Nước mắt bên dòng Đà giang

Trong con ngõ nhỏ dài chừng 500 mét ở khu phố Hoàng Văn Thụ, 8 linh cữu trẻ thơ xấu số của 8 gia đình gần nhau, khói hương nghi ngút, tiếng loa kèn bi ai... Các em ra đi bỏ lại những ước mơ còn dang dở và nỗi đau cho người ở lại.

Nỗi đau mất đi người thân như đang bao trùm phố Hoàng Văn Thụ, T.p Hòa Bình (Ảnh: Thế Đại).

Nỗi đau mất đi người thân như đang bao trùm phố Hoàng Văn Thụ, T.p Hòa Bình (Ảnh: Thế Đại).

Nước mắt người ở lại

Từ lúc nhận hung tin các cháu gặp nạn, đã gần một ngày trôi qua nhưng người thân trong gia đình và người dân vẫn ngỡ thảm kịch đó chỉ là một cơn ác mộng. Từ chiều tối 21/3, rất đông bạn bè, người thân và hàng xóm đã tập trung tới gia đình các cháu để động viên, chia sẻ nỗi đau với gia đình.

Ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình dẫn chúng tôi tới gia đình em Bùi Việt Cường. Vừa đi, anh vừa nghẹn ngào kể: Các cháu đều khá bạo nước, nhiều cháu biết bơi. Khu dân cư ven bờ sông Đà hàng năm cũng thường có người đuối nước, song chưa bao giờ có nhiều trẻ em cùng chết đuối một lúc như vậy.

Đây là một mất mát rất lớn, để lại nỗi đau thương vô bờ cho những bậc phụ huynh, nhà trường và ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình đã tập trung xuống cùng với Phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình để phối hợp với các lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ, động viên thăm hỏi các gia đình có con em gặp nạn.

Rất đông bạn bè, người thân và hàng xóm đã tập trung tới gia đình các cháu để động viên, chia sẻ nỗi đau với gia đình.

Ngồi bên cạnh chiếc quan tài đóng vội, nhìn di ảnh cháu trai xấu số, đoản mệnh, bà Các (bà nội em Nguyễn Anh Nam, sinh năm 2009) như “đứt từng khúc ruột” nói: “Đau đớn quá! Đáng nhẽ, con phải chịu tang bà, sao bà lại phải ngồi khóc con thế này Nam ơi”, bà Các ngất lên xỉu xuống. Phải nhờ người thân xức dầu liên tục bà Các mới cầm cự đến lúc làm lễ tang cho cháu nội. Trong vòng tay ông Mạnh (bố của Nam- PV), thằng cu út mới 1 tuổi đầu đội khăn tang, nhìn đám đông sụt sịt như chưa ý thức được anh trai của mình đã qua đời.

Ông Mạnh thất thần, rơm rớm lệ kể: "Lúc 15h chiều, anh đang đi làm thì nhận tin dữ con trai anh bị đuối nước. Anh tức tốc chạy ra hiện trường đã thấy con được phủ lớp vải trắng trên người. Đau lòng quá, anh chạy lên muốn ôm con vào lòng thì được cơ quan chức năng giữ lại để phục vụ công tác khám nghiệm".

“Không bao giờ cho Nam đi bơi sông, chưa bao giờ cả. Bản thân Nam cũng không biết bơi. Chiều qua, Nam được nghỉ học xin đi đá bóng, không ngờ chỉ trong tích tắc, tai họa ập đến. Nuôi con đến giờ phút này đâu đơn giản. Thằng bé còn học giỏi, ngoan ngoãn nữa. Hôm nay, bố con chưa được ăn cơm chung với nhau…”, anh Mạnh khóc nấc.

Mặt trời đứng bóng, đoàn chúng tôi đến thăm hỏi gia đình ông Bùi Văn Luận (bố cháu Bùi Việt Cường - PV), ngồi bên cạnh linh cữu con trai, ông Bùi Văn Luận như người mất hồn. Ánh mắt người cha này ngơ ngác nhìn di ảnh con như không thể tin nổi sự thật rằng đứa con trai lớn của mình vừa ra đi mãi mãi.

“Dòng sông Đà đã cướp mất sinh mạng của con trai tôi và 7 đứa trẻ khác. Nỗi đau kép không thể nào tả xiết”, ông Luận vừa nói vừa lau nước mắt.

Những người thân trong gia đình cùng bà con khu phố chưa thôi hy vọng về một phép nhiệm màu nào đó sẽ đưa các cháu trở lại với mái ấm gia đình...

Không khí ảm đạm chưa bao giờ bao trùm cả khu phố Hoàng Văn Thụ đến thế, trong ngôi nhà khói hương nghi ngút. Trước bàn thờ đặt giữa nhà mọi người không khỏi xót xa mỗi khi nhìn vào đôi mắt của những người cha, người mẹ và người thân của các cháu. Trong đoàn người thăm viếng em Trương Anh Minh (sinh năm 2007), có nhóm bạn bè trong xóm chơi với em từ nhỏ. Các em ai nấy đều lặng lẽ, mặt cúi gằm, nước mắt lưng tròng, cầm nhang vào viếng bạn. Em Hoàng, bạn thân của Minh nói “hai đứa em chơi với nhau từ nhỏ, cùng nhau đi học, đi đá bóng. Em không thể tin Minh đã ra đi mãi mãi”.

Sáng 22/3, chiếc xe tang màu bạc đỗ xịch trước cổng nhà em Bùi Việt Cường – lớp 8A4 (nạn nhân bị đuối nước chiều qua 21/3). Cánh cửa phía sau xe mở ra cũng là lúc đội tang lễ khiêng linh cữu em lên xe để đưa về quê ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) an táng. Khói hương tỏa ra ngào ngạt, mắt ai cũng cay xè. Bạn bè em ở lớp 8A mặc áo sơ mi trắng, quàng khăn đỏ, cầm vòng hoa, đứng thành từng tốp, song song, lần lượt tiến vào sân viếng Cường lần cuối.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình, lớp 8A4 trường THCS Hữu Nghị có 2 bạn đuối nước là Bùi Việt Cường và Bùi Đình Gia Bảo. Hai bạn nhà cùng ngõ, cách nhau chừng 500 mét.

“Từ nay, tập thể lớp 8A4 sẽ mất đi 2 thành viên, những bạn rất ngoan và biết quan tâm người khác. Dãy bàn các bạn ngồi giờ khuyết chỗ, trống trải hơn thường ngày. Ở nơi xa, em mong các bạn được yên nghỉ”, em H, học sinh lớp 8A4 buồn bã khi tới viếng các bạn.

Những ước mơ dang dở

Trong số 8 nam sinh đuối nước, gia cảnh của em Nguyễn Bình Minh (sinh năm 2004) thương tâm nhất. Tấm bảng cáo phó dán đầu ngõ, bác của em là ông Nguyễn Mạnh Cường là người thay mặt gia đình đứng ra lo hậu sự cho em.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã lên Hòa Bình thăm hỏi, động viên gia đình các em học sinh bị nạn.

Bà Nguyễn Thị Cao (bà ngoại em Minh - PV) khóc nức nở khi thấy đoàn công tác Bộ GD&ĐT đến thăm hỏi. Nắm tay thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, bà Cao nghẹn ngào: “Cháu Minh sống với bà từ nhỏ, hai bà cháu nương tựa vào nhau để sống. Mẹ của cháu là mẹ đơn thân, đã đi bước nữa. Từ nhỏ đến giờ, Minh không biết bố mình là ai. Đám tang của cháu cũng thưa người hơn hẳn…”

Tiếng khóc than văng vẳng từ ngôi nhà 3 gian tuềnh toàng, khiến những người đến viếng không khỏi xót xa. Hết sức lực khóc cháu, bà Cao nằm vật xuống, nhưng không ngừng thổn thức. Chiếc quan tài đóng vội, khuya 21/3 mới được khâm liệm, để đợi mẹ của em từ Hà Nội về, kịp nhìn mặt con lần cuối.

“Hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Tôi đi rửa bát thuê cho nhà hàng để nuôi Minh ăn học. Thằng bé thương bà, hiểu hoàn cảnh gia đình nên giúp đỡ tôi công việc nhà. Nó thông minh và ngoan lắm. Có lần Minh nói, sau này lớn lên nhất định sẽ về quê tìm bố. Nó cũng không trách khi mẹ đi bước nữa. Chắc giờ cháu đang đợi mẹ cháu về nhìn cháu lần cuối”, bà Cao nghẹn ngào kể.

Cũng theo bà Cao, cháu Minh đá bóng rất giỏi, thường xuyên được gọi đá bóng ở phường và thành phố Hòa Bình. Ước mơ của Minh trở thành cầu thủ bóng đá. “Tôi dự định năm sau xin cho cháu vào đội tuyển bóng đá để học tập. Hôm 20/3, thằng bé còn dặn tôi phải mua bằng được bộ quần áo cầu thủ bóng đá. Hôm mặc thử, Minh khoe “đẹp quá bà ngoại nhỉ”. Không ngờ lần mặc đầu tiên của cháu cũng là lần cuối cùng của cháu...”, bà Cao bần thần nhớ lại.

Cách đó vài km, gia đình các nam sinh Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Mạnh Hùng cũng chung nỗi đau mất con. Cả ba bà mẹ cứ ôm khư khư linh cữu con trai, chẳng muốn rời, cũng chẳng thiết ăn uống từ hôm qua đến giờ.

Nước mắt ở lại...

Mặt trời đứng bóng, không khí ảm đạm như bao trùm cả khu phố. Đứng sâu trong góc sân nhìn gia đình tổ chức tang lễ cho các bạn, em Xa Đình Hoàng (9 tuổi, một trong hai nam sinh thoát nạn) nói: "Đến giờ chính em cũng chưa hiểu chuyện gì xảy ra".

Em Hoàng nhớ lại, lúc đó quả bóng đang chơi bị dòng nước đẩy ra xa, các em đang cách bờ khoảng 10 mét bắt đầu có dấu hiệu đuối nước nên hò nhau bơi vào bờ. Em cách bờ gần nhất nên nhanh chóng bơi vào đầu tiên, thoát được dòng nước cuốn.

"Lúc đó, em và bạn khác cũng bị đuối nhưng cả 2 cố gắng vùng vẫy rồi bơi được vào bờ. Vào đến bờ, em chạy đi gọi người cứu các bạn, còn bạn kia lấy điện thoại gọi về cho gia đình", Hoàng sợ hãi kể.

Trước đó, như Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin khoảng 15h giờ chiều ngày 21/3, 10 cháu sống cùng 1 khu phố (phố Hoàng Văn Thụ - TP Hòa Bình) rủ nhau ra bờ sông Thịnh Minh đá bóng và tắm sông bị nước sông cuốn trôi khiến 8 cháu đuối nước tử vong, hai cháu may mắn thoát chết trong gang tấc. Ngay trong đêm xảy ra sự việc (21/3/2019) Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã lên Hòa Bình thăm hỏi, động viên gia đình các em học sinh bị nạn.

Đăng Chung - Thế Đại

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/noi-dau-xe-long-ben-dong-da-giang-3989565-v.html