Nước mắt người dân vùng lũ ngày trở về

Hơn 20 năm về trước, cơn bão ma túy tràn qua bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã cuốn đi biết bao nhiêu chàng trai khỏe mạnh, là những người trụ cột trong gia đình khiến bản làng vốn yên bình này một thời phải điêu đứng khổ sở vì 'làn khói trắng'. Vừa vực dậy khỏi nỗi đau mất mát quá lớn, bản Poọng lại phải hứng chịu cơn lũ quyét kinh hoàng diễn ra từ ngày 28-8-2018 đến 31-8-2018 đã cuốn đi tất cả những gì mà người dân nơi đây có được sau bao nhiêu năm tích góp. Giờ đây, người mất nhà, người còn nhà thì cũng chưa thể trở về vì nhà cửa đã bị vùi lấp trong lớp đất đá.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thăm, tặng quà cho bà con vùng lũ bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Ảnh: Lê Đồng

Vườn không nhà trống tan hoang

Trận lũ kinh hoàng tràn qua bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát khiến người dân nơi đây không kịp trở tay, nhiều hoa màu, tài sản của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Khó có thể kể hết những khó khăn mà người dân bản Poọng đang phải đối mặt. Giờ đây, người dân cũng không biết bắt đầu từ đâu khi mọi tài sản đều bị dòng lũ cuốn trôi, trong chốc lát bỗng dưng trắng tay.

Trên con đường dẫn vào bản Poọng ngổn ngang đất đá, cùng với những vết sạt lở, nhiều ngôi nhà giờ chỉ còn lại đống đổ nát, những ngôi nhà còn sót lại cũng xiêu vẹo, vùi lấp trong lớp bùn đất. Cảnh tượng bản Poọng tan hoang hiện ra khiến chúng tôi không thể tin vào mắt mình, bản Poọng có 89 hộ dân với 412 nhân khẩu thì có 21 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 9 nhà bị nghiêng ngả xiêu vẹo, 33 nhà bị ngập trong lớp bùn đất.

Đi đến đâu chúng tôi cũng gặp những ánh mắt thẫn thờ, lo lắng và những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Nhìn những gương mặt người dân thất thần sợ hãi, đứng nhìn ngôi nhà bị sập hoàn toàn, anh Hà Văn Mắm, ở bản Poọng, xã Tam Chung chảy nước mắt xót xa cho công sức bao nhiêu năm trời mà vợ chồng tích góp để gây dựng: “Trắng tay rồi các anh ơi, mất mát nặng quá, không biết đến bao giờ gia đình mới có nhà để ở, cuộc sống sao mà nghiệt ngã vậy”. Anh Mày nói trong nỗi niềm chua xót.

Người dân bản Poọng ăn, ở, sinh hoạt tại Đồn Biên phòng Tam Chung. Ảnh: Lê Đồng

Trở về bản sau nhiều ngày cơn lũ đi qua, chị Hoàng Thị Thưa, ở bản Poọng, xã Tam Chung với hai hàng lệ ngắn dài tiếc nuối nhìn khối tài sản của gia đình bị dòng lũ cuốn trôi: “Chẳng còn gì cả, tất cả tài sản đều bị lũ cuốn đi rồi, nhà thì trở thành đống đổ nát, không biết những ngày tới sẽ sống sao đây khi nhà cửa không còn”.

Mất mát rất lớn đối với bà con vùng lũ bản Poọng, rồi những ngày tới cuộc sống của họ sẽ ra sao khi mà mọi tài sản đều bị dòng lũ dữ cuốn trôi. Nhiều người cao niên ở bản Poọng cho hay, đây được coi là trận lũ lớn nhất trong vòng 60 năm qua.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung giúp dân bản Poọng, xã Tam Chung di dời nhà cửa đến nơi an toàn. Ảnh: Lê Đồng

Theo ông Vi Văn Pấng (82 tuổi): “Con suối này hiền hòa là vậy, nó đã đem đến cho người dân trong bản thóc gạo đầy bồ. Vậy mà khi nó hung dữ thì sức tàn phá thật khủng khiếp. Từ bao đời nay tôi chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tàn khốc như vậy, lũ về quá nhanh, nó đổ xuống cuồn cuộn cuốn trôi tất cả tài sản của người dân chúng tôi. Bây giờ không biết phải sống như thế nào nữa, hoang mang lắm chú ơi”.

Cố gượng dậy sau cơn lũ lịch sử

Trở về bản Poọng sau gần 10 ngày ở nhờ trong Đồn Biên phòng Tam Chung, anh Hà Văn Ừn đã không tìm thấy nhà của mình đâu. Anh Ừn nói trong nỗi nghẹn ngào: “Từ hôm gia đình tôi đi sơ tán vào Đồn Biên phòngTam Chung trú ngụ, hôm nay về tìm thì không thấy nhà đâu nữa. Toàn bộ tài sản đã bị vùi lấp theo dòng nước lũ hết rồi, khổ quá các anh ơi, có muốn khóc cũng không khóc được. May nhờ Đồn Biên phòng cưu mang chứ cũng chẳng biết ở đâu”.

Ông Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng chia sẻ: “Mất mát lớn lắm các chú ơi, nhiều hộ dân chỉ trong phút chốc bỗng trắng tay, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua, động viên nhau làm lại từ đầu. Nhưng may nhất là bản chúng tôi không có ai bị chết hoặc mất tích. Bây giờ chứng kiến cảnh người dân không nhà cửa, môi trường ô nhiễm, ốm đau bệnh tật bủa vây, chúng tôi lo lắm”.

Thượng tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết: “Cơn lũ đi qua hậu quả rất nặng nề, trước tình hình trên đơn vị đã khẩn trương sơ tán, di dời 140 người dân có nhà bị lũ cuốn về đơn vị ở tạm và bố trí nơi ăn, chốn ở từ ngày 30-8 đến nay, trước mắt là ổn định cuộc sống cho các gia đình bị mất nhà cửa và tài sản. Đồng thời, đơn vị huy động cán bộ, chiến sĩ tiếp cận địa bàn khắc phục thiên tai, tham gia ứng cứu, giúp các hộ dân bị sạt lở đất đá, vùi lấp nhà cửa và các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng di dời đến nơi an toàn”.

Người dân huyện Mường Lát lấy nước từ mạch nước ngầm phục vụ sinh hoạt. Ảnh: Lê Đồng

Anh Hà Văn Ừn quay về nơi ở nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau lũ. Ảnh: Lê Đồng

Theo ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa: “Tính đến thời điểm hiện tại (7-9), huyện Mường Lát đã có 7 người chết và mất tích, 3 người bị thương do mưa lũ, có 139 hộ bị sập nhà hoàn toàn, 313 hộ phải di dời và 226 hộ bị ảnh hưởng phải di dời, 1.131 con gia súc, gia cầm bị vùi lấp và lũ cuốn trôi, nhiều tuyến quốc lộ, cầu đường bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng. Ước tính tổng thiệt hại trên địa bàn huyện Mường Lát trên 1.000 tỷ đồng. Ông Thông cũng cho biết, tính đến nay huyện Mường Lát cũng đã tiếp nhận được trên 11 tỷ đồng, 48 tấn gạo, 3.000 thùng mì tôm và nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm khác từ các đơn vị, cơ quan ban ngành, các nhà hảo tâm ủng hộ”.

Cũng theo ông Thông, trận lũ lịch sử vừa qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân ở huyện Mường Lát, hiện tại tuyến đường giao thông huyết mạch nối từ các huyện miền xuôi lên thị trấn Mường Lát vẫn chưa thông đường, nhiều bản làng đang bị chia cắt, cô lập. Người dân vùng lũ Mường Lát đang đối diện với thiếu lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu. Đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt, hàng trăm người dân phải đến các mạch nước ngầm cách xa vài km để tắm rửa, lấy nước về sinh hoạt, nguy cơ dịch bệnh là rất lớn.

Chưa bao giờ người dân bản Poọng, xã Tam Chung lại phải oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên như lúc này. Hiện tại cả hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa đang vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt để cùng người dân nơi đây sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nuoc-mat-nguoi-dan-vung-lu-ngay-tro-ve