Nước mắt người làm gỗ

Bước qua định kiến để đi đến sự công nhận, các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu đã làm được những kỳ tích, liên tục tăng trưởng với đỉnh mốc đạt 8 tỉ đô a Mỹ xuất khẩu vào năm 2017. Họ đã xây dựng một chuỗi khép kín mô hình phát triển bền vững từ trồng rừng, khai thác, chế biến, thiết kế, thương mại, thi công.

Ông Nguyễn Chiến Thắng bật khóc khi đang phát biểu.

Sau hơn 20 năm, Nhà nước cùng cộng đồng đã thừa nhận ngành gỗ là kinh tế môi trường và công nghiệp gỗ lâm sản là ngành kinh tế dân sinh. Những giọt mồ hôi đã nhỏ xuống. Doanh nghiệp gỗ đã đánh đổi nhiều với thời gian, bền bì kiên trì để có ngày được mật ngọt. Tuy nhiên, khóe mắt họ vẫn cay xòe khi đón chào những thành tích.

Tại buổi gặp gỡ chia sẻ thông tin trước thềm Hội nghị của Chính phủ về Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu do do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại TPHCM đã diễn ra khá sôi nổi. Trước thềm một hội nghị quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn bởi đây là lần đầu tiên, Thủ tướng lắng nghe và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ, những chia sẻ từ phía các doanh nghiệp đang trực tiếp làm nghề được quan tâm cũng là điều dễ hiểu.

Sẽ không có gì đặc biệt nếu buổi chia sẻ ấy không có một “sự cố” nhỏ. Đương khi đang báo cáo về sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Việt Nam (Hawa), đã bật khóc. Bằng những tiếng đứt quãng, ông cố nén để mọi người hiểu được ý mình: “Hai mươi năm trước, khi tham quan các nhà máy sản xuất gỗ ở các nước, tôi không bao giờ dám nghĩ là tôi sẽ có, Việt Nam mình có một nhà máy hiện đại như vậy. Vậy mà bây giờ, những nhà máy của chúng ta hiện đại hơn như vậy rất nhiều lần. Công nghiệp chế biến gỗ của chúng ta hiện nay tiên tiến bậc nhất thế giới, khác xa ngày xưa rất nhiều lần…”.

Theo lời kể của ông, ngày đó, khi bước chân vào các nhà máy tìm hiểu về ngành ở các nước, doanh nghiệp quốc tế đánh giá rất thấp doanh nghiệp Việt Nam, có khi không thèm tiếp, có lúc, lại hướng dẫn như thể chỉ bảo cho những học sinh… Trót bén duyên với ngành, những doanh nghiệp chế biến gỗ thời kỳ đó vừa làm vừa học, vừa mày mò đường đi.

Dây chuyền sản xuất đồ gỗ tại nhà máy Lâm Việt.

Năm 1997, sự kiện cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi trực thăng ngang Gia Lai, nhìn thấy những mảng trọc và đưa ra quyết định đúng đắn là đóng cửa, cấm xuất khẩu gỗ, câu chuyện tương lai ngành khó lại càng khó. Ông nhớ lại: “Năm 2000 mà doanh số xuất khẩu gỗ chỉ mới được 220 triệu đô la Mỹ. Dù ngành gỗ hoàn toàn không dính líu gì đến phá rừng cả nhưng vẫn chịu hàng loạt chính sách sai lầm”.

Cái khó ló cái khôn, để có thể tiếp tục với nghề, ông quyết định tìm đường nhập khẩu gỗ nguyên liệu về Việt Nam để sản xuất. Ông kể, trong những chuyến sang Malaysia tìm nguyên liệu, câu hỏi ông luôn dành cho đối tác là các anh biết tôi đến từ đâu không? Kết quả, không một ai có thể nghĩ ông là người Việt.

Từ con đường của ông, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng bắt đầu sang nước ngoài tìm nguyên liệu, giải quyết đầu vào để tham gia sản xuất. “Cũng may, là chúng ta nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Nếu không, ngành gỗ Việt Nam không thể có những bước chuyển mình như bây giờ”, ông Thắng nói.

Bước qua thời kỳ khó khăn nhất, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã và đang là ngành có đóng góp tích cực vào GDP của cả nước. Với lợi thế nguyên liệu rừng trồng, con người, kinh nghiệm lẫn chính sách, chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam từng bước viết lên những kỷ lục của riêng mình, kiến tạo nên hình ảnh ấn tượng về sự phát triển của doanh nghiệp gắn liền với khái niệm bền vững, phát triển phải đi liền với công cuộc bảo vệ môi trường. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), chỉ số phát triển toàn ngành chế biến gỗ Việt Nam luôn được duy trì ở mức từ 8 – 15%/năm. Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch của ngành chỉ đạt 220 triệu đô la Mỹ thì năm 2017 đã là 8 tỉ đô la Mỹ, bình quân mỗi năm tăng trưởng hơn 440 triệu đô la Mỹ. Tương ứng với tốc độ tăng trưởng trên thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng rất ấn tượng. Đến nay ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có gần 100 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt 26 - 200 triệu USD/năm và tốc độ tăng trưởng hàng năm đều tăng từ 5-7% so với năm trước.

Phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hiện có đến hơn 400.000 con người. Tính đến cuối năm 2017, toàn ngành đã sử dụng 419.565 lao động thường xuyên tại các nhà máy. Dự báo đến năm 2020, tổng sản phẩm của ngành khoảng 13,34 tỉ đô la Mỹ, năng suất bình quân khoảng 25.000 đô la Mỹ/người/năm.

Bên cạnh khả năng sản xuất, bài toán nguyên liệu chính là lợi thế lớn của ngành. Nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ thực sự đã kích thích trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất. Từ chương trình trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng từ 39,7% năm 2011 đã tăng lên 41,45% năm 2017. Con số này tương ứng với tỷ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước, tính theo khối lượng, từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017 và kỳ vọng đạt 55% vào năm 2020. Tỷ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vì thế đã giảm đi tương ứng, lần lượt từ 64% xuống 48% và 45%.
Nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì chúng ta nguồn nguyên liệu rẻ hơn so với việc nhập khẩu. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia: Việt Nam là trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới. Niềm tự hào này, không phải quốc gia nào cũng có được.

Gói trong bước chuyển mình thần tốc của ngành chế biến gỗ nước nhà, có mồ hôi, có cả những vui buồn của thế hệ doanh nhân tiên phong. Năm 2018 được đánh giá là thời kỳ tươi sáng nhất trong lịch sử ngành chế biến gỗ, tính đến nay, nhưng các chuyên gia vẫn đang dự báo sự phát triển ấy còn dài thêm 10, 20 năm tới bởi thế hệ kế cận đã xuất hiện và bắt đầu tham gia ngành. Giọt nước mắt hôm nay của người được xem là một trong những cái tên mở đường cho chế biến gỗ Việt Nam bước qua thời kỳ khó khăn nhất vì vậy mà đầy cảm xúc.

Việt Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276711/nuoc-mat-nguoi-lam-go.html