Nước mắt dòng sông

Vụ chìm ghe trên sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, H.Đại Lộc, Quảng Nam làm thiệt mạng 6 người đều là nông dân quanh năm một nắng, hai sương với ruộng đồng chưa kịp xua tan bao nỗi ám ảnh kinh hoàng của bà con quanh vùng thì hung tin khác lại ập tới.

Vụ chìm ghe trên sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, H.Đại Lộc, Quảng Nam làm thiệt mạng 6 người đều là nông dân quanh năm một nắng, hai sương với ruộng đồng chưa kịp xua tan bao nỗi ám ảnh kinh hoàng của bà con quanh vùng thì hung tin khác lại ập tới.

Vụ 11 thanh niên đều ở cùng thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên thuê chiếc ghe nhôm chở qua sông Thu Bồn để tới gò Thuận Tình, thành phố Hội An vui chơi đến chiều quay về thì gặp gió, ghe lật, hất tất cả 11 người xuống giữa dòng gần cầu Cửa Đại. May mắn thay, có 6 người được cứu sống còn 5 người khác chìm nghỉm tận đáy sông sâu. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn và bà con ngư dân dùng các loại phương tiện tìm kiếm liên tục đến sáng ngày 10-5 mới vớt được thi thể cuối cùng, bàn giao cho gia đình lo tang lễ.

Có lẽ trong nhiều loại hình tai nạn thì các vụ chìm đò, chìm ghe để lại hậu quả thảm khốc nhất bởi thực tế cho thấy nguyên nhân hầu hết các vụ chìm ghe, chìm đò đều do vận chuyển quá tải trọng. Khi ghe, thuyền vận chuyển ngoài năng lực gặp sự cố như nước chảy xiết, sóng xô, gió giật... thì người đứng, ngồi trên ghe hoảng sợ, gây nhốn nháo làm ghe càng chao đảo rất dễ bị lật. Chính vì vậy mà việc vận chuyển quá số người trên ghe dễ xảy ra tai nạn hơn ghe quá tải đối với vận chuyển hàng hóa.

Đã từ lâu, các đơn vị chức năng từ cấp xã đến cấp tỉnh cũng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy nội địa, song vẫn chủ yếu ở các bến đò ngang, chấn chỉnh các hoạt động sai phạm, buộc các chủ đò cam kết bảo đảm an toàn cho khách sang sông mọi lúc, mọi nơi cũng như việc xử phạt các chủ đò đưa khách không đảm bảo các thiết bị an toàn và kiên quyết đình chỉ hàng chục bến đò khắc phục các kiến nghị chậm chạp hoặc không chuyển biến tích cực dẫn tới vi phạm nhiều lần.

Lâu nay, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng thường làm công tác quản lý hành chính với các bến đò ngang cố định, có đấu giá thu tiền, song lại bỏ sót một loại hình vận chuyển khác, đó chính là các ghe, thuyền tự phát dùng chở khách đi chơi bời, ăn uống tại các địa điểm hoang vắng, câu cá... thậm chí những địa điểm được cảnh báo nguy hiểm. Loại hình này thường là ghe, thuyền của mình, ai biết thì cứ liên hệ, không mời chào, quảng cáo rình rang.

Quảng Nam có nhiều sông, hồ. Những làng mạc ven các dòng sông, rất nhiều gia đình sử dụng ghe, thuyền tự chế để ứng phó với thiên nhiên, lũ lụt. Vì vậy mà loại phương tiện này rất cần thiết trong đời sống của bà con. Bên cạnh mục đích đó, họ còn dùng ghe để chở người đi làm, đi chơi mà vụ tai nạn thương tâm xảy ra hồi tháng 2 vừa rồi tại xã Đại Cường là một ví dụ. Vụ tai nạn giữa dòng sông Thu của xã Duy Nghĩa rất tương tự. Dẫu biết rằng đưa ra các biện pháp phòng ngừa bằng mệnh lệnh hành chính đối với các chủ bến đò ngang cố định, có địa danh, địa chỉ rõ ràng không khó, song đối với những loại ghe, thuyền chở khách tự phát không hề giản đơn chút nào. Lại càng khó hơn mỗi khi họ dùng ghe, thuyền của mình chở nhiều người thân quen, bè bạn vi vu trên sông nước mà không thu lợi nhuận đồng nào.

Từ những bất cập đó, thiết nghĩ, chính quyền các xã, phường, đặc biệt là lực lượng công an cơ sở tổ chức rà soát tất cả các gia đình ven sông, hồ có ghe, thuyền cá nhân thường sử dụng qua đó tuyên truyền, giải thích trách nhiệm, nghĩa vụ đối với chủ phương tiện, đồng thời đề nghị họ cam kết, không chở nhiều người và phải có các thiết bị cứu sinh, đảm bảo an toàn đối với những người bước lên ghe, thuyền của mình. Đối với các ghe, thuyền tự phát các “dịch vụ bỏ túi” tức là khách móc điện thoại gọi lúc nào thì đáp ứng lúc đó, không đăng ký, không bến bãi thì dứt khoát xử lý bằng các biện pháp mạnh hơn.

Hẳn nhiều người còn nhớ tại bến đò Cà Tang, xã Quế Trung, H. Quế Sơn, nay là H. Nông Sơn, nơi thượng nguồn sông Thu cách đây tròn 17 năm, tức tháng 5-2003, một chuyến đò bạc mệnh đã cướp đi sinh mạng 18 em học sinh. Nỗi đau sông nước chỉ được kéo giảm khi các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm quản lý, các chủ phương tiện có ý thức cao hơn và đặc biệt người bước lên những chiếc ghe, thuyền nhỏ nhoi, tròng trành trên mặt nước phải có trách nhiệm với chính mình, chịu khó mặc áo phao may ra mới tránh khỏi tai ương, các dòng sông mới thôi rơi những giọt nước mắt!

THÁI MỸ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/106_224692_nuoc-mat-dong-song.aspx