Nước mắt của cô bé Ngư

Nhận điện thoại của mợ ở dưới quê gấp gáp báo tin cậu ruột ốm nặng nằm viện, Ngư rụt rè ngỏ ý xin bà chủ nhà cho nghỉ vài ngày và tạm ứng trước ít tiền công để về chăm sóc cậu. Nghe xong, bà Hồng lắc đầu ngoay ngoảy từ chối: 'Cháu mà về thì bà cho đi luôn đấy!'.

Văn hóa và Đạo đức

Không thuyết phục được bà chủ, Ngư đành lủi thủi xuống bếp nhặt rau, thái thịt chuẩn bị cơm chiều. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Ngư được vợ chồng người cậu ruột cưu mang nuôi nấng. Hơn hai năm trước, nhờ mấy người trong làng giới thiệu, Ngư đến làm giúp việc cho vợ chồng bà Hồng. Vợ chồng bà vốn là dân buôn bán, nhưng đã có tuổi, cho nên chuyển giao cho con cái quản lý, về nghỉ ngơi dưỡng già, thỉnh thoảng du lịch đây đó. Nhớ lại hôm đầu tiên đến nhà bà Hồng, Ngư lơ ngơ bấm chuông, bỗng hốt hoảng khi một con chó béc-giê to sụ lao ầm ầm phía bên trong cánh cổng, sủa ông ổng khiến bà Hồng được dịp quát mắng té tát phủ đầu. Nhìn lại, cô bé mới thấy ngay cạnh cổng nhà treo tấm biển to đề dòng chữ nguệch ngoạc: "Nhà có chó dữ, đề nghị đứng xa bấm chuông". Từ hôm đó, mỗi ngày bà chủ đưa cho Ngư một tờ giấy ghi nhằng nhịt đủ thứ công việc cần thực hiện trong ngày. Công việc nhiều khi lắt nhắt, luôn tay, luôn chân cả ngày, từ dọn dẹp, bếp núc, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc chó mèo và trông bà cụ mẹ bà Hồng bị tai biến nằm liệt một chỗ mấy tháng nay. Nhiều hôm bận việc đến tận đêm khuya, Ngư mới được ngả lưng nghỉ ngơi. Vốn tính chặt chẽ, tiền đưa Ngư đi chợ hằng ngày, bà Hồng ghi chép chi li, tỉ mỉ từng đồng lẻ. Cơm nước lỡ sơ suất kém ngon, bà lải nhải ca thán suốt bữa ăn, để rồi cuối tháng tìm cách vạch vòi bắt bí khấu trừ tiền công. Công việc ngập đầu vất vả còn bị bà chủ khó tính chèn ép, song Ngư nghĩ thương gia đình cậu mợ nghèo, lại đông con, vì thế cố nhẫn nhịn chịu đựng, mong gom góp được chút tiền để cuối năm gửi về giúp cậu mợ. Hơn nữa, đã trót cam kết với bà Hồng để đến cuối năm mới tính sổ thanh toán tiền công, cho nên Ngư muốn bỏ dở giữa chừng cũng khó.

Sau hôm xin nghỉ về chăm cậu không được, đến cuối tuần, lấy cớ sắp hết năm cần dọn dẹp cửa nhà sạch sẽ, bà Hồng gọi Ngư dậy thật sớm khiêng vác đồ đạc, nhặt nhạnh chai lọ, giấy má, áo quần cũ tập kết dưới sân chờ bán phế liệu. Lát sau, Ngư nghe tiếng bà chủ gọi ầm lên ở tầng hai cho nên vội vã chạy lên. Bà Hồng dồn dập căn vặn Ngư về chiếc hoa tai bằng vàng hằng ngày bà vẫn đeo giờ chỉ còn lủng lẳng một bên. Ngư ngỡ ngàng lắc đầu không hay biết, nhưng bà chủ nhà vẫn căn vặn đổ cho cô giấu giếm, rồi bà bắt Ngư lục tung mọi thứ lên tìm kiếm. Tối muộn, chưa thấy hoa tai đâu, bức xúc vì chuyện bà Hồng nghi ngờ, cô bé nước mắt lưng tròng, dại dột cầm con dao gọt hoa quả tự khía vào ngón tay để "thề độc" chứng minh cho sự trong sạch của mình làm máu chảy đầm đìa. Hàng xóm nghe ồn ào kịp thời chạy sang cứu giúp đưa Ngư đi bệnh viện. Lúc này, cô cháu gái của bà Hồng vừa về đến nhà mới vô tình nhìn thấy chiếc hoa tai rơi ở chậu hoa ngoài sảnh lan can. Không ai nói gì, nhưng có vẻ bà Hồng rất bối rối với những ánh mắt trách móc của mọi người, nhất là ánh mắt của cô cháu ruột.

QUANG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/42595902-nuoc-mat-cua-co-be-ngu.html