Nước mắt người đàn ông vào viện chăm con, bán ma túy

Chăm chỉ làm việc nhưng cuộc sống của gia đình ông Trần Đăng Dung, SN 1961, ở tiểu khu 8 thị trấn Sơn La, huyện Mộc Châu (Sơn La) tưởng như vào ngõ cụt khi liền một lúc cả ông và người con trai bị tai nạn lao động, phải nhập viện. Trong lúc bí bách, ông Dung đã nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của con nghiện, trở thành cầu nối giữa họ với đội ngũ bán ma túy.

Làm liều vì túng

Án 5 năm không phải là dài nhưng với ông Dung thì thật khủng khiếp bởi trước đó đã rất nhiều tai ương ập xuống gia đình ông. Dịch bệnh cướp đi cả đàn lợn, sau đó là tai nạn lao động đến với hai bố con ông và bây giờ là ông vào trại cải tạo. Cứ nghĩ đến cảnh vợ và 4 đứa con ở nhà, ông Dung lại trằn trọc không ngủ được. Gần 2 năm chưa một lần được gia đình tới thăm, ông hiểu ở nhà chắc eo hẹp lắm. “Tôi rất mong tin nhà dù chỉ là một dòng ngắn ngủi nhưng cả nhà có ai biết chữ đâu mà thư với từ. Mấy đứa nhỏ cũng được đi học nhưng sớm nghỉ nên có lẽ cũng quên mặt chữ rồi”, ông Dung bảo.

Nghĩ đến con, người đàn ông này bỗng trào nước mắt, đôi bàn tay cụt một nửa đang dò dẫm tìm chữ trên quyển Tiếng Việt lớp 1 bỗng dừng lại, run rẩy.

Quê ở vùng ven biển huyện Nghĩa Hưng, Nam Định nhưng gia đình ông Dung đi vùng kinh tế mới rồi lưu lạc lên đất Mộc Châu, sống bằng nghề làm nương. Nhà nghèo chỉ có sức khỏe là tài sản nên khi lập gia đình, ông Dung cũng chỉ chọn được người cùng cảnh ngộ. Vợ chồng bảo ban nhau chăm chỉ làm ăn tuy nhiên nhiều khi bát cơm cũng không được đầy, nhất là với một gia đình đông con như ông. Ngoài ruộng vườn ra, vợ chồng ông còn đi làm thuê làm mướn. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong vất vả, nhọc nhằn. Các con khôn lớn, bắt đầu biết giúp đỡ cha mẹ, ông Dung mừng vì nghĩ cuộc đời mình từ đây sẽ an nhàn, ai ngờ tai họa lại liên tiếp ập xuống.

Trong một lần ông Dung cùng hai cậu con trai lớn đi đóng gạch thuê, ông Dung bị máy cắt vào tay. Người con trai thứ hai của ông đứng gần đó lao ra ngắt cầu dao, ngã thụt chân vào máy. Cả hai được đưa ngay vào viện nhưng di chứng thật nặng nề. Con trai ông mất một chân còn ông bị mất 3 ngón tay. Ca tai nạn lao động bất ngờ khiến cả nhà lao đao. Vợ ông suy sụp khi cùng lúc phải chạy vạy lo tiền đóng viện phí cho cả bố con. Cũng vì mải lo cho người nằm viện mà hai con lợn nái còn sót lại trong trận dịch lăn đùng ra chết vì bị bỏ đói. Nghe vợ thông báo, ông chỉ biết đấm ngực than trời. “Hai vợ chồng vẫn còn tuổi lao động, 4 đứa con đều khỏe mạnh, chăm chỉ, ai cũng bảo giờ là khá rồi đây. Thế mà gia đình tôi cứ nghèo riết. Bắt đầu khấm khá lên được tí thì mùa màng thất bát, chăn nuôi gặp đại dịch”, ông Dung tâm sự.

Cố che đi hai hàng lệ, ông bảo nhiều đêm không ngủ được, cứ ngồi nghĩ miên man rồi tự hỏi tại sao cả nhà mình chăm chỉ thế mà tai ương cứ liên tục dội xuống.

Nói về lý do phạm tội, ông Dung bảo tại mình ngu dốt, kém hiểu biết và cũng một phần vì túng quá. “Hai bố con nằm viện tự chăm nhau. Tôi chỉ cụt mấy ngón tay nên vừa chăm con vừa xem trong viện ai nhờ gì thì giúp. Cũng là chỉ mong kiếm vài đồng bố con rau cháo qua ngày để mẹ con nó ở nhà còn yên tâm kiếm tiền. Nhưng kiếm đồng tiền ở viện có dễ đâu”, ông Dung kể.

Theo lời ông Dung kể thì ngoài những lúc chăm con, ông lại ra cổng viện xem có ai thuê gì làm nấy. Thương hoàn cảnh của ông nên mấy bà bán cơm thuê ông xách nước cho họ. Rồi ông cũng tranh thủ kiếm được ít tiền từ bán nước sôi cho người nhà bệnh nhân. Ngày nào may mắn cũng kiếm được vài chục ngàn, chưa kể có ai vào viện cần phải cõng, mang vác đồ đạc, ông đều nhanh nhảu nhận làm nên cũng có thêm vài đồng. Ngày lao động kiếm cơm cho bản thân và đứa con nằm viện, tối đến ông lại ngồi trông con, mệt quá thì nằm luôn ghế đá ngoài hành lang ngủ.

Thấy ông vạ vật trong BV, một số con nghiện đã tỉ tê nhờ ông mua hộ ma túy. Chúng bảo tại chúng nghiện sắp chết rồi, vào BV tìm chỗ chích cho an toàn, ông chỉ việc cầm tiền chúng đưa, ra cổng viện mua hộ tép ma túy là bằng bán cả chục phích nước. Ban đầu ông cũng ngần ngừ nhưng rồi nghĩ tới con, tới khoản viện phí sắp phải thanh toán, ông đã xuôi tai. Lần đầu tiên cầm tiền chúng đưa, tay ông run bắn như phải bỏng, lấy hộ ma túy về trả rồi mà vẫn còn run. Thấy ông đầm đìa mồ hôi, bà bán hàng vẫn cho ông mượn bếp than để đun nước bán còn tưởng ông bị cảm. Nhưng chỉ có ông là biết mình bị làm sao.

“Ngày đầu tiên làm điều phạm pháp, tôi mất một đêm thức trắng, đôi mắt hốc há́c chả khác gì con nghiện nhưng sau thì quen dần. Bữa cơm của hai bố con thưa dần món đậu truyền thống, đã có thêm miếng thịt, cá…”, người đàn ông tóc hoa râm khoác áo phạm nhân này bỗng nhiên bỏ lửng câu nói. Im lặng một lúc, ông ta nói tiếp, giọng nghèn nghẹn: “Tiền kiếm được có dám tiêu hoang đâu, tôi cứ dè sẻn từng đồng, đến khi sắp đủ tiền đóng viện phí cho con xuất viện thì tôi bị bắt. Nghe đâu con tôi được BV chiếu cố nên giảm bớt một phần chi phí”.

Với hành vi mua bán ma túy, ông Dung bị kết án 5 năm tù.

Lớp học xóa mù chữ ở trại giam Hồng Ca. Ảnh: N.Vũ

Lớp học xóa mù chữ ở trại giam Hồng Ca. Ảnh: N.Vũ

Mong mỏi tin nhà

Do không biết chữ nên sau khi về trại Hồng Ca cải tạo, ông Dung được tham gia lớp học xóa mù chữ dành cho những phạm nhân mù chữ và tái mù chữ. Thế nhưng ở cái tuổi xấp xỉ sáu mươi, trong đầu bộn bề những lo toan, suy nghĩ về gia đình, vợ con thì làm sao có thể học được. Ông Dung bảo đi học được 2 tháng rồi nhưng chẳng có chữ nào lọt được vào đầu thành ra mãi đến giờ vẫn chưa thuộc hết mặt chữ cái. “Mấy lần tôi xin với cán bộ cho nghỉ học vì đến lớp ngồi mãi mà không đánh vần, không đọc được thì xấu hổ lắm. Cán bộ cứ động viên bảo chịu khó đọc là thế nào cũng học được nên tôi lại đi”, ông Dung kể.

Xoa mái tóc cứng bạc quá nửa, ông Dung bẽn lẽn bảo tại cứ cầm sách lại nghĩ đến mấy đứa con ở nhà, thương chúng vì bố mẹ nghèo quá mà chẳng đứa nào được học hành tử tế. Tất cả chỉ được đến trường vài năm là nghỉ ở nhà lao động, chắc chẳng đứa nào còn nhớ chữ nữa nên không thấy viết thư cho bố. “Tôi chẳng biết nói gì ngoài một ước mong ở nhà mọi người mạnh khỏe. Thấy mọi người có gia đình lên thăm cũng chạnh lòng lắm nhưng cảnh nhà mình nó vậy thì phải chấp nhận thôi”, ông Dung nói.

Ông bảo, trả án tại trại giam Hồng Ca, ông cố gắng lao động tốt để sớm được ra tù, trở về đoàn tụ với gia đình. Hỏi ông về công việc đang làm, gương mặt người đàn ông này chợt giãn ra. Lần đầu tiên thấy ông ta vui vẻ: “Tôi làm ở đội trực sinh, công việc là quét dọn và nhổ cỏ. Nhiều lúc ngồi nhổ cỏ có cảm giác như mình được đi phơi nắng cho đỡ cớm”.

Thì ra người đàn ông có gương mặt khắc khổ này cũng biết hài hước. Chỉ tiếc rằng cuộc sống với những thăng trầm vất vả đã khiến ông trở nên chai sạn để rồi sau lần mắc lỗi cứ day dứt nhớ thương người vợ tần tảo và đàn con thất học nơi quê nhà.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nuoc-mat-nguoi-dan-ong-vao-vien-cham-con-ban-ma-tuy-172100.html