Nước mắt đời thợ lặn

Bao đời nay, những trai tráng khỏe mạnh dọc con sông Thương từ huyện Tân Yên, Lạng Giang đến Yên Dũng (Bắc Giang) vẫn mưu sinh bằng cái nghề 'ăn cơm nhà, sống dưới đáy sông'. Nghề lặn mò trai, trùng trục ở nhiều làng đã trở thành gia truyền.

Vất vả, nguy hiểm

Từ thành phố Bắc Giang, ngược theo con đê, chúng tôi lên khúc sông Thương thuộc địa phận thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương, Lạng Giang. Mới hơn 6 giờ sáng ngày đầu đông, nhưng chúng tôi đã thấy 2-3 ống bương nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Một lát sau, bọt nước sủi lên và dần dần nhô lên mấy chiếc đầu khỏi mặt nước. Họ bắt đầu đu cưỡi ống bương và kéo theo chiếc dây thừng có buộc một chiếc sọt tre chìm dưới nước dần dần vào bờ. Bên trong sọt là mấy cục đá và vài con trai, con trùng trục. Vừa thở hổn hển, ông Lê Văn Đức (48 tuổi) vừa kể với chúng tôi về nghề mưu sinh của mình.

Ông nói, nghề lặn mò trai, trùng trục đã gắn bó với ông gần 30 năm nay. Ông bảo: “Đây là nghề cha truyền, con nối trong gia đình tôi đã được 3 đời rồi”. Đoạn sông Thương từ thôn Phúc Mãn ngược lên cầu Bến Tuần (Hợp Đức, Tân Yên) và xuôi về phà Bến Đám (TP Bắc Giang) dường như đã quá quen thuộc với ông Đức và nhóm lặn Phúc Mãn. Ngay cả những gì có ở dưới đáy sông gần như các anh cũng thuộc như lòng bàn tay.

Ông Đức ngoi lên mặt nước với con trai vừa mò được trên tay

Ông Đức ngoi lên mặt nước với con trai vừa mò được trên tay

Buổi sáng, ông Đức thường đi lặn mò trai từ 5-8 giờ sáng và buổi chiều từ 17-19 giờ với mùa hè; còn mùa đông từ 6-9 giờ sáng, từ 16-18 giờ chiều. Theo ông, đồ nghề của những thợ lặn vùng quê này rất đơn giản, gồm một ống bương to dài khoảng 2m, một chiếc sọt tre và đoạn dây thừng dài từ 10-15m.

“Đoạn dây thừng này dài bao nhiêu thì cũng chính là độ sâu mà người làm nghề có thể lặn xuống dưới đáy sông. Chiếc ống bương tuy đơn giản nhưng có rất nhiều tác dụng. Nó như chiếc phao cứu sinh luôn nổi bập bềnh trên mặt nước, để thợ lặn ngoi lên thở lấy sức. Đồng thời nó cũng như một tín hiệu để báo cho người quăng chài ở đoạn sông biết khu vực này đang có người mò ngọc trai, để họ không quăng nhầm, mắc vào lưới”, ông Đức giải thích.

Một số đàn ông trung niên, tuổi từ 40 - 55 ở Phúc Mãn và các xóm lân cận từ bé không được đi học và chẳng có chuyên môn kỹ thuật gì nên đành làm cái nghề sông nước khổ cực đã có từ đời ông cha. Dù mùa đông nước lạnh buốt, hay ngày hè oi nóng, họ vẫn phải hành nghề để có cái sinh nhai.

Chiều về, xuôi theo đường đê Ba Tổng bên sông Thương chúng tôi tìm về xã Đức Giang và Tiến Dũng, huyện Yên Dũng để tìm gặp những cao thủ lặn mò khác. Đây là khu ven sông Thương, tập trung nhiều làng làm nghề mò lặn trên sông nhất, có thể kể đến như: làng Bến, làng Tiên La (Đức Giang), làng Đông Thắng (Tiến Dũng). Hiện nay ở các làng này vẫn còn hàng chục cao thủ lặn sông Thương tuổi từ 40 - 60.

Ông Nguyễn Văn Thi ở làng Bến, vẫn được mệnh danh là “ông đặc công nước” ở vùng này. Năm nay, ông Thi đã bước vào tuổi 52 nhưng đã có thâm niên hơn 30 năm đi lặn khắp sông Thương, sông Lục Nam (Bắc Giang) và đoạn sông Lục Đầu Giang (Chí Linh, Hải Dương). Sở dĩ có biệt danh “đặc công nước” bởi những năm đi lính ông đã từng được tuyển chọn vào đội đặc công do ông có biệt tài về lặn. Ông Thi có thể ngụp lặn liên tục dưới nước 3-4 giờ đồng hồ mà vẫn cảm thấy bình thường. Chỉ trừ những hôm mưa bão, băng giá thì ông mới chịu ở nhà. Nghề lặn mò trai ở Tiến Dũng, Đức Giang đã nổi tiếng khắp Bắc Giang với những con người như ông Thi.

Chúng tôi may mắn được đi cùng ông Thi và nhóm lặn của làng Bến, Tiên La và Đông Thắng, gồm các ông Ngô Văn Đồng, Ngô Văn Phú, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Minh… ra sông mò trai.

Sau vài phút lặn mất tăm khỏi mặt nước, ông Thi ngoi lên với con trai rất to trên tay. Ông trải lòng: “Nghề lặn này không dành cho người có sức khỏe yếu. Hầu hết thanh niên chúng tôi đều sống với sông nước từ bé, biết ngụp lặn từ năm lên 7, lên 8 tuổi rồi. Những người chưa quen, khi lặn xuống đáy sông, với sức ép của nước, nếu không có sức chịu đựng, họ có thể bị hộc máu ra miệng, mũi, tai, thậm chí là đứt dây thần kinh”.

Cũng theo ông Thi, nghề đi lặn mò trai, trùng trục còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khác. Bên cạnh những vật cứng, nhọn như các mảnh thủy tinh, đinh… ở đáy sông khiến họ bị đứt tay, đứt chân xảy ra như cơm bữa, một số người xấu số còn tử nạn ngay trên khúc sông quê bởi bị chuột rút khi đang hành nghề. Những người đi lặn mò trai, trùng trục đều có một tâm niệm và hành động đồng nhất đó là ngoài việc mưu sinh ra, thì luôn luôn phải cứu người bị đuối nước hoặc vớt xác trôi trên sông.

Hưng - suy nào có ai hay

Nghề lặn dọc sông Thương (Bắc Giang) mang tính cha truyền, con nối. Nghề của những người đàn ông miền sông nước bơi giỏi, lặn tài và đặc biệt phải có lòng dũng cảm. Bởi lặn mò ở dưới đáy sông sâu 10 - 15m là vô vàn những mối nguy tiềm ẩn. Cái nghề đi lặn mò trai, trùng trục này từng rất hưng thịnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Khi đó, các làng khảm trai như Chuôn Ngọ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Liên Bão, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) và Dĩnh Kế (thị xã Bắc Giang)… cần rất nhiều nguyên liệu là vỏ trai.

Đống vỏ trai vứt xó ở nhà ông Thi, chẳng có ai mua

Ông Thi nhớ lại: “Ngày còn trẻ, khi tôi mới vào nghề, đi lặn cùng bố mình và rất thích thú khi một ngày lặn cả 2 bố con kiếm được 3-4kg vỏ trai, bán đi mua được 1 tạ lúa. Tính ra nếu so với thời giá bây giờ thì 1kg vỏ trai có giá trên 100.000 đồng”. Nhiều gia đình có 2-3 người là bố con, anh em cùng đi lặn mò trai trên sông nên đã có cuộc sống sung túc hơn. Thậm chí, có gia đình đã phá bỏ được căn nhà đất lụp sụp để xây nhà mái bằng, nhà ngói ba gian khang trang.

Nhưng đến đầu thế kỷ 21, thời thế đã thay đổi hoàn toàn. Các làng khảm trai bị suy thoái do sự cạnh tranh của những đồ thủ công mỹ nghệ khác. Đồng thời nguyên liệu để làm khảm trai cũng phong phú từ nguồn cung cấp đến nơi cung cấp, chứ không chỉ từ nhóm người đi lặn mò trên sông nữa. Nhiều người phải bỏ nghề hoặc chuyển sang làm thêm công việc khác. Ông Nguyễn Văn Minh, ở Tiên La (Đứng Giang) cũng đi lặn suốt hơn 20 năm, nhưng rồi đã phải chuyển sang nghề sửa chữa xe đạp, xe máy. Ông Minh cho biết: “Nhà tôi cũng có 3 đời đi lặn sông rồi, hiện nay nghề này rất khó ăn. Để nuôi hai người con ăn học, nên khoảng 10 năm trước tôi đã mở cửa hàng sửa chữa xe nho nhỏ ở làng để mưu sinh. Những lúc rảnh rỗi tôi lại ôm bộ sọt tre, ống bương ra sông lặn để kiếm thêm con trai, con trùng trục…”.

Cả hai làng Bến và Tiên La, Đức Giang hiện nay vẫn còn khoảng 20 người đi lặn mò trai, trùng trục. Nhưng theo chúng tôi được biệt, đi lặn thường xuyên chỉ có 3-4 người mà thôi. Bên làng Đông Thắng (xã Tiến Dũng) cũng chỉ có 3 người thường xuyên đi lặn. Để thích ứng với thời cuộc, các ông thợ lặn ở mấy làng đã mua thuyền và cùng nhau kết hợp thả lưới, quăng chài bên cạnh nghề lặn mò trai truyền thống. Theo nhóm còn đi lặn thường xuyên của ông Thi thì hiện nay cá tôm và đặt biệt là trai, trùng trục đã giảm hẳn trên các sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam do ô nhiễm môi trường và tận diệt của con người. Chính vì thế, nhiều hôm họ đi lặn mò, quăng chài cả ngày cũng chẳng kiếm nổi 100.000 đồng.

Dẫn vào nhà, ông Thi đưa chúng tôi ra xem chỗ vỏ trai chất đống ở góc sân. Ông buồn bã cho biết, đống vỏ trai này cũng đến 2-3 tạ rồi, nhưng cho tới giờ vẫn chưa có ai mua. Thỉnh thoảng có người ở làng khảm trai đến thì họ cũng chỉ mua 5-10kg với giá rẻ như phế liệu (cao nhất cũng chỉ được 12.000/kg). Còn ruột con trai cũng có thể chế biến thành các món đặc sản hoặc nấu cháo rất ngon, nhưng với những người đi lặn mò như ông Thi thì chẳng thể tìm được đầu ra ổn định ở các nhà hàng. Khi mang ra chợ quê bán hoặc bị thương lái ép giá thì cũng rẻ như cho. Nhiều lúc buồn bã vì giá quá rẻ, chẳng muốn mang ra chợ bán, ông Thi lại cùng vợ mổ trai ra rồi đem cất vào trong tủ lạnh làm thức ăn dần.

Bao đời nay, các làng Bến, Tiên La (Đức Giang), Đông Thắng (Tiến Dũng) vẫn được ví là vùng “chiêm khê, mùa thối”, vì đất, vì ngập nước, diện tích canh tác nông nghiệp ít, lại không có làng nghề phụ nên cuộc sống của một bộ phận dân cư vẫn còn khó khăn. Đặc biệt, những gia đình làm nghề chài lưới, mò lặn trên sông rơi vào diện khó khăn nhất thôn, nhất xã. Dù thế hệ ông cha và bản thân mình đã đi lặn mò, chài lưới nhưng khi nghe các ông tâm sự thì chúng tôi nhận thấy chẳng ai muốn đời con cháu mình còn làm cái nghề vất vả, nguy hiểm này nữa.

Tuy nhiên do cuộc sống, nhiều gia đình vùng nông thôn nơi đây vẫn còn khó khăn nên bọn trẻ vẫn phải đi làm kiếm tiền. Trên khúc sông Thương và ở những vùng đầm nước ở Đức Giang, Tiến Dũng, Yên Dũng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp nhóm thiếu nhiên đang hì hục bắt cua, đánh dậm. Còn một số em gái ít tuổi phải đi mò ốc bán lấy tiền phụ thêm trang trải cuộc sống với bố mẹ. Đó là sự thiệt thòi của các em nhỏ nơi đây, bởi đáng lẽ sau giờ học hoặc lúc nghỉ hè các em phải được vui chơi, đùa nghịch bên bạn bè.

NGUYỄN HƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nuoc-mat-doi-tho-lan-491822.html