Nước mắt... mực khô

Cả ngàn tấn mực khơi khô không xuất được sang Trung Quốc khiến ngư dân Quảng Nam nợ nần chồng chất, tương lai mù mịt

Ngày 6-7, trời miền Trung nắng như thiêu đốt, chúng tôi tìm về xã Tam Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) - nơi được xem là "thủ phủ" của nghề đánh bắt mực khơi ở tỉnh Quảng Nam. Những ngôi làng chài bên này giáp biển, bên kia giáp sông Trường Giang không còn vắng lặng, không còn cảnh chỉ có phụ nữ và trẻ em như mọi ngày. Ở các hàng quán, những người đàn ông thất nghiệp ngồi tụm năm tụm bảy nói chuyện, uống cà phê nhưng gương mặt ai cũng đượm buồn...

Khó khăn chồng chất

Khung cảnh ảm đạm cũng bao trùm lên cảng cá An Hòa - nơi tập trung số lượng lớn tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Nam. Hàng chục chiếc tàu hành nghề bắt mực khơi nằm phơi nắng im lìm trước cửa biển. Trên các con tàu, lâu lâu có một vài ngư dân tạt qua coi ngó hàng hóa. Một số người tranh thủ may lại mành lưới, sửa chữa những hư hỏng nhỏ trên tàu. Đôi mắt họ thi thoảng lại hướng về phía biển như mong ngóng, nhung nhớ một điều gì đó ở phía khơi xa. Nếu buôn bán thuận lợi, có lẽ giờ đây họ đang ở giữa biển khơi cùng sóng gió chứ không phải ăn không ngồi rồi trên bờ như vậy.

Gặp chúng tôi, anh Phan Văn Thành (SN 1971) - chủ tàu QNa 91679 - nói như khóc: "Quá tệ, năm nay thất bại rồi. Đi làm chi mà cả tháng trời về không có đồng bạc". Anh Thành cho biết tàu của anh hành nghề mành chụp, trên tàu có 15 lao động. Sau 2 chuyến biển liên tiếp (mỗi chuyến 20 ngày), tàu của anh đánh bắt được mười mấy tấn mực khô nhưng chưa bán được đành phải bỏ trong hầm.

Mỗi chuyến biển, anh Thành phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua dầu và các nhu yếu phẩm phục vụ cho việc đánh bắt mực khơi. Trước đây, thương lái mua mực với giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg thì nay hạ xuống chỉ còn 70.000 đồng/kg. Nếu chấp nhận bán với giá này, anh lỗ ít nhất 100 triệu đồng/chuyến biển. Vì vậy, anh để mực lại trong hầm tàu với hy vọng giá tăng lên trong thời gian tới nhưng cứ nơm nớp lo để quá lâu mực sẽ hỏng.

Mực hạ giá sốc, vợ chồng anh Thành không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng. Con tàu của vợ chồng anh đóng mới vào năm 2016 từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ, mỗi tháng trả 14 triệu đồng tiền lãi và trong năm nay phải trả 700 triệu đồng tiền nợ gốc. "Năm ngoái việc đánh bắt, tiêu thụ mực thuận lợi nên vợ chồng tôi trả được 500 triệu đồng tiền gốc và gần 200 triệu đồng lãi. Năm nay, ngân hàng báo tiền gốc phải trả tăng lên 700 triệu đồng. Mùa này là mùa đánh bắt chính mà phải ở nhà chơi thế này đây. Giờ đi thì chắc chắn lỗ, ở nhà thì bụng dạ cồn cào, lo lắng không ngủ được. Nợ thì ngân hàng đòi. Kiểu này chắc chết, tính không ra" - anh Thành than thở.

Thuyền viên Võ Văn Anh buồn bã vì lênh đênh, làm việc giữa biển 2 tháng trời mà không nhận được tiền

Thuyền viên Võ Văn Anh buồn bã vì lênh đênh, làm việc giữa biển 2 tháng trời mà không nhận được tiền

Cùng hoàn cảnh, anh Đỗ Văn Tâm (SN 1976) - chủ tàu cá QNa 91612 - cho biết sau 20 ngày lênh đênh trên biển, 12 lao động trên tàu của anh đánh bắt được gần 10 tấn mực khô nhưng giờ chưa bán được đành bỏ trong kho. Nếu chấp nhận bán với giá 70.000 đồng/kg, anh lỗ gần 100 triệu đồng, trong khi các lao động của anh vất vả gần cả tháng ngoài biển chẳng thu được đồng nào. Anh Tâm cũng đang rất lo lắng bởi để có tàu vươn khơi bám biển, vợ chồng anh vay ngân hàng hơn 16,2 tỉ đồng theo nguồn vốn vay của Nghị định 67. "Mỗi năm vợ chồng tôi phải trả lãi 170 triệu đồng, chưa tính tiền gốc gần 1 tỉ đồng. Giá cá, giá mực thì giảm trong khi giá dầu lại tăng cao khiến ngư dân khó khăn chồng chất. Bây giờ lâm vào tình cảnh thế này, riêng tiền lo cho hai đứa con ăn học cũng không có chứ đừng nói có tiền tỉ để trả nợ" - anh Tâm ngao ngán.

Anh Võ Văn Anh (SN 1972) - thuyền viên tàu QNa 91522, sau 2 tháng đi câu mực hết sức vất vả, tàu của anh trở về bờ đã hơn 10 ngày nhưng do giá quá thấp, chủ tàu chưa bán được mực nên anh và các thuyền viên chưa nhận được đồng nào. "Ăn sóng nằm gió, làm việc nguy hiểm giữa biển 2 tháng trời nhưng giờ có nguy cơ tay trắng không biết lấy gì để nuôi vợ con đây" - anh Văn Anh buồn bã.

Theo anh Đặng Văn Hội (SN 1971) - chủ tàu QNa 91568, tàu của anh hành nghề câu mực, con mực to gấp đôi so với nghề mành chụp nên bình thường thương lái mua với giá từ 170.000 - 180.000/kg. Nhưng vừa qua, anh đành chấp nhận bán hơn 20 tấn mực với giá chỉ 105.000 đồng/kg vì sợ để lâu mực hỏng. Với giá bán này, anh Hội may mắn không bị lỗ nhưng số tiền thu được chẳng bao nhiêu. Lao động trên tàu của anh cũng chỉ được 5-10 triệu đồng sau 2 tháng trời làm việc vất vả trên biển nên ai cũng chán nản.

Tồn 1.300 tấn

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết toàn tỉnh có 67 tàu với hơn 3.000 thuyền viên làm nghề đánh bắt mực khơi. Sản lượng hằng năm khoảng 5.000 tấn mực khô. Trước đây, sản phẩm mực khơi khô được thương lái thu mua, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc yêu cầu việc nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp, trong đó có mực khơi khô, phải theo đường chính ngạch nên tình hình tiêu thụ không được thuận lợi như trước. Số mực khơi chưa bán được tại huyện Núi Thành là gần 1.000 tấn, tại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) cũng có khoảng 300 tấn.

Liên quan đến việc mực khô không tiêu thụ được, ngày 3-7 vừa qua, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản đề nghị xem xét, hỗ trợ việc đàm phán với các bộ, ngành, hải quan Trung Quốc để sản phẩm mực khơi khô của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian sớm nhất. Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị được hướng dẫn cách thức, yêu cầu cụ thể để sản phẩm mực khơi khô có thể xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đề nghị được hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước chế biến sâu các mặt hàng từ mực khơi khô để giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm...

Quảng Ngãi: Tồn hơn 2.000 tấn mực khô

Ngày 5-7, ông Nguyễn Thành Tín - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết do Trung Quốc không thu mua khiến số mực khô tồn tại nhà các ngư dân, cơ sở chế biến đã lên hơn 2.000 tấn.

"Bình Chánh có 70 tàu hành nghề câu mực với khoảng 3.000 lao động tham gia đánh bắt, chế biến, kinh doanh mực khô. Tuy nhiên, việc tiêu thụ mực khô tại địa phương đang gặp khó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình" - ông Tín nói.

T.Trực

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nuoc-mat-muc-kho-20190706221313815.htm