cánh cò trắng trên đồng lúa xanh. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Những cánh cò trắng trên đồng lúa xanh. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Khóc trên quê hương mình

Cô em họ của tôi gần 50 tuổi mới lần đầu tiên được về thăm quê nội. Đặt chân lên mảnh đất mà mấy chục năm trước, cha cô ấy đã từ biệt ra đi, xuống tàu tập kết ra bắc, cô ấy cứ rưng rưng lệ.

Bây giờ ở quê nội chẳng còn ai thân thích, vì chiến tranh nên những người bà con của cô ấy ly tán khắp nơi, mất liên lạc hoàn toàn. Nhà từ đường cũng không còn. Tập kết ra bắc được vài năm thì cha cô ấy qua đời, rồi sau đó mẹ cô ấy cũng về với ông bà.

Thời thơ ấu trôi qua đầy khó khăn, cô ấy chỉ nhớ mang máng cha có nói rằng quê ông ở miền Trung, thuộc xã X, huyện Y, tỉnh Z. Lớn lên, lấy chồng rồi vất vả mưu sinh, cứ hẹn với lòng mình mãi nhưng cô ấy vẫn chẳng có dịp về thăm quê nội. Giờ hai con đã lớn, cô mới có điều kiện thỏa mãn niềm khát khao của mình.

Về đúng xã X, tìm đến những cụ cao niên hỏi chuyện về cha mình, các cụ người còn người mất, người nhớ người quên vì đã gần 60 năm trôi qua rồi còn gì. Rồi cô ấy cũng xác định được nền nhà cũ của ông bà nội, nơi cha cô ấy sinh ra lớn lên và ông vĩnh viễn không trở về nữa.

Đứng trước cái nền nhà cũ mà cô ấy bảo nơi đây chính nguồn cội của mình, cô ấy òa khóc.

Làng quê thân thương. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Không lỡ một chuyến về

Bà chị họ của tôi từ nước ngoài, rất lâu mới có dịp trở về thăm quê, nên cố tình dắt thằng con 13 tuổi nói tiếng Anh thạo hơn tiếng Việt đi đây đó khắp đất nước để nó hiểu biết và có ý thức về quê hương.

Chơi khắp từ Sài Gòn ra Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, rồi hai mẹ con mới dắt nhau về miền Trung. Tưởng miền Trung chắc cũng như mấy địa phương kia nên thằng cháu dứt khoát không chịu về, dù chị tôi đã mỏi miệng giải thích lẫn hằm hè với nó rằng đây là quê ngoại.

Được động viên và cả… răn đe, cuối cùng thì thằng cháu mới chịu về kèm theo điều kiện: Chỉ về một ngày rồi đi ngay.

Về quê, một làng nhỏ ven sông, thằng cháu ngỡ ngàng khi thấy quanh nó bao nhiêu điều lạ lẫm và kỳ thú: Này đồng lúa mênh mông rập rờn như biển, trên nền xanh ngắt của lúa là những cánh cò trắng bay chấp chới, kia những đàn bò ung dung gặm cỏ, không khí thoáng đãng tuyệt vời… Khác hẳn với những đô thị trong nước mà nó từng đi qua.

Thấy hắn thích thú, lũ trẻ ở quê còn rủ hắn đi câu cá, bắt ốc, cưỡi trâu và những trò này mới hấp dẫn làm sao. Và trên hết, ở đây, hắn mới cảm nhận được thế nào là quê quán, là tình cảm bà con ruột thịt, dẫu điều này thật khó giải thích.

Sau mùa gặt. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Gánh lúa về làng. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Cái điều kiện "về một ngày rồi đi ngay" mà thằng cháu đưa ra lúc ban đầu đã nhanh chóng bị quên béng. Một tuần trôi qua, khi mẹ hắn giục trở về Sài Gòn để thăm thú thêm mấy người bà con nữa thì thằng cháu chẳng chịu đi. Cu cậu đòi ở lại. Bà chị nói với tôi: "Chị mừng quá cậu à, cứ sợ nó không thích ở quê. Nhưng như vầy thì chị yên tâm rồi, quê ngoại đã trở nên thân thuộc đối với nó".

Tôi cũng mừng như chị. Và nghĩ rằng, trong thẳm sâu tâm hồn của thằng cháu tôi, dẫu mong manh nhưng vẫn còn một sợi dây neo giữ với nguồn cội và chính điều đó, khiến nó hòa nhập nhanh với mấy đứa trẻ ở quê và đã bị quê ngoại "thuyết phục".

Chuyện của cô em họ, của thằng cháu họ tôi không phải là cá biệt và cũng chẳng có gì đặc sắc. Nó bình thường như bao điều bình thường giản dị khác của cuộc sống. Nhưng tôi vẫn muốn kể lại vì qua đó, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của hai chữ “nguồn cội” – một tài sản vô hình nhưng hết sức quý báu đối với mỗi người.

Xem thêm

thanhnien.vn

Theo Bảo Huy / Thanh Niên

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nuoc-mat-nu-cuoi-cua-ke-xa-que-bon-ba-ca-doi-nho-bat-khoc-ngay-nha-minh-81207.html