Nước mắt ngư dân sau khi tàu bị chìm trên biển

Một tàu câu mực Quảng Nam va vào bãi đá ngầm dẫn đến thủng lỗ đáy làm chìm tàu, rất may 47 thuyền viên được cứu vớt và đưa vào bờ an toàn.

Nước mắt của ngư dân

Vào khoảng 13h ngày 19/3, tàu cá QNa 91595 TS đã đưa 47 ngư dân trên tàu câu mực QNa 90839 TS gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam cập cảng An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành an toàn.

Người thân và chính quyền động viên ngư dân Bé (áo đỏ).

Người thân và chính quyền động viên ngư dân Bé (áo đỏ).

Sau khi các thuyền viên trên tàu gặp nạn đặt chân lên bờ đã được Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, lãnh đạo UBND huyện Núi Thành đã đến thăm hỏi, động viên.

Khuôn mặt mệt mỏi, ngư dân Nguyễn Văn Bé (44 tuổi) là chủ tàu câu mực QNa 90839 TS kể lại, vào khoảng 8h30 ngày 15/3, thuyền viên trên tàu chuẩn bị nghỉ trưa thì không may sóng lớn đánh mạnh làm tàu va vào bãi đá ngầm tạo một tiếng động thật to.

Mọi người liền chạy xuống hầm máy tàu để sửa chữa tìm cách vá lại lỗ thủng, đồng thời cùng nhau lấy can nhựa múc nước biển chảy vào trong tàu, nhưng do thân tàu bị hỏng nặng trong vòng 30 phút sau thì tàu bị nghiêng rồi chìm dần xuống biển.

Ngư dân Bé kể lại sự việc.

Trước khi tàu chìm, mọi người chỉ kịp đưa được 4 chiếc thúng chài xuống biển và bộ đàm Icom, thế rồi 47 ngư dân leo lên ngồi chờ ứng cứu. Mỗi chiếc thúng chai trôi theo mỗi hướng khác nhau. Lúc sau mọi người dùng bộ đàm Icom liên lạc các tàu cá đánh bắt gần đó chạy lại cứu vớt.

“Hơn 6 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển thì tôi và các ngư dân đã được tàu QNa 90929 TS của ngư dân Phạm Văn Lâm, trú cùng huyện cứu vớt lên tàu an toàn, sau đó họ di chuyển chúng tôi qua tàu cá QNa 91595 TS để đưa vào bờ, còn tàu QNa 90929 TS tiếp tục đánh bắt hải sản trên biển ”, ngư dân Bé chia sẻ.

Bà Lâm khóc kể lại nghe tin tàu chồng bị chìm trên biển.

Nhớ lại thời khắc bị chìm tàu, ngư dân Võ Văn Lâm (43 tuổi), trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, là thuyền viên trên QNa 90839 TS gặp nạn nói: “Khi nghe một tiếng rầm, mọi người đều la lớn, tàu va đá ngầm rồi anh em ơi! Rồi mọi người lêu thúng chai chờ người đến cứu vớt, chứ không kịp đem theo được thứ gì cả. Riêng chuyến biển này tôi đã bỏ ra 30 triệu đồng, còn các anh, em khác mỗi người từ 30 đến 50 triệu đồng góp vốn với chủ tàu với hy vọng kiếm được nguồn thu nhập để lo trang trải cuộc sống cho gia đình, nhưng ai ngờ lại bị gặp nạn như thế này, giờ thì đã trắng tay”.

Lãnh đạo huyện Núi Thành động viên ngư dân gặp nạn.

Đưa tay lau từng giọt nước mắt, ngư dân Bé nói: “Tàu chúng tôi xuất bến ngày 27/2, khi ra tới ngư trường Hoàng Sa được vài ngày đánh bắt hải sản chưa được gì thì gặp nạn. Tàu bị chìm khiến tôi mất hơn 6 tỷ đồng, tính luôn các ngư lưới cụ, giờ mọi tài sản, của cải mà tôi dành dụm hơn 20 năm qua nằm dưới biển sâu”.

Kịp thời hỗ trợ ngư dân

Trong số 47 ngư dân có thuyền viên Đỗ Tấn Lộ bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Những người còn lại mệt mỏi nhưng không bị ảnh hưởng đến tính mạng.

Có điều giờ đây ai nấy rất buồn và người thân mong ngóng tin chồng, con trở về, vừa mừng mà vừa lo. Mừng khi họ đảm bảo được tính mạng, nhưng lo sợ lâm nợ khi gặp nạn trên biển tài sản đã theo sóng biển.

Thuyền viên Võ Văn Lâm nhớ lại thời khắc tàu bị chìm.

Những ngày qua nghe tin tàu của gia đình mình bị chìm trên biển, bà Phan Thị Yến Lâm (45 tuổi) thẫn thờ, liên tục bị ngất xỉu vì lo tình hình sức khỏe cho chồng là ngư dân Bé cùng các ngư dân khác trên tàu.

Bà Lâm gào khóc nói: “Thấy chồng và các thuyền viên trở về bình an thì mừng, nhưng giờ chẳng còn gì nữa rồi, tàu bị chìm giữa biển khơi, không biết thời gian đến lấy gì để mưu sinh, nuôi các con cái ăn học. Gia đình tôi vừa mới vay mượn ngân hàng 1,2 tỷ đồng chưa trả được, không biết làm gì để trả nợ”.

Tàu cá QNa 91595 TS đưa 47 ngư dân trên tàu gặp nạn vào bờ.

Bà Lâm cũng bày tỏ nguyện vọng, các ngành chức năng, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để cho chồng bà tiếp tục vay mượn để đóng tàu mới vươn khơi trở lại. Còn tiền nợ ngân hàng mong họ có chính sách khoanh nợ để gia đình có thời gian làm ăn để trả nợ dần dần.

Ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Khi nhận tin tàu câu mực của ngư dân Bé có 47 người bị chìm trên biển, chính quyền huyện đã chỉ đạo lực lượng biên phòng, ngành nông nghiệp và các tàu cá địa phương tiếp cận sớm nhất để cứu vớt các ngư dân. Quan trọng nhất là cứu tính mạng con người. Điều đáng mừng là tất cả thuyền viên trên tàu gặp nạn đều đảm bảo an toàn sức khỏe. Tinh thần, thương thân, thương ái của các ngư dân giúp đỡ lẫn nhau trên biển là rất tốt. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 1 triệu đồng/thuyền viên tàu gặp nạn”.

Lúc tàu câu mực QNa 90839 TS bị chìm giữa biển khơi.

Cũng theo ông An, thời gian đến, chính quyền huyện sẽ chỉ đạo cho Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cùng các cơ quan liên quan tập trung xử lý sớm nhất về bảo hiểm cho tàu gặp nạn theo đúng quy định và hướng dẫn cho các ngư dân này đi đánh bắt hải sản cùng các tàu thuyền khác để cải thiện cuộc sống.

Ngoài ra, hướng dẫn chủ tàu tiếp cận các nguồn vay vốn của ngân hàng để có nguồn kinh phí đóng lại tàu mới, sớm vươn khơi, bám biển trở lại.

Tấn Thành- Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nuoc-mat-ngu-dan-sau-khi-tau-bi-chim-tren-bien-556636.html