Nước mắt bên dòng sông Leng

Ngôi làng nhỏ bên dòng sông Leng bị xóa sổ sau trận lở đất. Những người sống sót vẫn ám ảnh về thảm họa ập xuống khiến 22 thân nhân, hàng xóm của mình chết và mất tích.

Trông ngóng giữa đống đổ nát

Hơn một năm rồi, Quang đi làm xa nhà, đó cũng là khoảng thời gian bố mẹ cậu sống một mình tại ngôi nhà nhỏ ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Thời gian gần đây, bão cứ dồn dập đổ bộ vào Quảng Nam, mưa lũ liên miên, Quang cũng gọi điện hỏi thăm bố mẹ thường xuyên hơn.

Sớm 29/10, sau một đêm bão lớn mà không liên lạc được với gia đình, Quang thấp thỏm lo âu. Rồi chàng trai sững người khi tin dữ tới, cuộc điện thoại từ người thân ở xã Trà Leng: "Cả xóm mình bị lở đất rồi". Cậu bàng hoàng, hỏi lại về bố mẹ mình. Mẹ cậu thoát nạn nhưng bố mất tích. Từ Tiên Phước (Quảng Nam), Quang bắt xe khách về, vừa đi vừa khóc.

Trưa cùng ngày, Quang đã có mặt tại thôn 1. Trước mặt cậu là đống đổ nát, định thần một lúc, cậu mới nhìn ra được vị trí ngôi nhà. Khoảng 30 phút, Quang tìm được mẹ, ôm mẹ khóc nức nở. Rồi sau vài tiếng cùng người dân, bộ đội xới tung đống đổ nát tìm kiếm bố mình. Cậu tuyệt vọng, kiệt sức.

Quang nằm xuống đống đổ nát vì tuyệt vọng sau khi cùng người dân tìm kiếm người bố mất tích.

Quang nằm xuống đống đổ nát vì tuyệt vọng sau khi cùng người dân tìm kiếm người bố mất tích.

Là một trong những người may mắn thoát cửa tử, ông Nguyễn Thành Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc. Ông Sơn nhớ lại trưa 28/10, ông cùng nhiều người nghe tiếng nổ ầm ầm như sấm từ sau núi. Gió và mưa lớn khiến một cây chò cổ thụ cao hơn 20 m ven suối bị bật gốc, trôi xuống chắn ngang đường.

Khoảng 14h, gió ngớt, ông Sơn cùng một số người vừa ra khỏi nhà định khơi thông dòng chảy thì thấy cả một vạt đồi phía taluy dương con đường liên xã rung chuyển. Ngay sau đó, đất đá, cây gỗ từ trên cao bị cuốn theo dòng nước cuồn cuộn đổ xuống ngôi làng.

Ông Sơn và mọi người la hét và bỏ chạy nhưng một vài người đã không kịp. Trong chớp mắt, tất cả 13 ngôi nhà trong thôn đổ sập, nhiều người bị hất văng, cuốn trôi hoặc vùi lấp trong đất đá.

Những người đi làm xa trở về thấy nhà đã thành đống đổ nát.

Sau vụ sạt lở một ngày, bà Hồ Thị Nghi cùng em trai chạy xe máy từ Trà Dơn lên Trà Leng sau khi nghe tin con gái gặp nạn. Arâl Thị Hà, cô con gái thứ hai của bà lấy chồng về Trà Leng sinh sống. Được gần một năm thì sự cố ập đến với cô gái 22 tuổi.

Ngồi trên bìa rừng, bà Nghi không còn sức lực. Đôi mắt cứ nhìn theo chiếc cần cẩu máy xúc. Bà chỉ chờ đợi một tiếng hô hào của ai đó rằng đã tìm thấy người, nhưng suốt 7 ngày nay, chỉ duy nhất một người được phát hiện thêm.

Bà Hồ Thị Nghi cùng em trai ngồi chờ tin tức về cô con gái Arâl Thị Hà.

Cũng ngồi lặng lẽ nhìn theo hàng trăm người đang tìm kiếm nạn nhân mất tích, Hồ Thị Hòa mắt đỏ hoe, gương mặt thất thần.

Sáng 29/10, trên đường từ TP Tam Kỳ về nhà sau cơn bão, Hồ Thị Hòa gào khóc trước đống đổ nát khi mất đến 8 người thân trong vụ sạt lở.

Trước mắt Hòa là một bãi bùn đất, cây cối ngổn ngang, ngôi nhà trước đây cũng không còn. Cha mẹ, em gái và con trai chị mất tích trong đó. Gia đình cậu, dượng của Hòa cũng gặp nạn.

Hòa gục khóc khi nghe tin dữ, thi thể người thân của chị lần lượt được tìm thấy.

Trưởng xóm, ông Hồ Văn Đề vẫn bám trụ tại hiện trường cả ngày lẫn đêm. Người đàn ông nhỏ thó với bộ quần áo cũ kỹ. Mỗi ngày ông đốt 2-3 bao thuốc lá vì tâm trạng bồn chồn.

"Tôi sẽ chờ đợi đến khi những người bà con của tôi được tìm thấy hết", ông Đề nghẹn ngào. Ngôi làng này đươc lấy tên theo trưởng làng, nóc Ông Đề. Hơn 20 năm trước, ông Đề dẫn bà con, họ hàng người M'nông về đây sinh sống, xây dựng được một cộng đồng gắn bó. Suốt 10 ngày vừa qua, người đàn ông 60 tuổi vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật thảm khốc này.

Đêm xuống, ông Đề ngồi trầm ngâm bên đống lửa giữa rừng.

Cạnh hiện trường, hai chiếc lán được người dân dựng lên để ở tạm. Đây là nơi ở của những người có người thân mất tích. Họ sinh hoạt, ăn, ngủ tại đây bất kể mưa gió. Tất cả đều cùng mong muốn có tin về người thân.

Tiếng bếp củi lách tách, ông Đề cùng một người hàng xóm nấu bữa cơm tối. Đêm xuống, chỉ còn khoảng 10 người trụ lại ở lán, cạnh hai ngôi mộ đắp vội.

Đôi tay trần đào từng lớp bùn

Trong ngày đầu tìm kiếm nạn nhân mất tích, các lực lượng phải dùng tay lật từng mảng bê tông, đào bới để tìm kiếm người mất tích. Dưới cái nắng rát da, rát thịt ở Trà Leng, mỗi người mỗi việc, ai cũng khẩn trương cho công tác cứu hộ.

Người dân Trà Leng và các xã lân cận cũng đến góp sức tìm kiếm với hy vọng sẽ tìm được thêm người sống sót. Rất nhiều trong số là những thanh thiếu niên đi làm, đi học xa vội vã trở về, không ngại lội bùn tìm vào hiện trường.

Ngày đầu tìm kiếm, bộ đội cùng người dân dùng tay đào bới đống đổ nát.

Gần 800 cán bộ, chiến sĩ gồm nhiều lực lượng như Bộ Tư lệnh và cơ quan Quân khu V; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam; Sư đoàn Bộ binh 315; Lữ đoàn Công binh 270; Lữ đoàn 575; Bộ đội Biên phòng Quảng Nam… tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn tại Trà Leng.

Ngoài ra, còn có lực lượng tại chỗ, Dân quân tự vệ hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My gồm 80 người. Dân quân dự bị gồm 100 người; công an huyện 60 người.

Tỉnh Quảng Nam cũng mời chuyên gia địa chất đến nghiên cứu hiện trường sạt lở để hỗ trợ tìm nạn nhân. Suốt nhiều ngày tìm kiếm, không ít lần công việc bị gián đoạn vì thời tiết không thuận lợi tại Trà Leng.

Đội chó nghiệp vụ Bộ Quốc phòng được cử đến vào ngày tìm kiếm thứ ba. Chúng lặn lội trong những đống đổ nát, những vũng bùn sâu trong mưa lớn. Hàng trăm ánh mắt từ người dân vẫn dõi theo bước chân của từng chú chó nghiệp vụ. Mỗi khi người lính cắm cờ nơi chó nghiệp vụ nghi ngờ có nạn nhân, tất cả đều nín thở.

Chó nghiệp vụ được điều động, hỗ trợ công tác tìm kiếm tại Trà Leng. Lực lượng tìm kiếm lên tới 800 người.

Ngày 3/11, tròn 1 tuần sau vụ sạt lở. Nước từ sông Leng vẫn cuồn cuộn đổ về. Nhiều chuyên gia nhận định khả năng người mất tích bị cuốn trôi theo dòng nước xuống sông Leng, thậm chí là lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, cách ngôi làng hơn 20 km.

Vì vậy, lực lượng chức năng sử dụng 20 ca nô, thuyền máy, tỏa ra tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Cùng với đó là 4 máy đào lớn, 3 máy bơm nước cũng được huy động để bằng mọi giá phải sớm tìm ra tung tích những người còn sót lại.

Xuồng máy, cano tìm kiếm nạn nhân mất tích xuôi theo sông Leng và hồ thủy điện sông Tranh 2.

Mỗi ngày, hàng chục ôtô đưa các chiến sĩ Quân khu V tiếp cận hiện trường. Họ lập lán trại, thực hiện việc tìm kiếm cả ngày lẫn đêm.

Khi tuyến đường vào Trà Leng được khơi thông, nhiều đoàn xe từ thiện đổ về hiện trường, mang theo thực phẩm, nước uống tiếp tế cho gia đình các nạn nhân.

Thoát khỏi tử thần

Trên quãng đường 16 km từ hiện trường sạt lở Trà Leng đến quốc lộ 40B là hàng chục địa điểm sạt lở lớn nhỏ. Phương tiện không thể đi lại, những nạn nhân bị thương phải nằm trên võng để 5-10 người thay phiên nhau khiêng đến nơi có lực lượng quân đội và y tế tiếp ứng.

Người dân thay phiên nhau khiêng người bị thương đi quãng đường 16 km.

Mặc dù cơ thể bầm dập và nhiều vết thương sau vụ sạt lở, Mỹ Kim vẫn ý thức được mình đã mất người thân yêu trong gia đình. Nằm trên võng, mỗi khi có ai tới hỏi thăm, ánh mắt như cầu cứu trong tuyệt vọng. Cô bé không ngừng gào khóc "ba cháu mất rồi, ba cháu mất rồi!".

Mỹ Kim được người dân trong thôn khiêng ra ngoài.

Cách hiện trường không xa, bà Hồ Thị Chiếng ngồi thất thần khi được người dân ứng cứu và đưa ra ngoài. Gần một ngày bà cùng những người sống sót bám trụ trên quả đồi gần nhà. Đói, khát, người đau ê ẩm nhưng điều ám ảnh nhất với bà là hình ảnh những người hàng xóm bị vùi lấp dưới bùn đất chỉ trong nháy mắt.

Bà Chiếng ám ảnh về giây phút những người hàng xóm bị đất, đá cuốn đi trong chớp mắt.

Cũng như bà Chiếng, Minh Châu (chị gái của Mỹ Kim) cũng thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Châu được xe cứu thương đưa thẳng xuống Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My trong tình trạng đa chấn thương. Vết thương nặng nhất của Châu là chân phải bị gãy do cây đè.

Sau 1 tuần nằm viện, Châu đã có thể đi lại và tiếp xúc với mọi người, gương mặt tỉnh hơn. Thế nhưng, với một cô bé đang trong tuổi trưởng thành, nỗi đau mất cha là điều gì đó quá lớn. Châu không biết làm gì lúc đó, chỉ biết nhìn Kim rồi ôm mặt khóc.

Minh Châu hồi phục tình trạng đa chấn thương sau 1 tuần nằm viện.

Theo dõi hai chị em Minh Châu và Mỹ Kim từ những ngày đầu nhập viện, bác sĩ Nguyễn Lương Trung cho biết vết thương phần mềm cơ bản phục hồi. Tuy nhiên, với hai cô bé đang tuổi trưởng thành, nỗi đau mất người thân đang ảnh hưởng đến tâm lý khá nhiều. Các bác sĩ dành nhiều thời gian để động viên, an ủi hai em.

Đôi mắt Mỹ Kim vẫn tụ máu vì chấn thương.

Bà Hồ Thị Liềng đứng bên bờ sông Leng chờ đợi tin về bí thư xã Trà Leng, ông Lê Hoàng Việt. 10 ngày trôi qua, ông Việt vẫn mất tích. Không chỉ người thân, người dân xã Trà Leng cũng ngóng chờ tin về vị bí thư nhiệt tình, thương dân.

Nếu thảm họa không ập đến, ngôi làng sẽ mang tên "làng ông Việt", theo truyền thống của người M'nông.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/nuoc-mat-ben-dong-song-leng-72855.html