Nước mắt Manganang và căn bệnh khiến những đứa trẻ bị bỏ rơi giới tính

Sinh ra với bộ phận sinh dục ngoài lỡ cỡ, những đứa trẻ mắc dị tật hypospadias (lỗ tiểu lệch thấp) phải sống trong thời gian dài bị nhầm lẫn giới tính.

Mới đây, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin Aprilia Manganang, cựu vận động viên bóng chuyền nổi tiếng của Indonesia, chính thức đổi tên thành Aprilio Perkasa Manganang. Các giấy tờ tùy thân của Manganang cũng được thay đổi, bao gồm tên và giới tính là nam.

Suốt 28 năm mắc dị tật lỗ tiểu lệch thấp, lần đầu tiên, Manganang chính thức sống thật với giới tính vốn có. Không riêng Manganang, rất nhiều người phải chấp nhận sống trong tình cảnh trớ trêu này vì dị tật bẩm sinh không được chẩn đoán sớm.

Nước mắt của Manganang

Chia sẻ trên CNN Indonesia, Manganang cho biết trước đó anh đã không ngừng thắc mắc về danh tính của mình từ khi dậy thì.

Anh cảm thấy lúng túng khi hòa nhập với các vận động viên nữ, tuy vậy, sự bối rối, sợ hãi khiến anh không thể nói về những gì đang xảy ra, chỉ mơ hồ nghĩ rằng mình không muốn ở bên cạnh một người phụ nữ. Điều này khiến cựu tay đập hạn chế kết giao, thân thiết với các nữ đồng nghiệp, kể cả việc cùng thay quần áo.

 Aprilio Perkasa Manganang bật khóc trong ngày được chính thức công nhận giới tính và đổi bảng tên. Ảnh: InfoSemarangRaya.

Aprilio Perkasa Manganang bật khóc trong ngày được chính thức công nhận giới tính và đổi bảng tên. Ảnh: InfoSemarangRaya.

Suốt những năm oanh tạc các mùa SEA Games cùng trận đấu lớn nhỏ, Manganang không ít lần bị hoài nghi về giới tính do hình thể nam tính. Đến tháng 9/2020, Manganang tuyên bố giải nghệ và phục vụ trong quân đội với cấp bậc trung sĩ.

Ngày 3/2, Manganang trải qua cuộc kiểm tra y tế khi các quan chức nhận thấy sự bất thường về thể chất của cựu tay đập. Kết quả khiến nhiều người bất ngờ. Manganang là nam giới. Thông tin này đã gây sốt trong làng bóng chuyền Đông Nam Á.

Ngày 19/3, Tòa án quận Tondano chấp thuận yêu cầu đổi tên của Manganang. Chính thức được công nhận là đàn ông, Manganang đã khóc.

Aprilio Perkasa Manganang cảm thấy mình có sức hút sau khi chính thức chuyển giới. Giờ đây, anh đã có diện mạo mới, không còn kiểu cắt tóc dài ngang vai mà tự tin với hình thể nam tính, cơ bắp.

Không chỉ vậy, Amasya Manganang (từng là chị gái của cựu tuyển thủ) cũng gặp phải tình trạng tương tự và sẽ thay đổi tình trạng giới tính từ nữ sang nam trong thời gian tới.

Căn bệnh khiến trẻ bị nhầm giới tính

Ông Andika Perkasa, Tổng tham mưu trưởng, cho biết Manganang mắc chứng rối loạn y khoa gọi là hypospadia (lỗ tiểu lệch thấp). Do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế lúc đó, Manganang đã được chỉ định giới tính nữ suốt thời gian dài.

Câu chuyện của Manganang không phải chuyện hiếm thấy. Tại Việt Nam, những tình huống bi hài này thường xuyên gặp phải tại các đơn vị Ngoại - Tiết niệu hay Nam học.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch hội đồng xác định giới tính Bệnh viện Nhi đồng 2, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết cách đây 2 năm từng phẫu thuật cho bé trai mắc dị tật lỗ tiểu thấp nặng. Suốt 6 năm gia đình nhầm lẫn nên đăng ký khai sinh cho bé là con gái. Mãi đến khi tắm cho con mới phát hiện bé có tinh hoàn.

Một ca phẫu thuật lỗ tiểu thấp được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện. Ảnh: BS Nguyễn Hiền.

Lỗ tiểu lệch thấp (hay lỗ đái lệch thấp, lỗ tiểu đóng thấp, hypospadias) là dị tật sinh dục tiết niệu bẩm sinh mà lỗ tiểu đổ ra bất thường ở mặt dưới của quy đầu, dương vật, bìu hoặc tầng sinh môn và thường kèm theo biến dạng của dương vật như cong, xoay trục hay lún gục vào bìu.

Đây là một trong những dị tật bẩm sinh hay gặp với tỷ lệ 1/300 bé trai. Bệnh ảnh hưởng chức năng tiểu tiện, sinh sản của trẻ sau này và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Chính dị tật này khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng về giới tính của trẻ nhỏ.

Tiến sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện nguyên nhân gây dị tật lỗ tiểu thấp chưa được biết chính xác. Các giả thiết có thể là gene di truyền từ gia đình. Nếu trẻ có cha hoặc anh em ruột mắc dị tật lỗ tiểu thấp, nguy cơ bé cũng mang căn bệnh này.

Ngoài ra, yếu tố môi trường và nội tiết cũng có liên quan. Yếu tố môi trường như tiếp xúc thuốc trừ sâu, estrogen hay các chất mang bản chất estrogen và chất có bản chất độc tố cũng làm tăng nguy cơ.

Ngoài ra, các chất kháng androgen trong môi trường cũng đóng vai trò như thuốc kháng nấm. Các yếu tố môi trường cũng làm gia tăng tỷ lệ ung thư tinh hoàn và tinh hoàn ẩn tại nhiều quốc gia phương Tây.

Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác cũng được đặt ra như thiếu yếu tố phát triển thượng bì da ở vùng bụng dương vật. Khiếm khuyết về mạch máu cũng được ghi nhận khi người ta luôn không tìm thấy động mạch nuôi niệu đạo đoạn xa trong lỗ tiểu thấp.

Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn để giúp niệu đạo và dương vật của bé trở về hình dáng con trai bình thường. Tùy theo vị trí lỗ tiểu và độ cong của dương vật, có nhiều cách phẫu thuật khác nhau.

Khi được phát hiện sớm các bất thường, thời điểm phẫu thuật "chuyển giới" lý tưởng nhất là trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Phẫu thuật càng sớm càng tránh cho bệnh nhân chấn thương tâm lý về sau. Phẫu thuật khi tuổi càng lớn thì biến chứng có thể xảy ra càng nhiều.

Ở trẻ lớn hơn hay người trưởng thành, việc xác định lại giới tính cần dựa trên rất nhiều các tiêu chuẩn về mặt y khoa (nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, nội tiết tố, khả năng sinh sản, phẫu thuật...), tâm lý, nhận thức của chính bệnh nhân và gia đình.

Bên cạnh dị tật lỗ tiểu thấp, những khiếm khuyết bẩm sinh như tinh hoàn ẩn, phì đại âm vật, rối loạn phát triển giới tính... thường gây nhầm lẫn giới tính ngay khi trẻ vừa chào đời.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh việc xác định lại chính xác giới tính mang tính nhân văn, bảo đảm mỗi người được sống đúng với giới tính của mình.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-mat-manganang-va-can-benh-khien-nhung-dua-tre-bi-bo-roi-gioi-tinh-post1195962.html