Nước mắt du mục

Cha mẹ Trang sinh được 8 người con thì có tới 5 người bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Họ vĩnh viễn là những đứa trẻ lên ba chỉ biết cười.

Nước mắt là tôi nói thôi, chứ người phụ nữ dân tộc Chăm ấy, chị Báo Thị Trang, thì không có thời gian mà buồn khóc. Thời gian ngủ còn không có, làm sao rảnh mà buồn? Mà, đời họ vốn đã buồn hơn nước mắt.

Người ta bảo chị may mắn hơn những người anh em của mình. Nhưng tôi không chắc điều đó, bởi những người ngây ngô và thiểu năng kia có thể sẽ không có lo lắng, xót lòng như chị. Khi phải gồng gánh lo cho 11 con người gồm hai vợ chồng, cha mẹ già, 5 chị em câm điếc ngây ngô và 2 đứa cháu.

Gần nửa thế kỷ cuộc đời, những ngọn gió trườn qua vùng đất bán hoang mạc phía nam Ninh Thuận đã thổi héo những mùa xuân xanh của chị, thổi khô những giọt nước mắt.

Chị Trang (bìa phải) ngồi cùng các anh chị em của mình. Ảnh: HOÀNG AN

Chị Trang (bìa phải) ngồi cùng các anh chị em của mình. Ảnh: HOÀNG AN

Cha mẹ Trang sinh được 8 người con thì có tới 5 người bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Những người anh chị em ấy không tự lo được cho mình. Họ vĩnh viễn là những đứa trẻ lên ba chỉ biết cười. Những nụ cười khiến người khác héo lòng. Mỗi lần buồn bã với những đứa con, cha mẹ Trang lại cố gắng sinh đứa nữa để lấp đầy chỗ khuyết, rồi đứa sau lại thiểu năng, đứa nữa lại câm điếc. Cái hố bất hạnh càng lấp lại càng đầy thêm những tuyệt vọng.

Cái nghèo đã đẩy họ xuống sâu, và cũng cái nghèo đẩy họ xa làng, xa cộng đồng. Ở lại làng lấy gì mà sống khi nhà quá nghèo, những đứa con dù không phát triển trú tuệ nhưng vẫn cần ăn để sống? Mà những đứa con của họ còn mắc chứng sợ người. Thế là họ ly hương. Xa cách cộng đồng. Gọi là ly hương nhưng về mặt địa lý cũng chỉ cách làng dăm cây số ở vùng rừng thưa Quán Thẻ, ngày ấy cùng thuộc xã Phước Nam, nay tách thành xã Phước Ninh, Thuận Nam, Ninh Thuận.

Ở đó họ dựng chòi ven chân núi và xin chăn cừu thuê. Ở đó thiếu nước, xa làng nhưng thừa nắng gió và ít con người.

Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo

Trang sinh ra bình thường nhưng từ bé mặc cảm nghèo và quanh quẩn với những người anh chị em câm điếc của mình nên cũng thành nhút nhát. Thế giới của cô bé cũng chỉ là những tiếng ú ớ và những nụ cười ngây dại của những chị em quanh mình. Trang cũng sợ người lạ.

Gái lớn thì phải lấy chồng. Là người Chăm, theo chế độ mẫu hệ, con gái lấy chồng cha mẹ phải cho của hồi môn. Và của hồi môn ngày chị lấy chồng là gánh nặng của cái nghèo và nỗi lo cho cả những người anh chị em câm điếc. Chị và chồng không có gì để thừa kế ngoài nghiệp du mục. Họ cũng như cha mẹ, lại chăn cừu thuê. Nắng cũng như mưa, vợ chồng chị Trang thậm chí còn không dám đau ốm. Vì đau ốm thì cả nhà chết đói.

Mùa hạn, hai vợ chồng dậy từ khi trời còn tối mịt, lo cơm nước cho cả nhà rồi mang theo xoong cơm, chút mắm hoặc cá khô, theo bầy cừu lầm lũi đi suốt những con đường mù bụi tìm nơi có cỏ. Mà Ninh Thuận thì hạn quanh năm, đường mù bụi sau đàn cừu. Từ xa, người và cừu lẫn con đường họ đi quện vào nhau thành một màu. Màu của bụi đất, của nhọc nhằn số phận.

Ninh Thuận thì hạn quanh năm, đường mù bụi sau đàn cừu. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Cha mẹ ngày một già đi. Cả đời ông bà đã kiệt quệ thời gian, sức lực. Họ không khánh kiệt vì thật ra chẳng có gì để mà khánh kiệt, xưa nghèo cùng cực như nào, về già cùng cực nghèo y như vậy. Chỉ là ngày trước ông bà có thể chăn cừu thuê nuôi 8 đứa con, còn giờ đây họ chỉ có thể ngồi nhà dõi theo bước chân của vợ chồng Trang. Đời du mục và ly hương ngay chính quê mình, thương con cũng đành nuốt nước mắt vào trong. Nẻo đường chăn cừu qua Chà Bang, Tam Lang, Hoài Trinh, Văn Lâm, Bầu Ngứ ngày xưa họ đi đầy gai hắc hầu, giờ vợ chồng Trang lại đặt bàn chân mình lên dấu chân cha mẹ.

Đã bao giờ bạn nhìn thấy bàn chân người du mục?

Ở xứ cằn khô đầy gai và đá này, bàn chân họ có thể ngăn gai đâm thay cho đôi dép, gót chân dày lên chai sạn và nứt nẻ, ngón chân choãi ra và móng chân cũng lớp này lớp khác chồng lên nhau do thường xuyên vấp đá. Da họ khét nắng và tóc tõe ra như ai xé làm đôi.

Người du mục ai cũng nghèo. Nhưng những người khác vất vả một, hai vợ chồng Trang vất vả mười. Bởi, họ phải nuôi cha mẹ già, nuôi thêm 5 anh chị em bị câm điếc bẩm sinh và 2 đứa cháu.

Căn bếp nhà chị Trang nấu ăn cho 11 người trong gia đình. Ảnh: HOÀNG ANH

Hai cháu của Trang là con của hai người chị em câm điếc bẩm sinh. Hai chị bị kẻ nào đó cưỡng bức và sinh ra... Ơn trời, cả hai đứa bé ấy đều bình thường. Chỉ có sự phi thường là giữa nghịch cảnh ấy chúng vẫn được đến trường. Giờ, đứa nhỏ học tiểu học, đứa lớn học lớp 10. Những đứa trẻ sinh ra từ trái ngang bất hạnh, giờ thành niềm an ủi, thành nguồn hy vọng cho cả gia đình 11 con người ấy.

11 con người, có hai người già mất sức lao động, có hai đứa trẻ đi học và 5 người câm điếc khờ khạo sống bằng tiền công chăn cừu thuê 12 triệu mỗi năm. Tức mỗi tháng chỉ 1 triệu đồng cho 11 người, 1 triệu đồng cho mọi nhu cầu. Thỉnh thoảng họ cũng ai thuê gì làm nấy kiếm thêm. Nhưng 1 triệu đồng ấy là sự sống còn của họ.

Ngày lấy chồng, Trang cũng từng có giấc mơ một căn nhà. Thế nhưng giờ họ vẫn ở trong căn chòi lợp Fibro ciment hầm hập nóng mà người chủ dựng tạm bên trại cừu sát chân núi. Giờ, Trang và chồng lại mơ tiếp giấc mơ về tương lai khi hai đứa cháu, hai người biết chữ trong nhà sau này lớn lên, chúng sẽ thoát nghèo, chúng sẽ...

Trang không dám mơ hơn nữa vì không dám ghĩ sau giấc mơ ấy sẽ là gì. Bởi vì chị và chồng cũng đã sức cùng lực tận. Nếu các cháu học nữa, tiền đâu mà học.

Cha mẹ Trang, những người anh em của chị và cả vợ chồng chị đêm đêm vẫn từ khu rừng thưa ấy nhìn về phía quầng sáng. Ánh chớp đằng đông là hải đăng Mũi Dinh, vệt sáng đằng tây đổ từ trên núi xuống là nhà máy thủy điện Đa Nhim, quầng sáng phía Bắc là Phan Rang, Phú Quý. Còn chỗ họ, chỗ ven rừng Quán Thẻ ấy ngày thừa nắng và đêm thì tối. Ngay giấc mơ họ cũng tiện tặn không dám mơ gì, bởi sợ sau hy vọng sẽ là tuyệt vọng.

Viết những dòng này. Tôi chỉ mong mọi người cùng chung tay giúp họ vơi đi những nhọc nhằn. Một mảnh đất dựng nhà là điều tôi có thể đề đạt với lãnh đạo địa phương, nhưng nếu có đất, họ cũng chẳng có gì mà xây. Chị Hoàng Anh và các đồng nghiệp ở Đài Phát thanh Truyền hình Ninh Thuận đã kêu gọi hỗ trợ họ, số tiền tới nay được gần 20 triệu đồng. Tỉnh nghèo, người nghèo lại quá đông. Mong bạn bè tôi sẽ nối dài cánh tay nâng bước họ.

Bạn đọc giúp chị Báo Thị Trang xin gửi về các số tài khoản:

117000007990. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM, Ngân hàng Công Thương VN - CN 10 TP.HCM (VIETINBANK). Khi chuyển khoản xin ghi rõ: “Tên người gửi + giúp chị Trang du mục”.

19020351928011. Chủ tài khoản: Nguyễn Đức Hiển, Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hồ Chí Minh Khi chuyển khoản xin ghi rõ: “Tên người gửi + giúp chị Trang du mục”.

ĐỨC HIỂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/nuoc-mat-du-muc-951299.html